Sự kiện

Việt Hải - ngày điện về

Thứ hai, 14/9/2009 | 10:33 GMT+7

Ngày 19/8/2009, Công ty điện lực Hải Phòng chính thức đóng điện, đưa điện lưới quốc gia đến với Việt Hải.

Đây là sự kiện không chỉ riêng với điện lực Hải Phòng mà còn là bước ngoặt đối với đời sống sinh hoạt của gần 300 người dân xã Việt Hải - xã cuối cùng của thành phố Hải Phòng chưa có điện lưới quốc gia.

Đóng cầu dao là… đổi đời

Người dân xã Việt Hải trong ngày đóng điện
Chúng tôi đến Việt Hải sau gần 1 tháng ở đây có điện lưới quốc gia. Việt Hải được biết đến nhiều hơn sau sự kiện này. Trước đó, ngay cả ở Hải Phòng nhiều người cũng chưa từng biết đến Việt Hải. Không phải vì Việt Hải chưa có điện lưới mà vì giao thông đi lại khó khăn. Chỉ cách trung tâm thị trấn Cát Bà chưa đến 10 km nhưng đường đến Việt Hải phải qua 50 phút đi thuyền máy qua Vịnh Lan Hạ. Đường bộ gần như chưa có, muốn đi, phải leo qua mấy quả núi gần nửa ngày mới ra đến được. Việt Hải có 80 hộ dân với 260 nhân khẩu nằm gọn trong thung lũng của vùng lõi vườn quốc gia Cát Bà.

Thuyền cập cảng Việt Hải cũng là lúc nhá nhem tối. Bốn bề là núi khiến ốc đảo càng quạnh quẽ. Không phải lần đầu tiên đến Việt Hải nhưng tôi cũng không khỏi giật mình bởi tối xuống khá nhanh. Con đường độc đạo từ cảng vào xã khoảng 5km tối thui, rừng rú lạnh người. Phóng viên Đông Nguyễn có vẻ hoang mang khi đường vào xã thì xa, phương tiện không có, đám xe ôm đã về nhà nghỉ tối. Để chuẩn bị cho chuyến đi, vài ngày trước chúng tôi đã cố gắng liên lạc với xã nhưng không được. Cả xã chỉ có 2 máy điện thoại bàn, 1 của UBND xã, 1 của trạm y tế nhưng đều không liên lạc được. Điện thoại di động của Chủ tịch xã thì luôn trong trạng thái “thuê bao không liên lạc được…” vì mất sóng. Trong lúc thất vọng vì phải chấp nhận mò mẫm cuốc bộ, chúng tôi đã liên lạc được với xã. 5 phút sau, đích thân Chủ tịch Nguyễn Văn Châu ra đón.

Khác cả những gì chúng tôi tưởng tượng, 7 giờ tối, Việt Hải sôi động chẳng kém gì các vùng nông thôn khác của Hải Phòng. Cả xã bừng sáng trong vùng lõi của vườn quốc gia Cát Bà. Ánh điện sáng trưng hắt ra từ dãy nhà 2 bên con đường nhỏ dọc xã chạy dài khoảng 1km, tiếng karaoke vang khắp xã. Dường như người Việt Hải dùng điện như… chưa bao giờ có điện. Bởi bao đời nay họ phải chịu đựng cảnh đèn dầu. Bữa cơm tối của gia đình anh Đinh Văn Bình, ở thôn 1 không thịnh soạn nhưng khá ấm cúng. Dù chưa đầu tư nhiều thiết bị nhưng đồ điện sinh hoạt trong gia đình anh cũng khá đầy đủ. 3 chiếc quạt chạy hết công suất, mặc dù tối ở Việt Hải thời tiết khá mát mẻ, chiếc tivi…nói 1 mình và bóng điện được bật sáng tất cả mọi chỗ có thể.

