Sự kiện

Xung quanh việc thiếu điện mùa hè – EVN cần một sự chia sẻ

Thứ hai, 12/7/2010 | 16:08 GMT+7

Từ nhiều tháng nay, dư luận xã hội hết sức quan tâm và vô cùng bức xúc trước tình hình thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt trong những đợt nắng nóng từ tháng 5 đến đầu tháng 7 vừa qua, tình trạng cắt điện sinh hoạt liên tục, hoặc kéo dài ở một số địa phương có lúc còn trở nên trầm trọng hơn. Vậy thiếu điện là do khách quan hay chủ quan?

Thiếu điện do nhu cầu tăng cao: Những năm gần đây, nhất là khi đất nước ta bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thì rõ ràng tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam có nhiều khởi sắc. Mặc dù trong 2 năm 2008-2009, thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính, tác động không nhỏ tới các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhưng tăng trưởng GDP của nước ta vẫn được duy trì; đời sống sinh hoạt của nhân dân được cải thiện và nâng cao, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng điện từ 12-13% lên 22,6% (có báo còn đưa tin tăng trưởng điện hơn 30%), trong đó, điện dùng cho công nghiệp & xây dựng tăng 25,2% (chiếm tỷ trọng 52,0%); điện dùng cho khu vực thương nghiệp, khách sạn nhà hàng tăng 11,6%, điện dùng cho quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 8,3% so với cùng kỳ (chiếm tỷ trọng 37,6%). Phụ tải toàn hệ thống tháng 5 trung bình đạt khoảng 285 triệu kWh/ngày (tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2009), trong đó sản lượng điện ngày cao nhất đạt gần 290 triệu kWh/ngày. Như vậy có thể nói, nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân ngày càng tăng cao, đó là điều đáng mừng, nhưng đối với ngành Điện thì đây lại điều đáng lo ngại. Theo một chuyên gia năng lượng cho biết, nếu mức tăng trưởng GDP là 5,83% thì tốc độ tăng trưởng điện khoảng 12-13% là bình thường, nhưng tăng trưởng điện tới gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 lần là điều không bình thường và đó cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng thiếu điện trầm trọng hơn.

Thiếu điện do “Ông Trời”: Tình hình thời tiết gây nắng nóng kéo dài diễn ra ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Mỹ, Liên bang Nga. Nhiệt độ tháng 6 vừa qua tại các nước này đều từ 38 – 440C, cá biệt như Liên bang Nga và Pakistan còn có hàng chục người chết vì nắng nóng. Còn ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Lan Châu – Phó Giám đốc Trung tâm  Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, mùa khô năm 2009- 2010, dòng chảy từ Trung Quốc vào 3 nhánh sông Đà, sông Thao và sông Lô của nước ta đều ở mức thấp nhất trong lịch sử. Mặt khác, do không có mưa bổ sung nên nguồn nước về suy giảm làm dòng chảy từ biên giới qua hệ thống sông Hồng đến các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà giảm nhanh và thấp hơn trung bình nhiều năm (từ giữa năm 2009 khoảng 35-65%). Thiếu nước ở các dòng sông không phải chỉ xảy ra đối với Việt Nam, mà ngay các quốc gia châu Á cũng hết sức lo ngại, thậm chí hồi tháng 7-2009, bốn nước ASEAN trong Ủy ban sông Mê Kông gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia còn yêu cầu Trung Quốc cho kiểm tra xem nước này có xây đập làm thủy điện để chặn dòng chảy xuống các nước Đông Nam Á hay không? Tuy nhiên, vấn đề sông nước của Trung Quốc thì không bàn đến, nhưng vào thời điểm Việt Nam căng thẳng về điện thì Trung Quốc cũng thông báo cho biết, sản lượng điện bán cho nước ta qua các đường dây Lào Cai, Hà Giang không thể đáp ứng đủ do phía bạn cũng thiếu nước, thiếu điện. Trong khi đó, tình hình thời tiết vẫn không sáng sủa, nắng, nóng vẫn cứ tiếp tục hoành hành, thậm chí còn lập kỷ lục chưa từng thấy từ hơn một trăm năm qua.

