Sự kiện

Cung cấp điện cao điểm mùa khô 2013: Nỗ lực gỡ khó để không tiết giảm điện

Thứ tư, 22/5/2013 | 09:54 GMT+7
Cung ứng điện cho các tháng mùa khô năm nay đã được dự báo là khó khăn hơn nhiều so với những năm trước. Vậy Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sẽ gỡ khó như thế nào để không phải tiết giảm điện trong thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” – nắng nóng gay gắt này.


Kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn trong mùa khô

Những yếu tố bất lợi

Vào các tháng cao điểm mùa khô năm nay nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao đột biến do nắng nóng gay gắt. Trong khi đó, tại các hồ thủy điện trên phạm vi cả nước, mực nước đều thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm.

Nguồn khí Nam Côn Sơn tuy mới vận hành ổn định với lượng khí cấp khoảng 19-20 triệu m3/ngày, nhưng mới chỉ đáp ứng 90% nhu cầu khí cho phát điện của cụm nhà máy Phú Mỹ, Nhơn Trạch. Nguồn khí Tây Nam (PM3-CAA) với lượng khí cung cấp khoảng 4,4 triệu m3/ngày cũng chỉ đáp ứng 75% nhu cầu khí cho phát điện của cụm nhà máy điện Cà Mau. Một số nhà máy nhiệt điện than cũng vận hành chưa ổn định, đặc biệt là các Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2, Hải Phòng, Quảng Ninh, khiến cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia khó khăn thêm.

Gỡ khó

Hiện nay, EVN đang thực hiện điều tiết các hồ thủy điện một cách thận trọng, nhằm đảm bảo cung ứng điện vừa cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, nhất là khu vực bị hạn hán nặng là miền Trung – Tây Nguyên.

Tập đoàn đã bố trí, sắp xếp kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa các tổ máy phát điện một cách hợp lý, huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than và khí, tăng thêm lượng điện nhập khẩu, đảm bảo có sản lượng điện dự phòng cần thiết cho hệ thống điện quốc gia vào cuối mùa khô năm 2013, không để mực nước các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện phía Bắc giảm đến mực nước chết trước khi lũ về.

Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN đã yêu cầu Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh, chuẩn bị sẵn sàng các phương án cung cấp điện, kể cả các phương án tiết giảm nhu cầu, tập trung vào các hộ sử dụng nhiều điện như sắt, thép, xi măng… để đối phó với khả năng mất cân đối cung - cầu điện khu vực miền Nam nếu xảy ra.
Dự kiến, EVN sẽ phải huy động trên 1 tỷ kWh bằng nguồn điện chạy dầu FO và DO với giá thành cao gấp nhiều lần so với nhiệt điện than, khí.

Bên cạnh đó, EVN đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) duy trì sản lượng cấp khí ở mức cao, cung cấp cho các nhà máy điện tuabin khí phát điện theo kế hoạch huy động của EVN. Tập đoàn Than và Khoáng sản (Vinacomin), đã cam kết cung cấp than đầy đủ và liên tục cho các nhà máy nhiệt điện chạy than để phát điện tối đa trong các tháng cao điểm mùa khô.

Với sự nỗ lực của EVN và các đơn vị bạn, các tính toán cho thấy, nếu không xảy ra các diễn biến quá bất thường như sự cố lớn từ các nhà máy điện, lưới điện 220-500 kV, hay nhu cầu điện tăng cao đột biến, về cơ bản, hệ thống điện quốc gia sẽ đảm bảo cung - cầu điện từ nay đến tháng 6/2013, không phải tiết giảm điện.
 
Theo: Công Thương Online