Sự kiện

Giải quyết thiếu điện, cần bắt đầu từ gốc

Thứ năm, 4/11/2010 | 09:58 GMT+7

Theo đánh giá của Viện Năng lượng, giai đoạn 2006 - 2010, cả nước dự kiến xây dựng 14.581MW điện nguồn, thực tế chỉ xây dựng được 9.741MW (đạt 66,8% kế hoạch). Việc chậm tiến độ là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng mấy năm gần đây.

Khó khăn mọi phía

Theo đại diện của Tổng công ty Điện lực (Vinacomin) thuộc TKV, việc chậm tiến độ các dự án có rất nhiều nguyên nhân. Bắt đầu là khó khăn từ việc lựa chọn địa điểm, thỏa thuận với địa phương, xin ý kiến các cơ quan liên quan... Có những dự án mất tới 1 – 2 năm cho công đoạn này (Hải Phòng 3 mất trên 2 năm cho việc quy hoạch địa điểm). Công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án đầu tư, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án cũng mất 1-2 năm. Đặc biệt, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư bao giờ cũng là vấn đề phức tạp nhất, mất nhiều thời gian nhất.

Thu xếp vốn lại càng nan giải. Hầu hết tổng mức đầu tư của các dự án nguồn điện là tương đối lớn, tới 1,6- 1,8 tỷ USD cho dự án có công suất 1.200 MW. Nếu thu xếp từ các nguồn vốn thương mại trong nước thì phải chịu lãi suất cao, thời gian ân hạn và trả nợ ngắn, lại rất khó vay với giá trị lớn nên thường phải “gom vốn” ở nhiều ngân hàng. Hơn nữa, phần vốn vay trong nước thường tính theo lãi suất thị trường tại thời điểm lập dự án nhưng thực tế hiện nay rất khó cố định lãi suất, việc thống nhất về tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính rất khó khăn giữa bên mua và bên bán. Nếu thu xếp tại các ngân hàng nước ngoài thì mất nhiều thời gian cho việc đàm phán với nhà cho vay, đơn vị bảo hiểm, phần bảo lãnh của Chính phủ... Đặc biệt, các tổ chức tài chính quốc tế có thể cho vay số lượng lớn, lãi suất thấp, thời gian ân hạn và trả nợ dài nhưng phải hoàn thành giải ngân đúng hạn, trong khi có quá nhiều lý do khiến dự án bị chậm tiến độ.

Lựa chọn nhà thầu EPC cũng là quá trình phức tạp và thường bị kéo dài. Mặc dù đã có hồ sơ mời thầu nhưng các công trình nhà máy điện thường rất phức tạp nên chưa thể cụ thể hóa mọi vấn đề trên hồ sơ. Vì vậy trong quá trình đấu thầu mất nhiều thời gian để làm rõ, cụ thể thêm các bản chào thầu, đánh giá tính chính xác của các cam kết bảo hành. Kể cả sau khi đã chọn được nhà thầu thì việc đàm phán, thương thảo cũng mất nhiều thời gian để ký được hợp đồng.

Ông Trần Văn Quang, Công ty CP Thiết bị điện Đông Anh cho rằng, vấn đề bất cập nhất trong quy định chọn thầu hiện nay là giá trúng thầu phải thấp hơn (hoặc bằng) giá gói thầu được duyệt theo dự toán, điều đó khiến cho nhiều cuộc đấu thầu đã trở thành đấu giá. Đây cũng là lý do khiến dự án kéo dài vì những trục trặc phát sinh trong quá trình thi công, vận hành do chất lượng, kỹ thuật không đảm bảo vì nhà thầu chấp nhận giá thấp thường không đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, kỹ thuật. Đó là chưa kể, do việc lập dự toán của tư vấn chưa chuẩn, chưa phù hợp với thị trường tại thời điểm đấu thầu nên có trường hợp, các nhà thầu đều bỏ giá cao hơn so với dự toán, thế là phải làm lại nhiều lần để xử lý tình huống mới đạt được kết quả.

Mặt khác, thời gian thực hiện hợp đồng EPC chưa có quy định cụ thể mà phụ thuộc vào thỏa thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu EPC. Thông thường hợp đồng EPC nhà máy nhiệt điện đốt than quy định thực hiện trong thời gian tối đa đến 42 tháng. Thế nhưng, rất nhiều hợp đồng EPC bị chậm do tổng thầu EPC ít kinh nghiệm, khi triển khai dự án còn lúng túng trong công tác điều hành, phối hợp giữa các khâu. Việc tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế của các nhà thầu chưa tốt. Nhiều nhà thầu thường mất thời gian để thích nghi với các yêu cầu quản lý chất lượng của Việt Nam. Ở Dự án Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2, nhà thầu Trung Quốc phải mất tới 6 tháng để làm quen với các quy trình thủ tục của Việt Nam, trong khi thời hạn cho 1 dự án chỉ có hơn 3 năm. Tuy nhiên, chọn được nhà thầu có năng lực không phải dễ bởi lẽ vay tiền ở đâu thì phải chọn nhà thầu ở đấy.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, hiện nay Nhà nước không quy định cụ thể thiết kế xây dựng nhà máy được lựa chọn tiêu chuẩn của những nước nào, vì vậy, dự án nào cũng mất rất nhiều thời gian để trình bày về tiêu chuẩn. Nhà nước nên công bố danh sách các hệ thống tiêu chuẩn, các đơn vị cứ thế áp dụng, không phải mất thời gian trình bày.

