Sự kiện

Nỗ lực lớn từ những công trình thủy điện

Thứ sáu, 22/10/2010 | 11:30 GMT+7

Hiện nay, Nghệ An có 22 dự án thủy điện được đầu tư và triển khai xây dựng. Các công trình như thủy điện Bản Vẽ, Hủa Na, Bản Cốc và Sao Va đã hoàn thành, đi vào vận hành.


Các dự án thủy điện Khe Bố, Yên Thắng, Nhạn Hạc đã khởi công, khẩn trương tiến độ. Đến thời điểm này, có thể chắc con số tổng công suất các nhà máy thủy điện tại Nghệ An đã, đang được đầu tư đạt gần 880 MW…

Trên vùng quê mới

Qua một vòng mùa của năm, trở lại vùng quê mới ở Thanh Chương của đồng bào tái định cư sau khi nhường đất quê cũ cho đại công trình thủy điện Bản Vẽ đã thấy những là đổi thay... Xanh tươi lên những vạt rừng đồi vườn hộ bởi những keo, sắn, rau màu bên những con đường nhựa vắt theo thế cheo leo về các khu tái định cư.

Dừng chân bên con tràn mới xây, vào nhà vợ chồng trẻ Lô Văn Dần ở bản Tà Xiêng thuộc xã mới Ngọc Lâm,  họ phục chí làm ăn ở quê mới từ phát triển chăn nuôi, dịch vụ, trồng rừng. Kinh tế “cứng” rồi, đã có thu nhập thêm một năm ba, bốn chục triệu đồng. Nhưng Lô Văn Dần vẫn buồn bã khi nhìn chiếc cày gỗ lưỡi đang rỉ sét dần vì qua hai mùa cày đám ruộng nước mượn người bản bên, nay lại phải nằm chờ chia ruộng mới. Lạ thế, ngàn đời trên tít rừng thiêng chỉ biết có lúa rẫy, mới qua vài vụ làm ruộng nước mà đã bén, đã ham. Người già giờ gặp lại cũng đã thưa câu chuyện nhớ rừng, nhớ bản cũ…

Nhưng từng là cả một quá trình gian khổ của nhà nước, doanh nghiệp và người dân từ chọn đất, mở đường, san nền xây nhà và vô số các khâu, công việc của một cuộc di dời tái định cư khổng lồ. Lãnh đạo Ban 2 (chủ đầu tư dự án thủy điện Bản Vẽ), lãnh đạo hai huyện Tương Dương và Thanh Chương hẳn là bấn đến nghẹt thở rồi. Đáng nói là sự hy sinh của hàng nghìn hộ đồng bào Thái, Kh’mú đã nhường nơi chôn rau cắt rốn bao đời cho một công trình thủy điện đã và đang làm sinh động lên và sáng dậy một vùng đại ngàn miền tây nam Nghệ An- thủy điện Bản Vẽ ở huyện miền núi cao Tương Dương.

Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn, đa mục tiêu với công suất 320 MW, tổng mức đầu tư 5.740 tỷ đồng. Công trình này có nhiệm vụ phát điện, hòa lưới điện quốc gia, đồng thời cung cấp một phần điện cho nước bạn Lào. Ngoài ra, thủy điện Bản Vẽ còn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, đẩy mặn, chống lũ cho vùng hạ lưu sông Cả. Nhờ có hồ chứa nước có diện tích lưu vực 8.700 km2, dung tích chứa 1.700 triệu m3 nên điều hòa được khí hậu, nhất là gió tây nam; cải thiện môi trường môi sinh và phát triển du lịch... Thủy điện Bản Vẽ còn được coi là công trình “khai mở” cho việc xây dựng các công trình thủy điện lớn nhỏ khác trên địa bàn tỉnh; đồng thời cũng thử thách bản lĩnh của những người làm thủy điện trên miền Tây xứ Nghệ. Đến tháng 2/2010, cả hai tổ máy của thủy điện Bản Vẽ chính thức phát điện thương mại hòa điện lưới quốc gia.

Khi hơn 2.400 hộ với gần 10.000 khẩu đồng bào của 5 xã Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương của huyện Tương Dương phải di chuyển về tái định cư tại huyện Thanh Chương; các tổ chức đoàn thể, các ngành của huyện Thanh Chương như Hội phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh, Trạm khuyến nông, văn hoá thông tin... đã thường xuyên quan tâm giúp đỡ đồng bào, hỗ trợ cây giống, hướng dẫn đồng bào tập cày, tập canh tác ở một môi trường mới....

