Sự kiện

“Thượng sỹ” trên mặt trận kinh tế

Thứ tư, 27/10/2010 | 10:45 GMT+7

Trong 8 năm với vai trò “tổng chỉ huy”, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi đã đưa Công ty cổ phần Cơ khí Điện lực (PEC) vượt qua nhiều gian nan, thử thách, gặt hái được nhiều thành công. Chúng tôi gặp và trao đổi với ông vào thời điểm ông đang bàn giao nhiệm vụ “tổng chỉ huy” trước khi nghỉ hưu theo chế độ. Những tháng ngày “chinh chiến” của ông cùng tập thể CBCNV Công ty trên “mặt trận” kinh tế cạnh tranh đầy khốc liệt đã được tái hiện sinh động trong câu chuyện giữa chúng tôi…


 
Ông Nguyễn Đức Lợi (ngoài cùng bên phải) kiểm tra hoạt động sản xuất tại PEC

Bản lĩnh bộ đội cụ Hồ

Ông Nguyễn Đức Lợi, nguyên là người lính Cụ Hồ với 6 năm chiến đấu tại chiến trường miền Nam khốc liệt. Sau khi đất nước thống nhất, với quân hàm Thượng sỹ, ông chuyển về công tác tại Nhà máy Cơ khí Yên Viên (nay là Công ty cổ phần Cơ khí Điện Lực - PEC). Theo yêu cầu nhiệm vụ, ông được lãnh đạo đơn vị cử đi học tại chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Vượt qua những vất vả của thời bao cấp, Nguyễn Đức Lợi miệt mài vừa làm, vừa học và đã được nhận tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, khoa Kinh tế Cơ khí.

Sau nhiều năm giữ chức vụ trưởng phòng, rồi đến Phó giám đốc, năm 2002, Nguyễn Đức Lợi được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà máy. Lúc đó, toàn bộ tài sản của Nhà máy chỉ có nhà xưởng với những thiết bị rất thô sơ. Sản phẩm chỉ có cột thép làm bằng phương pháp thủ công, mạ kẽm nhúng nóng bằng lò đốt dầu kiểu cũ và một số phụ kiện đường dây. Chất lượng sản phẩm chưa cao, năng suất thấp, tiêu thụ rất khó khăn, không đáp ứng nhu cầu trong nước về sản lượng, khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. Công nhân không đủ việc làm, doanh thu của nhà máy chỉ đạt 34 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân đạt 700.000 đồng/người/tháng. Chính trong hoàn cảnh đó, bản lĩnh của Thượng sỹ - anh Bộ đội Cụ Hồ đã được khẳng định, Nguyễn Đức Lợi đã quyết tâm tập hợp, tổ chức lại đội ngũ, đưa nhà máy thoát khỏi tình trạng bế tắc, đảm bảo việc làm, thu nhập cho CBCNV.

Đầu tư vào khoa học công nghệ và con người được ông coi là giải pháp tiên quyết để nâng cao chất lượng, cải thiện tình hình tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy. Vì vậy, ông đã cho lập dự án đổi mới công nghệ, đầu tư lắp đặt các loại máy chuyên dụng như: Dây chuyền chế tạo bulông, máy ép thủy lực, nâng cấp lò mạ kẽm nhúng nóng... Đặc biệt là máy cuốn thép loại 4 rulô (có thể cuốn các loại thép có độ dày lớn tới 4,5 cm thành vòng tròn với đường kính hàng chục mét) cùng một loạt máy cắt thép dày, loại đặc chủng (có thể cắt các loại thép dày đến 5cm, với độ chính xác khi lắp ghép gần như tuyệt đối).

“Măng mọc” phải giỏi hơn “tre già”

Những số liệu chính trong hoạt động của Công ty CP Cơ khí Điện lực:

● Doanh thu: - Năm 2005 đạt 87 tỷ đồng
                    - Năm 2009 đạt 405,6 tỉ đồng.
● Diện tích mặt bằng năm 2002:   1,2 hecta
● Diện tích mặt bằng năm 2009:  12 hecta.
● Tổng tài sản ước tính trên 500 tỉ đồng.