Thiếu điện do lãng phí: Vấn đề sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm vẫn chưa được thực thi triệt để. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị tiết kiệm điện tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, nhưng xem ra chưa được các địa phương nào thực hiện nghiêm túc. Đến các Công ty Điện lực, nghe báo cáo vẫn thấy phải ưu tiên cung cấp đủ điện cho các cơ quan “quan trọng” của địa phương và việc nêu chỉ tiêu tiết kiệm điện 10% thì cứ nêu, nhưng ai kiểm tra, ai giám sát và định mức sử dụng lại càng không được rõ ràng. Đáng tiếc là trong thời kỳ thiếu điện như thế, tiết giảm chả thấy đâu nhưng tỉnh Bình Dương tỉ lệ điện chiếu sáng công cộng (CSCC) lại tăng tới 18,9%, cơ quan hành chính, sự nghiệp (HCSN) tăng 22,04%; tỉnh Đồng Nai CSCC tăng 24,38%, HCSN tăng 47,52%; đặc biệt là thành phố HCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đều có mức tăng cao về điện dùng cho sinh hoạt, tương ứng là 36,2% và 32%.

Sử dụng điện lãng phí vẫn hiển nhiên không từ một địa phương nào, càng thành phố, thị xã càng lãng phí hơn. Theo Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TPHCM, lượng điện tiêu thụ trong doanh nghiệp (DN) tại TPHCM chiếm từ 25%- 65% tổng lượng điện năng. Qua kiểm toán 600 doanh nghiệp cho thấy, chỉ có 03 DN có hệ thống sử dụng năng lượng tiên tiến, còn lại đều sử dụng điện lãng phí... Riêng ở Hà Nội tuy có triển khai quyết liệt, nhưng dọc đường khu vực bến xe Lương Yên, đường Nguyễn Trãi, đường Phạm Hùng... điện đèn vẫn chưa thấy tiết giảm. Đặc biệt là đoạn đường bến xe Lương Yên lên cầu Vĩnh Tuy, đèn đường còn mắc mỗi cột 2 bóng, một chiếu sáng đường, một quay sang bờ đê. Nhiều biển quảng cáo tấm lớn của các nhà hàng, cửa hiệu chỉ tính lãng phí điện cũng bằng cả một làng quê dùng điện sinh hoạt. Đấy là chưa kể tới việc trên địa bàn cả nước còn không biết bao nhiêu DN sản xuất lớn sử dụng dây chuyền, thiết bị công nghệ lạc hậu như hệ thống làm lạnh, lò hơi, các đông cơ điện... gây tổn hao một nguồn điện không nhỏ. 

Thiếu điện do sự cố nhà máy điện, do thiếu vốn và giá điện mua ngoài quá cao: Trong khi các nhà máy thủy điện phải chạy cầm chừng do thiếu nước thì một số nhà máy nhiệt điện lớn như Cẩm Phả, Sơn Động, Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1 bị sự cố, phải ngừng hoạt động để đại tu, sửa chữa, gây thiếu hụt khoảng 1000 MW. Bên cạnh đó, khả năng cung cấp điện của EVN chỉ đạt gần 60% công suất của toàn hệ thống, phải mua ngoài với giá cao, nhưng tiềm lực của EVN cũng có giới hạn, không thể mua kéo dài với giá 5.000đ – 6.000đ, bán được 600 đồng và cao nhất là 1.700đ/kWh. Chỉ tính việc mua ngoài giá cao, 6 tháng đầu năm 2010, EVN đã phải chịu lỗ khoảng 4.700 tỷ đồng. Với mong muốn đảm bảo đủ điện cho nhu cầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư, nhưng hiện giá điện của Việt Nam chỉ ở mức 5,3 cent/kWh (khoảng 1.059 đ/kWh), quá thấp so với các nước trong khu vực nên không hấp dẫn các nhà đầu tư, bởi phải đạt giá trên 8 cent/kWh thì họ mới xây dựng nhà máy. Một vấn đề nan giải nữa đó là từ lâu, EVN không còn được sống trong “bầu sữa mẹ”, mà phải tự cân đối nguồn vốn, Nhà nước chỉ đứng ra bảo lãnh và tạo cơ chế. Tuy nhiên, do chính sách của Nhà nước ta không rạch ròi giữa kinh doanh với công ích, không cho tăng giá điện theo cơ chế thị trường, nhưng vẫn bắt buộc doanh nghiệp phải xây dựng và phát triển lưới điện về vùng sâu, vùng xa và đảm bảo trợ giá điện cho nguời dân nông thôn. Đây là một nghịch lý. Năm 2010, ngoài hai dự án điện mới khởi công là Nghi Sơn 2, Nghi Sơn 4, EVN dự kiến sẽ khởi công xây dựng 4 dự án khác và nhu cầu vốn khoảng 140 ngàn tỷ đồng, nhưng lãi trong kinh doanh một năm cả Tập đoàn mới đạt 1.000 tỷ đồng thì lấy vốn đâu mà đầu tư nếu không vay từ các ngân hàng trong và ngoài nước, đấy là chưa kể còn nhiều dự án quan trọng khác... Chia sẻ với khó khăn này, đến ngay Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), một trong những DN nắm trong tay nhiều dự án nhiệt điện, có cả một kho vàng đen khổng lồ mà vẫn lo kinh doanh điện bị lỗ. Ông Trầm Xuân Hòa – Tổng giám đốc TKV đã cho rằng, đã đến lúc, Nhà nước phải xem xét lại giá điện, chứ không sẽ chẳng có DN nào dám đầu tư vào làm điện.  