Thành công của Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất của 2 xã mới Ngọc Lâm và Thanh Sơn vừa qua đã tạo niềm tin mới, khí thế mới trên vùng quê mới của đồng bào. Đặc biệt nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi đã xuất hiện và đang được học tập nhân lên như hộ ông Nông Văn Phùng ở bản Noòng xã Ngọc Lâm thuê xe ô tô chở đất bồi ven khe suối về trong vườn nhà để cải tạo đất và trồng lạc, ngô, trồng 3 vạn cây keo lai đã bước vào năm thứ 2; hộ ông Vi Tuyền Quynh ở bản Tân Lập xã Thanh Sơn đã tự khai hoang 4 sào lúa nước, 3 sào đất để trồng ngô, lạc, trồng 3 sào chè công nghiệp, ươm được 1 vạn cành chè giống; rồi các hộ ông Lương Văn Việt ở bản Hương Liên, ông Lương Văn Lợi ở bản Noòng cũng đã nêu gương vươn lên xoá đói giảm nghèo...

Gặp lại thầy giáo Lương, hiệu trưởng trường THCS Thanh Sơn. Thầy cho biết: Chất lượng giáo dục và phong trào học tập của con em đồng bào từ khi chuyển về khu tái định cư được thay đổi căn bản. Huyện quan tâm chăm lo bố trí đội ngu giáo viên, trường lớp học đồng bào đã khuyến khích tạo mọi điều kiện để con em được đến trường đầy đủ, cơ sở trường lớp đảm bảo đúng theo chuẩn của Bộ giáo dục.

Qua những công trình

Cũng trên địa bàn huyện Tương Dương, dự án thủy điện Khe Bố trên sông Cả khởi công từ ngày 12/92007, ngăn sông ngày 5/01/2009, nay cũng đang sôi động. Công trình thủy điện với công suất lắp máy 100 MW này hiện đã được cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng hệ thống đường, điện, nước, lán trại phục vụ thi công. Các công tác quy hoạch tái định cư cũng đang được chủ đầu tư phối hợp địa phương khẩn trương thực hiện với mục tiêu trong tháng 10 này tổ chức thi công các điểm tái định cư đã được phê duyệt. Theo Trưởng ban quản lý dự án Phan Thế Chuyền, công tác thi công trên công trường thủy điện Khe Bố đã đảm bảo hoàn thành công tác chống lũ năm 2010 và dự kiến phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2011, phát điện tổ máy số 2 vào tháng 3/2012.

Trên địa bàn huyện vùng cao tây bắc Quế Phong, Nhà máy thủy điện Hủa Na với công suất 180 MW, tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng do Công ty cổ phần thủy điện Hủa Na làm chủ đầu tư với những cổ đông là các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế mạnh của cả nước: Tổng công ty Điện lực dầu khí VN (PV Power), Tổng công ty Lắp máy VN, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Bắc Á... đang trong giai đoạn thi công sôi động sau lễ ngăn dòng sông Chu hồi tháng giêng năm 2010 này.

Mục tiêu của dự án này là xây dựng, sản xuất, kinh doanh điện; góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, phát triển kinh tế tỉnh Nghệ An và khu vực; khai thác nguồn thủy năng, cùng với hồ chứa nước Cửa Đạt điều tiết dòng chảy Sông Chu đảm bảo yêu cầu chống lũ cho hạ lưu. Lãnh đạo Công ty CP thủy điện Hủa Na cho biết thêm: Mục tiêu của công ty là phát triển sản xuất và kinh doanh nguồn năng lượng thủy điện đảm bảo cung cấp ngày càng nhiều điện năng cho đất nước; trên cơ sở các nguồn lực của công ty sẽ liên doanh, liên kết với mọi thành phần kinh tế để tổ chức sản xuất, kinh doanh các ngành nghề hợp pháp khác nhằm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích cho người lao động, công ty và xã hội.

Để thực hiện dự án thủy điện Hủa Na, công tác khó khăn, phức tạp nhất là đưa hơn 1.200 gia đình, với hơn 4.700 nhân khẩu ra khỏi vùng lòng hồ. Được biết, chưa có gia đình nào ra sinh sống ổn định ở nơi ở mới. Tuy nhiên, ghi nhận sự nỗ lực phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương để đáp ứng tiến độ di dời…

Là nhà máy thủy điện phát điện thương mại đầu tiên của Nghệ An, Nhà máy thủy điện Bản Cốc (thuộc cụm nhà máy thủy điện Quế Phong do Công ty CP thủy điện Quế Phong làm chủ đầu tư gồm 3 nhà máy: Bản Cốc, Sao Va và Nhạn Hạc) nằm trên địa bàn xã Châu Kim, huyện Quế Phong đang vận hành ổn định. Nhà máy này có 3 tổ máy với công suất 18MW, điện lượng bình quân hàng năm khoảng 80 triệu kWh, tổng mức đầu tư 310 tỷ đồng; công suất điện của Nhà máy được chuyển tải vào hệ thống điện quốc gia trên đường dây 35/110kV nối về Quỳ Hợp có tổng chiều dài 65km do chính công ty CP thuỷ điện Quế Phong đầu tư xây dựng.

Đánh thức tiềm năng nguồn thủy năng trên miền Tây xanh, các dự án thuỷ điện đã và đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn là một trong những minh chứng rõ nét thu hút đầu tư hiệu quả của Nghệ An.

Theo: CôngThương