Sự kiện

Tiết kiệm điện - Không chỉ là khẩu hiệu

Thứ năm, 28/10/2010 | 10:39 GMT+7

Trong thời gian qua, với sự nỗ lực triển khai thực hiện sâu rộng của EVN,  nhiều chương trình tiết kiệm điện đã đem lại hiệu quả tích cực. Không chỉ là khẩu hiệu, mà tiết kiệm điện đã trở thành hành động thực tế của người dân, doanh nghiệp…

EVN tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ bán đèn compact cho khách hàng

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006-2010, EVN  đã định hướng thực hiện một số lĩnh vực tiết kiệm điện (TKĐ) trọng tâm như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức tiến tới thay đổi hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong cộng đồng; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý và theo dõi quá trình thực hiện TKĐ cũng như tình hình sử dụng điện của khách hàng. Đồng thời, thực hiện một số dự án hỗ trợ cho các hoạt động tuyên truyền TKĐ.

Nhiều hoạt động thiết thực

5 năm qua, bám sát các định hướng đó, Tập đoàn đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, dự án TKĐ, mang lại hiệu quả cao. Ngoài các hoạt động tuyên truyền TKĐ và phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng điện tiết kiệm, Tập đoàn đã và đang tập trung triển khai 3 chương trình, dự án lớn.

Trước hết phải kể đến chương trình đèn compact. Theo đánh giá của EVN, đây là chương trình thành công, đem lại hiệu quả cao và có tác động sâu rộng, được Tập đoàn kiên trì thực hiện từ năm 2002. Chương trình này đã trải qua 3 giai đoạn (2002-2003, 2005-2007, 2008-2010). Đến nay, các đơn vị điện lực đã xây dựng mạng phân phối đèn compact EVN với khoảng 3.000 điểm bán ở 1.732 xã phường trên cả nước. Đèn bán có tuổi thọ từ 6.000 giờ trở lên, được các đơn vị điện lực bán với giá thấp hơn giá thị trường từ 5-10%. Trong 3 năm (2008-2010), mạng lưới bán đèn của EVN đã bán được gần 4 triệu đèn. Thị trường đèn compact đã có sự phát triển rất nhanh chóng, từ mức tiêu thụ 500.000 cái năm 2003, đến năm 2009 tiêu thụ 31 triệu. Cho tới nay, hầu hết người dân nào cũng đã biết compact là loại đèn tiết kiệm điện, việc sử dụng đã rất phổ biến.

Đối với chương trình quảng bá đèn tuýp gầy T8 và chấn lưu điện tử, cốt lõi của chương trình này là dự án chiếu sáng hiệu quả trường học được thực hiện trong hai năm 2006-2007. Đến nay, có khoảng 15.000 phòng học đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng tương tự với nguồn kinh phí từ quỹ hội cha mẹ học sinh, từ vốn ngân sách của địa phương và ngành giáo dục... 


Chương trình quảng bá, thúc đẩy sử dụng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời được EVN triển khai chính thức từ đầu năm 2010 với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Chương trình thực hiện trong 2 năm 2010-2011 với số lượng thiết bị lắp đặt trực tiếp từ dự án là 20.000 bình. Khách hàng tham gia chương trình  được hỗ trợ 1 triệu đồng/bình tiền mua thiết bị và được hỗ trợ một phần lắp đặt thiết bị. Đây là chương trình có tính khả thi cao, hiệu quả lớn, thiết thực đối với xã hội và EVN, có khả năng thúc đẩy, tạo bước đột phá việc sử dụng bình nước nóng NLMT trong cộng đồng.

Tiềm năng tiết kiệm điện còn rất lớn

Theo đánh giá của EVN, các hoạt động, dự án tiết kiệm điện tiến hành trong các năm qua luôn bám sát mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ đặt ra trong Chương trình TKĐ và Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2010. Hiệu quả từ các dự án Tập đoàn đã và đang tiến hành (chủ yếu hướng vào lĩnh vực tiêu dùng điện trong thương mại, sinh hoạt) bước đầu đã có tác dụng sâu rộng, song cần phải tiếp tục theo dõi và đánh giá.

Có thể thấy rằng, công nghiệp và xây dựng là lĩnh vực sử dụng điện có tiềm năng TKĐ lớn nhất, nhưng cũng khó thực hiện nhất trong thời gian qua. Tới đây, Luật sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm (đã được Quốc hội thông qua) sắp có hiệu lực. Đây là điều kiện tiên quyết để các hoạt động TKĐ có bước chuyển quan trọng trong thời gian tới. Đồng thời, EVN sẽ tiếp tục triển khai những dự án, chương trình thiết thực để khai thác các tiềm năng tiết kiệm điện hiện vẫn còn rất lớn trong các lĩnh vực sử dụng điện khác nhau.

Trong 2 năm 2008 – 2009, các chương trình tiết kiệm điện của EVN đã tiết kiệm được 1.945 triệu kWh

Từ tháng 7/2010, EVN tiến hành Chương trình đổi 1 triệu bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact cho người nghèo. Chương trình giúp hộ nghèo, thu nhập thấp có cơ hội dùng đèn compact, giúp giảm lượng điện sử dụng và tiền điện hằng tháng. Hiện nay, chương trình đang được thực hiện tại các tỉnh miền Nam.