Trước đây, khi chưa có điện lưới về, cả xã dùng 1 máy phát diezen được huyện trợ giá dầu. Mỗi năm ngân sách của huyện phải bù lỗ 270 triệu đồng nhưng máy vẫn phải hoạt động bởi đó là nguồn điện duy nhất của người dân nơi đây. Nhưng điện máy phát cũng chỉ chạy vài tiếng 1 ngày, buổi tối từ 17h đến 23h, mấy tháng mùa hè thì có từ 11h đến 13h. Nhà nào cũng mau chóng làm đồng về sớm để ăn cơm và nghỉ ngơi trong vòng 2 tiếng có điện. Hôm nào mải việc, ăn cơm muộn thì coi như buổi trưa hôm đó sống chung với…quạt nan. Điện yếu, phải dùng dè xẻn như chỉ sợ sắp… hết điện. Nhiều gia đình không dám mua và sử dụng các thiết bị điện phục vụ giải trí và sản xuất. Ông Đinh Văn Khánh- Phó trưởng công an xã- ngậm ngùi: “Trước đây khi chưa có điện, tối đến bà con trong xóm đến chơi ngồi nói chuyện mà cứ phải nơm nớp nhìn đồng hồ vì đến giờ cắt điện”.

Nay có điện lưới quốc gia, người ta dùng thỏa thích mà chẳng sợ lo đến việc thanh toán tiền điện. Có điện lưới, người dân Việt Hải thi nhau sắm các thiết bị. Việc đầu tiên là cái nồi cơm điện, mua thêm vài ba cái quạt, bộ đầu DVD, nhà nào có điều kiện thì sắm tủ lạnh, máy giặt... Ấy thế mà hôm chúng tôi đang ăn cơm tối ở nhà Phó trưởng công an xã thì gặp anh Nguyễn Văn Lân ở bên cạnh sang xin mật gấu để bóp chân. Hỏi ra mới biết anh này vừa mới mua chiếc tủ lạnh mấy hôm trước. Có tủ, anh Lân háo hức làm đá. Đá ở Việt Hải là thứ được xem như xa xỉ lắm bởi đó là thứ khó mang từ đất liền ra. Trong 1 lần lấy chai nước đá, chẳng may bị chai nước đá rơi trúng đầu gối phải xoa mật gấu và tập tễnh mấy ngày.

Câu chuyện của người dân Việt Hải những ngày dường như chỉ để nói về điện. Bởi đến nay người dân Việt Hải vẫn không tin giấc mơ điện lưới về xã là có thật. Trong bữa cơm trưa, bà Đỗ Thị Mừng vẫn liên tục giục con cái ăn nhanh kẻo…mất điện. Cả nhà lại ồ cười vì điều đó giờ đã là quá khứ. Có lẽ đó là thói quen của hàng chục năm nay mà bà Mừng chưa kịp thay đổi. Ông Trần Văn Xuân, chủ khu du lịch Bungalow&Resort hồ hởi: “Có điện về gia đình tôi mừng lắm. Trước đây, mỗi lần có khách đến nghỉ, khi bật điều hoà hay bình nóng lạnh là điện sụt mất, tối om, khách kêu ca phàn nàn. Từ hôm dùng điện lưới, các thiết bị dùng hết công suất mà điện vẫn khỏe re”. Là người gắn bó với Việt Hải đã lâu, ông Xuân hiểu được giá trị của dòng điện khi về nên dù có vui đến mấy, ông vẫn dặn các con không được lạm dụng việc có điện để gây lãng phí và làm đảo lộn sinh hoạt của láng giềng.

Có điện liệu có thoát nghèo?

Nhớ lại câu chuyện đưa điện ra Việt Hải, ông Lê Ngọc Thiệp- Giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng sôi nổi; trong một lần ra làm từ thiện tại Việt Hải, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của bà con nơi đây thấy sự khó khăn, thiếu thốn. Chỉ cách thị trấn Cát Bà 6 - 7km nhưng Việt Hải phải chấp nhận một cuộc sống hết sức khó khăn về mọi mặt đã thôi thúc ông trăn trở tìm cách đưa điện đến với Việt Hải. Ban đầu công ty đưa ra một số phương án cấp điện như: sử dụng điện sức gió, pin mặt trời,… nhưng đều không khả thi. Cuối cùng ông Thiệp chọn phương án cấp điện bằng nguồn điện lưới quốc gia. Đây là phương án khả thi và mang tính lâu dài nhất mà không tính đến hiệu quả kinh doanh. Một dự án kéo điện băng rừng, vượt núi nếu tính tổng mức đầu tư sẽ lên đến 13,8 tỷ đồng, bình quân 180 triệu/hộ gia đình. Có lẽ đây là tỷ suất đầu tư cao nhất đầu người cho một dự án điện trên thế giới. Mà ở đó, doanh thu từ bán điện không đủ trả lương cho 2 công nhân.

