Sự kiện

EVN "Nói không với mất an toàn"

Thứ tư, 9/9/2009 | 14:07 GMT+7

Phần lớn các vụ tai nạn lao động xảy ra tại các đơn vị là do người lao động không hiểu rõ những yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc; không chấp hành nghiêm túc quy định trong quy trình kỹ thuật an toàn điện

Tăng cường huấn luyện thực hành an toàn lao động để hạn chế tai nạn lao động

Tai nạn gia tăng

Năm 2008, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) tại các đơn vị trực thuộc EVN là 22 vụ/26 người, trong đó có 5 người chết, 9 người bị thương nặng, 12 người bị thương nhẹ. 6 tháng đầu năm 2009, số vụ tai nạn tại các đơn vị có dấu hiệu tăng lên: 13 vụ/13 người, trong đó 5 người bị chết, 5 người bị thương nặng và 3 người bị thương nhẹ.

Số vụ TNLĐ trong năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009 tập trung chủ yếu ở khâu phân phối điện: 26 vụ/27 người, khối Truyền tải điện: 2 vụ/5 người, khối các nhà máy điện 1 vụ chết người, khối cơ khí 5 vụ/5 người... Trong đó, số vụ tai nạn do điện là 17 vụ, ngã cao là 15 vụ, do tiếp xúc với máy cơ khí là 7 vụ... Như vậy, tuy các đơn vị đã có nhiều cố gắng để giảm thiểu, hạn chế tai nạn lao động trong sản xuất, kinh doanh, nhưng các tai nạn về điện, đặc biệt là khi làm việc ở trên lưới điện vẫn tái diễn và gia tăng so với các năm trước. Các vụ tai nạn dẫn đến hậu quả chết người là những bài học lớn về công tác quản lý vận hành an toàn lưới điện.

Phần lớn các vụ tai nạn lao động xảy ra tại các đơn vị là do người lao động không hiểu rõ những yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc; không chấp hành nghiêm túc quy định trong quy trình kỹ thuật an toàn điện; ngay cả những thao tác đơn giản như dùng bút hoặc đèn để kiểm tra còn điện hay đã cắt điện trước khi tiến hành các công việc; không thực hiện các biện pháp kỹ thuật như đặt tiếp địa hai đầu, hoặc cũng không chú ý thắt dây an toàn, cài quai mũ bảo hộ hay dùng găng tay, ủng cách điện trong thao tác... Người lao động còn tư tưởng chủ quan làm vắn tắt dẫn đến những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức lao động tại hiện trường ở một số đơn vị cũng rất thiếu chuyên nghiệp: Khi lập kế hoạch công tác, không khảo sát kỹ hiện trường, nên đưa ra các bước thực hiện không sát thực tế. Việc bàn giao hiện trường cho phép vào làm việc còn thực hiện qua loa, không coi trọng công tác cảnh báo về các khu vực nguy hiểm. Khi làm việc tại hiện trường không làm rào chắn, không treo biển báo an toàn, thực hiện không đúng các quy định về cấp phiếu thao tác và phiếu công tác. Vai trò đôn đốc nhắc nhở của an toàn vệ sinh viên và đốc công an toàn ở một số đơn vị chưa hiệu quả. Công tác bồi huấn, học tập quy trình an toàn ở nhiều đơn vị còn nặng về lý thuyết, chưa chuyên sâu cho từng lĩnh vực ngành nghề, từng loại công việc cụ thể, nên người lao động khó hiểu, học qua loa để đối phó, khó áp dụng vào thực tế. Trong khi đó, công tác tự kiểm tra và kiểm tra chéo giữa các đơn vị không còn được duy trì theo nề nếp, kiểm tra hiện trường ít phát hiện những sai sót, vi phạm để chấn chỉnh và rút kinh nghiệm trong vận hành lưới điện.

những giải pháp…

Thực hiện đúng các Quy trình an toàn điện trong công tác quản lý vận hành lưới điện
Để nâng cao hiệu quả công tác kỹ thuật, an toàn bảo hộ lao động, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ban thường vụ Công đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành chỉ thị liên tịch số 3075/LT-EVN-CĐ ngày 20/7/2009 về việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động: Triển khai ngay 2 cuộc vận động “Nói không với mất an toàn” và “Ngày/tuần/tháng không có tai nạn lao động” đến các đơn vị trực tiếp sản xuất. Qua đó, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị rút kinh nghiệm sâu sắc các vụ tai nạn lao động trong 6 tháng đầu năm 2009. Triển khai đồng bộ nội dung công tác an toàn lao động tại các đơn vị, kiện toàn lại đội ngũ công tác an toàn, từ tổ đội sản xuất đến các công ty, nhà máy và đơn vị truyền tải. Hạn chế thấp nhất những tai nạn lao động trong công tác quản lý vận hành lưới điện và sản xuất kinh doanh, không để xảy ra những tai nạn đáng tiếc dẫn đến mất mát, chấn thương lao động đối với người lao động tại các đơn vị. 

EVN cũng yêu cầu các đơn vị thay đổi triệt để về nội dung và hình thức công tác tập huấn, bồi huấn an toàn lao động theo hướng tập trung cho các bộ phận và đối tượng trực tiếp sản xuất, trực tiếp thực hiện công tác quản lý vận hành, đối tượng thường xuyên tiếp xúc với lưới điện cao, hạ thế. Nghiên cứu biên soạn tài liệu tập huấn về quy trình kỹ thuật an toàn điện theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và phù hợp với từng đối tượng nghề nghiệp riêng. Coi trọng công tác thực hành, đặc biệt đối với công việc liên quan đến trèo cao, làm việc trên cao, tiếp xúc với điện hoặc gần nơi có điện. Quan tâm huấn luyện cách thức tổ chức, chỉ huy, giám sát thực hiện công việc tại hiện trường cho các đối tượng liên quan, đảm bảo huấn luyện thực hành tốt cho người lao động được phân công thực hiện công việc trực tiếp tại hiện trường.

Công đoàn cùng cấp có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên, phối hợp với chuyên môn trong việc ngăn ngừa giảm thiểu tai nạn lao động. Công tác kiểm tra đột xuất tại hiện trường phải được thực hiện nghiêm túc để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những vi phạm quy trình, mất an toàn lao động trong sản xuất. Tập đoàn yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhân dân trong sử dụng và sinh hoạt điện nông thôn, thực hiện tốt các quy định về hành lang an toàn lưới điện cao áp để đảm bảo tốt công tác vận hành lưới điện an toàn liên tục những tháng cuối năm 2009.

Trong Quý III/2009, EVN yêu cầu các đơn vị:

- Triển khai 2 cuộc vận động đến với từng NLĐ: “Nói không với mất an toàn lao động”; “Ngày, tuần, tháng không có tai nạn lao động”.

- Tuyên truyền vận động NLĐ nâng cao ý thức kỷ luật lao động, thực hiện đúng các quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn điện.

- Chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo hộ lao động trong lao động sản xuất kinh doanh.

Theo: Tạp chí Điện lực