Nguyên nhân dẫn tới mất điện: Thời gian qua, đúng là nhiều nơi mất điện do EVN thực hiện tiết giảm điện bởi công suất không đáp ứng nổi nhu cầu của phụ tải. Nắng nóng kỷ lục trong những tháng vừa qua cũng gây cho ngành Điện thiệt hại lớn, tuy chưa thống kê cụ thể về thiệt hại trên tất cả hệ thống, nhưng con số thiết bị, phụ kiện lưới điện nhanh lão hóa, trạm và đường dây chập cháy, quá tải (cụ thể đã xảy ra tại đường dây 500 kV khu vực miền Trung và Tp. Hồ Chí Minh), thậm chí có nguy cơ rã lưới trên diện rộng. Trong khi đó, ở một số thành phố lớn như Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, đặc biệt là Hà Nội đang yêu cầu các dự án ngầm (viễn thông, điện, nước...) trên địa bàn Thành phố phải hoàn thành trước ngày 30-8 để chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nên các Công ty Điện lực phải làm đêm, làm ngày và chắc chắn, có nơi, có lúc phải ngừng cung cấp điện. Tuy nhiên, lý do cắt điện vẫn là do hệ thống đã quá tải, không đủ sức “đề kháng” với cái nắng nóng ngoài trời gần 500C. 

Cần sự một sự cảm thông, chia xẻ: Từ những phân tích trên đây, có thể thấy nguyên nhân mất điện có rất nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan. Khi xảy ra tình trạng mất điện, người dân chỉ còn biết đổ hết lỗi cho EVN, coi EVN là độc quyền, là tác nhân gây ra tình hình thiếu điện, thậm chí vì bức xúc quá với việc tiết giảm phụ tải điện, mà người dân xã Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ, Thái Bình đã “bắt một nhóm nhân viên của ngành Điện phơi mình giữa trời nắng nóng (được coi là chảo lửa) để uy hiếp cơ quan chức năng” (Báo vietnamnet ngày 29/6). Một động thái làm nhục người khác chứ không thể coi đó là bức xúc nữa. Hãy đặt mình vào vai trò ngành Điện, chắc chắn, chúng ta sẽ hiểu và thấy EVN đang gặp khó khăn biết nhường nào?

Ngành Điện được Đảng, Nhà nước giao cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng sau khi nhiều nhà máy điện được cổ phần hóa, thì công suất nguồn của EVN hiện chỉ còn 9.000/19.000 MW (chiếm khoảng 47%), trong tương lai, theo Quy hoạch điện VI, công suất sẽ còn thấp hơn. Nhưng dù thế nào thì EVN cũng đã gồng mình làm tất cả những gì có thể để khắc phục tình trạng thiếu điện, đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong đầu tư phát triển lưới điện; đại tu, sửa chữa sự cố các nhà máy điện; tự vay vốn để xây dựng nguồn điện; thiếu điện thì chấp nhận lỗ để mua điện giá cao bù vào sản lượng thiếu; thiếu điện, EVN phải hô hào người dân tiết kiệm điện, phải đi bán từng bóng đèn compact để gom góp bổ sung từng kWh điện theo kiểu “tích tiểu thành đại”; mất điện, người thợ điện phơi lưng dưới cái nắng, nóng 45 - 500C để kiểm tra, phát hiện và phải xử lý xong sự cố mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ... nhưng xem ra, năm 2010 này, EVN không có được cái may mắn “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trong kinh doanh, có một triết lý, không có DN nào không muốn bán hàng, càng bán được nhiều càng tốt. Nhưng trong điều kiện thiếu điện hiện nay, thì lấy gì để bán.

Xin chia sẻ với bà con nơi miền Trung mưa tuôn, nắng cháy. Nhìn những cánh đồng khô hạn nứt toang, lòng hồ hiện còn trơ đáy; những ông bố, bà mẹ khom lưng xót xa nhìn những cọng lúa thoi thóp chết dần trong nắng nóng. Đó, đâu phải là do thiếu điện. Có lẽ, người dân nơi đây giờ đã biết đó là tội của đất, của trời, của tất cả nhân loại đã làm cho trái đất nóng lên. Nếu không có thảm họa này thì “rắc rối” đâu có xảy ra với ngành Điện. 

Nguyễn Đừng