Với địa hình hết sức phức tạp của xã miền núi, hải đảo như Việt Hải, thi công công trình là việc hết sức khó khăn. Đội vận tải của công ty đã phải tập trung vận chuyển hàng trăm tấn thiết bị bằng xà lan ra Việt Hải. Do luồng lạch chưa được khai thông nên chỉ với quãng đường 100 km nhưng sà lan phải vừa đi vừa mò mẫm, mất gần 1 tuần mới đến nơi. Khi vận chuyển được thiết bị và vật liệu đưa lên bờ rồi nhưng để di chuyển được đến nơi tập kết thi công cách xa hàng chục cây số thì cũng chỉ trông chờ vào 2 chiếc xe công nông cũ kỹ trong xã.

Thế nhưng, chỉ sau hơn 5 tháng thi công, bằng quyết tâm cao, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn của cán bộ công nhân viên, đặc biệt là đoàn viên thanh niên Công ty Điện lực Hải Phòng đã kéo đường dây qua địa hình hiểm trở, cấp điện cho các hộ dân xã Việt Hải trước kế hoạch 2 tháng.

Có điện rồi nhưng dường như người Việt Hải vẫn chưa hết buồn. Trong câu chuyện, tôi hỏi Chủ tịch Nguyễn Văn Châu: “Có điện rồi, ước mơ của Việt Hải là gì?” Ông Châu không giấu được khát vọng thầm kín mà dường như bao đời nay, người Việt Hải đã ngậm ngùi chấp nhận: “Đó là con đường bộ”. Ông Châu rầu rầu: “Việc này xem ra còn xa vời hơn đưa điện lưới ra đảo, bởi không phải là không thể nhưng xem ra khó khả thi”.

Từ hôm có điện lưới về, khách đến Việt Hải đông hơn. Trung bình mỗi ngày có khoảng gần trăm lượt khách nước ngoài đến đây du lịch. Phải nói điện lưới là bước đệm cơ bản để khởi động ngành công nghiệp không khói ở đây. Nghề chính của người dân Việt Hải là chăn nuôi, trồng trọt và đi rừng. Để phát triển kinh tế ở đây chỉ còn cách khai thác du lịch. Đã có nhiều tour đến Việt Hải. Dịch vụ ăn nghỉ ở đây đã có nhưng chưa phát triển. Thế nhưng, buồn nỗi du lịch ở Việt Hải mới đang ở thời điểm sơ khai là…đi bộ vào rừng. Các tuor này rất hấp dẫn với khách nước ngoài. Nhưng khách du lịch nước ngoài đến Việt Hải đi bộ chả khác nào…chạy việt dã. Bởi Việt Hải chưa được phép cho khách lưu trú lại qua đêm. Du khách đến Việt Hải phải mau mau chóng chóng rồi quay về Cát Bà, chậm chút là…hết đường về.

Đã năm lần bảy lượt xã đề nghị các ngành chức năng huyện cấp phép cho Việt Hải nhưng tất cả vẫn đang chờ. Theo ông Châu, chỉ cần 1 điểm dịch vụ lưu trú khai thác 3 phòng nghỉ/ngày cũng bằng…cả xã cấy lúa. Rất nhiều các nhà đầu tư có ý định đổ tiền của vào đây làm du lịch nhưng đều ngặt nỗi sợ cơ chế do Việt Hải là vùng nhạy cảm – vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trước đây, đã có một doanh nghiệp đầu tư cả chục tỷ đồng xây dự án du lịch nhưng cũng đành bỏ dở vì vấn đề bảo tồn khu dự trữ sinh quyển này.

Theo: Công Thương