TS. Vũ Minh Mão - Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam: Sử dụng triệt để thiết bị chiếu sáng TKĐ sẽ giúp tiết kiệm được 6,31 tỷ kWh/năm

Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã tích cực đấy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các hoạt động TKĐ trong chiếu sáng, nhưng thực tế lượng tiêu thụ bóng đèn sợi đốt vẫn còn ở mức cao (khoảng 50 triệu bóng đèn sợi đốt trong năm 2009). Theo tính toán bước đầu của Hội chiếu sáng Việt Nam: Điện năng tiêu thụ của tất cả các lĩnh vực chiếu sáng của nước ta (từ thành thị đến nông thôn) năm 2009 vào khoảng 25% tổng điện năng thương phẩm cả nước, tương ứng là 21 tỷ kWh. Nếu sử dụng bằng bóng đèn compact đạt tiêu chuẩn hiệu suất cao 20 W sẽ thay thế được bóng đèn sợi đốt với công suất 100 W chất lượng ánh sáng tương đương, nhưng sẽ tiết kiệm được 80% điện năng cho một bóng đèn.
Từ những số liệu tính toán nêu trên, mỗi năm nước ta có thể tiết kiệm được 6,31 tỷ kWh điện trong các lĩnh vực chiếu sáng ở cả thành thị và nông thôn… Trong thời gian tới, để Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thực sự đi vào cuộc sống, Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan cần sớm ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật này với những chế tài cụ thể thiết thực nhằm bắt buộc hoặc khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Lê Anh Tuấn - Phó Trưởng Ban, Ban quản lý các KCX&CN TP.Hồ Chí Minh: TKĐ trong các khu CN, KCX cần tạo phong trào và cơ chế khuyến khích phù hợp

Các KCX-KCN thành phố Hồ Chí Minh mức tiêu thụ điện hàng năm khoảng 3 tỷ kWh điện, chiếm từ 18-20%  mức điện năng tiêu thụ của toàn Thành phố. Xuất phát từ mục tiêu tiết kiệm khoảng 3% lượng điện tiêu thụ hằng năm (khoảng 90 triệu kWh điện) trong các KCN, KCX, trong thời gian qua, Ban quản lý các KCX-CN Thành phố đã nỗ lực tìm nhiều biện pháp để đưa chủ trương tiết kiệm điện, năng lượng đến với những nhà đầu tư trong các KCX-KCN, giúp họ có chuyển biến nhận thức sâu sắc và có những hành động thiết thực trong việc sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, cuộc vận động TKĐ cũng gặp phải một số khó khăn như: Thiếu kinh phí vận động, có không ít doanh nghiệp e dè, cảnh giác sợ lộ bí mật sản xuất khi tiếp xúc với các chuyên viên tư vấn và kiểm toán. Phần đông các DN nhỏ và vừa còn gặp khó khăn về tài chính cho đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị.

Để cho cuộc vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm – hiệu quả, trước hết, phải được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên và hỗ trợ đúng mức của lãnh đạo các cấp, Ban Quản lý phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch vận động từ đầu năm. Quá trình triển khai phải tiến hành đồng bộ các biện pháp: Từ tuyên truyền vận động đến các biện pháp hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kiểm toán, kinh tế kỹ thuật… cho đến biện pháp kiểm tra, trong đó biện pháp hỗ trợ tài chính giúp DN đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ có tính quyết định, then chốt. Tập trung triển khai trong các DN trọng điểm. Thứ nữa là cần tăng cường vai trò quản lý của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét cấp phép đối với các dự án đầu tư mới cũng như quản lý các dự án công nghệ. Cần ưu tiên các dự án sử dụng máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến cho năng suất cao, khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, nhà máy năng lượng sạch, xanh, sử dụng năng lượng tái tạo.

PGS. Lê Văn Doanh - PGS. Phạm Văn Bình - Bộ môn Thiết bị điện - điện tử Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội: Chú trọng đến hiệu quả kinh tế đối với thiết bị, công nghệ TKĐ

Hiện tại, các thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng có chi phí ban đầu tương đối cao so với công nghệ, thiết bị thông thường. Tuy nhiên, nếu tính toán một cách chi tiết trong suốt thời gian sử dụng của thiết bị thì sẽ thấy kinh tế hơn do chi phí vận hành (tiền điện) giảm đáng kể. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người sử dụng mà còn đóng góp đáng kể vào Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng. Các nhà chế tạo thiết bị điện Việt Nam cần đầu tư cho công tác thiết kế và công nghệ để có thể chế tạo thiết bị điện có hiệu suất năng lượng cao, được dán nhãn sản phẩm năng lượng. Đây là đòi hỏi cấp bách trong điều kiện Luật sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm đã được Quốc hội thông qua.

(Trích ý kiến tham luận Hội thảo Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng do Hội Điện lực Việt Nam và EVN phối hợp tổ chức)

Theo: TCĐL số 9/2010