Đặc biệt, các nhà thầu trong giai đoạn tham gia đấu thầu ban đầu thường chấp nhận tất cả các yêu cầu của Hồ sơ mời thầu, nhưng khi bắt đầu thi công, họ lại đề xuất thay đổi về nhân sự, thầu phụ cung cấp thiết bị, thầu phụ xây lắp, thay đổi các điều khoản kỹ thuật...Việc này làm mất thời gian để đàm phán, xem xét, gây khó khăn, phức tạp trong quản lý dự án của chủ đầu tư.

Cơ chế giá điện chưa hợp lý cũng là yếu tố khiến các nhà đầu tư chưa nhiệt tình. Hiện tại, việc đàm phán giá điện tại nhà máy dựa trên Quyết định số 2014/QĐ-BCN được ban hành từ năm 2007 nên đã có một số thông số không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Do giá điện thấp so với suất đầu tư khiến chủ đầu tư buộc phải lựa chọn những gói thầu EPC giá thấp, đồng nghĩa với việc chấp nhận những nhà thầu kém, trình độ thấp và tất nhiên là chất lượng công trình kém, tiến độ chậm. Muốn hấp dẫn những nhà đầu tư giỏi thì giá điện phải phù hợp với kinh tế thị trường. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ, Chính phủ quyết định đầu ra cho giá điện, còn đầu vào do các doanh nghiệp thỏa thuận nên việc thương thảo để đảm bảo “đôi bên cùng có lợi” là rất khó. Bên cạnh đó, quy định chi phí vận hành, bảo dưỡng đối với các nhà máy điện chạy than trong khoảng 2,5% - 3,5% là quá thấp so với thực tế hiện nay. Trong phân tích dự án thường không tính đến lạm phát, trượt giá của nguyên nhiên vật liệu, của đồng tiền (cả ngoại tệ và nội tệ), thay đổi trong chính sách tiền lương của nhà nước trong khi các điều kiện này biến động rất lớn, đặc biệt là trượt giá đồng ngoại tệ nên đã gây khó khăn không nhỏ cho nhà thầu và chủ đầu tư.

Đẩy nhanh tiến độ dự án- phải thay đổi từ gốc

Theo đề án Quy hoạch điện 7 do Viện Năng lượng đang soạn thảo, dự báo, tốc độ tăng trưởng điện theo giai đoạn 2011-2015 sẽ là 14,1- 16%, giai đoạn 2016 - 2020 là 11,3- 11,6%. Để cung ứng đủ điện, giai đoạn 2011-2015 cả nước cần xây dựng 23.000 MW nguồn (gần 4.600 MW/năm), giai đoạn 2016 - 2020 cần xây dựng 27.200 MW nguồn (trên 5.400MW/năm). Trong đó chủ yếu là tăng nhanh về nhiệt điện, giảm dần về thủy điện. Tuy nhiên, với những khó khăn trên thì việc thực hiện quy hoạch không hề đơn giản. Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án, trước hết, cần xem xét đơn giản hóa một số thủ tục, trình tự, quy định. Cụ thể, Chính phủ nên cho phép chủ đầu tư thực hiện đồng thời nhiều bước cùng lúc trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu thủ tục pháp lý (có những dự án mất hàng năm trời để chờ ý kiến Quốc hội, trong khi Quốc hội cũng chỉ xem xét dựa trên ý kiến các chuyên gia). Chính phủ kêu gọi nội địa hóa nhưng lại kèm điều kiện doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải có kinh nghiệm 3- 5 năm với sản phẩm tương tự. Với nền cơ khí non trẻ của Việt Nam thì dù có giỏi cũng rất ít doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Đặc biệt, Luật Đấu thầu nên bỏ quy định lựa chọn nhà thầu EPC có giá thấp nhất mà cần quy định rõ hơn về: Cách đánh giá lựa chọn nhà thầu EPC; cách đánh giá các thiết bị có nguồn gốc xuất xứ khác nhau để đảm bảo lựa chọn được thiết bị có chất lượng tốt nhất giá hợp lý (cần phân biệt rõ về Tiêu chuẩn chế tạo và địa điểm chế tạo); cách xác định năng lực nhà thầu EPC có kinh nghiệm quản lý dự án tốt, năng lực về kỹ thuật và tài chính mạnh. Chính phủ cũng nên bổ sung và hoàn thiện về giá mua bán điện ở các dự án nguồn địện cho phù hợp với điều kiện hiện nay (giá cố định và giá biến đổi), tạo sự minh bạch, công bằng cho các chủ đầu tư các dự án nguồn điện khi đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN, rút ngắn thời gian đàm phán giá điện. Sớm thực hiện thị trường hóa giá điện để tạo sức hút cho các nhà đầu tư vào các dự án nguồn điện. Ưu tiên các nguồn vốn cho các dự án điện, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia; thúc đấy nhanh công tác đền bù GPMB. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực...

Theo: CôngThương