Những thành tích đã đạt được

● Tập thể Công ty:

 - Huân chương Lao động hạng Ba 
 - Cờ của Thủ tướng Chính phủ
 - Cờ Thi đua của Bộ Công Thương ,  
 - Cúp vàng doanh nghiệp phát triển bền vững
 - Bảng vàng Doanh nghiệp Văn hoá UNESCO Việt Nam

● Cá nhân ông Nguyễn Đức Lợi

 -  Huân chương Lao động hạng Ba
 - Bằng khen của Bộ Công Thương
 - Bằng khen của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
 - Chiến sĩ Thi đua cơ sở, EVN, Bộ Công Thương (2006, 2007, 2008, 2009)
 - Chiến sỹ Thi đua toàn quốc năm 2010.

Đi đôi với đầu tư thiết bị máy móc, ông Nguyễn Đức Lợi đã rất quan tâm đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, làm sao để lớp “măng mọc” sau phải khỏe hơn, giỏi hơn lớp “tre già”, đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Ngoài việc cử cán bộ trẻ đi học các lớp lý luận chính trị cao cấp, tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn về kỹ năng làm việc, kỹ năng quản lý, sử dụng công nghệ thông tin,... ông đặc biệt coi trọng công tác tự đào tạo. Công ty đã thành lập phòng Thủy công, gồm các kỹ sư trẻ làm việc dưới sự điều hành trực tiếp của Tổng giám đốc. Ở đây, họ được “tôi luyện” qua nhiều thử thách trong công việc, để từ đó, lãnh đạo có thể phát hiện, bồi dưỡng những người có khả năng đảm đương các vị trí cán bộ. Các chức vụ này cũng được luân chuyển nhằm phát huy khả năng và nhu cầu được cống hiến cho Công ty. Với phương pháp này, Công ty đã xây dựng được một đội ngũ lãnh đạo trẻ đầy năng động, nhiệt huyết, tận tâm trong hoạt động của Công ty.

Riêng với Ban lãnh đạo Công ty, chiều thứ 7 hằng tuần đều dành ít nhất 1 giờ đồng hồ cùng nhau ngồi lại để rút kinh nghiệm, trao đổi về kỹ năng lãnh đạo theo các chuyên đề gắn với công việc cụ thể, nhằm nâng cao trình độ quản lý của mỗi người. Qua đó, mọi người hiểu công việc của nhau, gắn bó đoàn kết với nhau hơn trong công tác.

Chủ động nắm bắt thị trường

Ông cho rằng, một trong những yếu tố quyết định thành công của một doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào sự nhạy bén, nắm bắt thời cơ của thị trường. Muốn thế, Lãnh đạo Công ty phải luôn tự học hỏi, sử dụng nhiều nguồn thông tin để phân tích sàng lọc, đưa ra những quyết định đúng đắn. Nhờ nắm bắt được chiến lược phát triển ngành Điện và sự ủng hộ tích cực của lãnh đạo Tập đoàn, ông Nguyễn Đức Lợi đã khẩn trương cho đơn vị triển khai nghiên cứu, lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Kết cấu thép tại khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh) – sau này là Công ty TNHH MTV Cơ khí nguồn điện (công ty con của PEC) với tổng vốn đầu tư gần 50 tỉ đồng. Với sức mạnh tổng hợp và sự quyết liệt, linh hoạt trong điều hành sản xuất, kinh doanh, PEC đã dần khẳng định được vị trí trên thị trường. Các sản phẩm do PEC sản xuất luôn có giá bằng 70% giá hàng nhập khẩu có chất lượng tương đương. Đồng thời, Công ty đã đáp ứng kịp thời các thiết bị cho công trình Thuỷ điện - Thuỷ lợi Quảng Trị; Thuỷ điện Bản Vẽ, Quế Phong, Nậm Chim, Huội Quảng, Khe Bố. Đặc biệt, Công ty đã được tham gia  chế tạo 10.000 tấn ống áp lực, đường kính 10,5m cho công trình thủy điện lớn nhất nước ta hiện nay là Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và đã hoàn thành trước tiến độ được giao.

Điều quan trọng  là sự chủ động sản xuất được các thiết bị cơ khí thủy công của Công ty đã tạo ra thế đối trọng với hàng nhập khẩu, khiến các nhà thầu nước ngoài buộc phải giảm tới 50% giá thiết bị, công trình so với trước đây.

Trong suốt chặng đường phấn đấu lao động của mình, ông Nguyễn Đức Lợi đã phát huy bản lĩnh “Anh bộ đội Cụ Hồ”, luôn gương mẫu về mọi mặt, đưa Công ty ngày càng phát triển, được CBCNV Công ty và đồng nghiệp coi là tấm gương sáng để học tập.

Theo: TCĐL số 9/2010