Sự kiện

EVN nỗ lực khai thông nguồn vốn đầu tư

Thứ năm, 11/9/2008 | 14:12 GMT+7
Lạm phát tăng cao cùng với những chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ đã đặt EVN trước những thách thức rất lớn trong việc thu xếp nguồn vốn đầu tư cho các công trình nguồn và lưới điện trong năm 2008.

EVN đã huy động mọi nguồn lực tự có để góp phần đảm bảo vốn đầu tư cho các công trình điện

Theo kế hoạch, tổng mức đầu tư trong năm nay của EVN sẽ đạt khoảng 43.000 tỷ đồng, gồm khoảng 40 công trình nguồn điện và 200 công trình lưới điện. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm giá trị thực hiện mới đạt khoảng 16.298 tỷ đồng (bằng 37,2% kế hoạch). Trong đó, 12 dự án thủy điện, 2 dự án nhiệt điện đang thi công nhưng không giải ngân được, 5 dự án chưa thu xếp được nguồn vốn. Nguyên nhân của tình trạng thiếu vốn đầu tư được lý giải là do sự tăng giá mạnh mẽ của nguyên liệu đầu vào, những biến động trên thị trường tài chính tiền tệ, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán. Tổng nguồn vốn tự có của EVN đã giảm 3.769 tỷ đồng, chỉ còn 8.160 tỷ so với kế hoạch đầu năm là gần 12 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu từ cổ phần hóa giảm rất mạnh (chỉ còn khoảng 1 nghìn tỷ đồng so với trên 7,2 nghìn tỷ đồng dự kiến huy động được). Bên cạnh đó, do thiếu tính thanh khoản, lãi suất cơ bản tăng cao đã khiến các ngân hàng thương mại ngừng giải ngân các khoản vay theo các hợp đồng tín dụng đã ký với EVN, đặt EVN vào nguy cơ không giải ngân được, tổng cộng 3.938 tỷ đồng vốn tín dụng trong nước. Khả năng thiếu vốn vay nước ngoài (chưa kể dự án nhiệt điện Hải Phòng 2 và Nhiệt điện Quảng Ninh 2) cũng lên đến trên 1.100 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng nguồn vốn thiếu hụt của EVN trong năm 2008 có nguy cơ lên đến trên 9.000 tỷ đồng. Trong khi đó, một khoản tiền lớn của EVN lại đang “bất động” do phải ký quỹ 2,8 nghìn tỷ đồng để mở L/C thanh toán hợp đồng thiết bị cơ điện của công trình Thủy điện Sơn La, số tiền này chưa giải chấp được do chưa ký được hợp đồng vay 400 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Đứng trước những khó khăn này, EVN đã huy động mọi nguồn lực tự có, chủ động phối hợp giải quyết những tồn tại trong hoạt động tín dụng với với các bộ ngành liên quan, các ngân hàng thương mại nhằm không để các công trình điện bị chậm, giãn tiến độ.   Cụ thể, EVN đã tạm bố trí một phần vốn để thanh toán cho khối lượng thực hiện đã có phiếu giá mà ngân hàng chưa thanh toán. Tập trung rà soát, đình hoãn khoảng gần 390 hạng mục công trình với giá trị vốn khoảng 1.460 tỷ đồng. Tiến hành vay vốn khấu hao cơ bản của các công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, Vĩnh Sơn Sông Hinh và cố gắng tìm kiếm các khoản vay ngắn hạn các ngân hàng nước ngoài.

Bên cạnh đó, EVN cũng tập trung rà soát và dừng mua sắm vật tư, trang thiết bị chưa thật cần thiết, tạm thời chưa bố trí quỹ đầu tư phát triển, thực hiện tiết kiệm tối đa chi phí quản lý,vận hành sản xuất kinh doanh trong toàn EVN để đảm bảo một phần nguồn vốn đầu tư. Ngay sau khi có Thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại cuộc họp bàn về các biện pháp đảm bảo vồn đầu tư cho các dự án điện cấp bách của Văn phòng Chính phủ vào giữa tháng 7 vừa qua, EVN trên cơ sở xác định thứ tự ưu tiên các dự án điện để đưa vào vận hành trong các năm 2008, 2009 và 2010 đã lập kế hoạch giải ngân vốn theo từng tháng gửi các ngân hàng thương mại để bố trí và giải ngân vốn, đáp ứng tiến độ từng dự án. Trên tinh thần chia sẻ khó khăn vì lợi ích chung, EVN và các ngân hàng thương mại đã đàm phán và điều chỉnh lại mức lãi suất cho phù hợp với tình hình mới, nhằm đảm bảo giải ngân vốn vay và tiếp tục thực hiện ký kết các hợp đồng tín dụng.

Theo Quy hoạch điện VI, từ 2006 đến 2015, EVN sẽ phải đảm đương xây dựng khoảng 44 đến 48 nhà máy điện có tổng công suất từ 24 đến 33 nghìn MW (tùy theo phương án phụ tải cơ sở hay cao) và nhiều công trình lưới điện khác. Việc tiếp tục đảm bảo nguồn vốn đầu tư có lẽ sẽ còn không ít khó khăn. Trên cơ sở đó, nhiều biện pháp huy động nguồn vốn đang được EVN tập trung triển khai. Cụ thể, EVN sẽ lập phương án bán bớt cổ phần của EVN tại các công ty cổ phần thông qua đàm phán trực tiếp với các nhà đầu tư chiến lược. Tiếp tục thực hiện các biện pháp để chuyển đổi cơ cấu nguồn vốn các dự án điện như huy động vốn đầu tư nước ngoài, tiến hành đấu thầu EPC theo phương án nhà thầu thu xếp tài chính để giảm bớt gánh nặng tài chính cho EVN. EVN cũng lập phương án thành lập các công ty cổ phần để triển khai các dự án với phần vốn EVN dưới 30%, trong đó tập trung mời các doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực và các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước tham gia dự án; tiếp tục phát hành trái phiếu EVN; tiếp cận các nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại nước ngoài; tận dụng tối đa các kênh huy động vốn thông qua các đơn vị thành viên, các công ty cổ phần mà EVN có cổ phần chi phối hay cổ đông chiến lược như Công ty tài chính cổ phần Điện lực, AnBinh Bank. Việc chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các ngân hàng thương mại trong nước và các tổ chức tín dụng quốc tế để kịp thời xử lý những vướng mắc, khơi thông nguồn tín dụng cũng là biện pháp quan trọng để đảm bảo đủ nguồn vốn đầu tư.

Với các biện pháp tích cực, chủ động trong thu xếp vốn, EVN hy vọng các dự án điện sẽ được triển khai đúng tiến độ, góp phần đảm bảo đủ điện phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Theo TCĐL số 8/2008