Sự kiện

Nếu không có sự đồng thuận của chính quyền địa phương thì có thừa điện vẫn... mất điện

Thứ hai, 14/9/2009 | 09:08 GMT+7

Lưới điện Việt Nam đang phải chịu một sức ép quá lớn. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, mỗi ngày hệ thống phải huy động hơn 10 triệu kWh điện phục vụ nhu cầu của phụ tải. Nếu thời tiết ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, lại chưa mua được điện từ Trung Quốc, thì dù chúng ta có Thuỷ điện Hoà Bình và Nhiệt điện Phả Lại là hai nguồn phát điện chủ lực và nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không chấp nhận mua điện từ nguồn chạy dầu giá cao để đáp ứng nhu cầu, thì tình hình thiếu điện ở các tỉnh phía Bắc, trong đó có thủ đô Hà Nội chắc sẽ còn trầm trọng hơn.

Lưới điện đường dây Tân Tây - Phú Yên
Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể khẳng định, EVN đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo TS. Đậu Đức Khởi – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự báo từ sau năm 2010 và 2011, miền Bắc có thể sẽ thừa điện do các dự án Thuỷ điện Tuyên Quang, Sơn La, các Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh... đưa vào hoạt động. Vấn đề thiếu điện hiện nay lại không phải do thiếu nguồn điện nữa, mà chính là do thiếu sự phối hợp từ chính quyền và nhân dân các địa phương trong việc giải phóng mặt bằng để thi công các công trình điện.

Những khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng

Từ trước tới nay, cứ mỗi khi bị mất điện, người ta thường hay đổ lỗi cho ngành Điện, rằng không dự báo chính xác được nhu cầu; tiến độ thi công các công trình điện chậm; EVN không chịu mua điện của các DN ngoài Ngành… rồi từ đó, quy kết cho ngành Điện cái “tội” độc quyền. vv và v.v. Thế nhưng, đã có ai hiểu được những khó khăn khách quan mà ngành Điện không thể đơn phương giải quyết được, mà nguyên nhân chính vẫn là việc người dân gây khó trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án đường dây và trạm. Xin được trích dẫn một số trường hợp cụ thể sau đây:

Đến tháng 5-2009, hầu hết các dự án đường dây 220 kV, 500 kV trên địa bàn cả nước đều chậm tiến độ, phải lùi thời gian đóng điện, trong đó, đường dây 500 kV Quảng Ninh - Thường Tín và Trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2009, nhưng do vướng ở khâu đền bù, giải phóng mặt bằng nên khả năng công trình sẽ bị chậm tiến độ đến hàng năm. Tìm hiểu thực tế mới thấy, khó có thể chấp nhận khi người dân đòi bồi thường kiểu như bắt bí các đơn vị thi công. Ngày 09-9-2009, chúng tôi có mặt tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, nơi Công ty CP Xây lắp điện 1 đang thực hiện kéo dây qua vườn cây của các hộ dân. Ông Nguyễn Văn Hồng – Chủ nhiệm công trình cho biết, CBCNV làm việc hết sức vất vả, nhưng khó khăn nhất vẫn là vấn đề đền bù hoa màu của dân. Một cây quất dù to, hay nhỏ, dù không phải là mùa có quả vào giáp tết, nhưng người dân vẫn đòi bồi thường đến 300-400 ngàn mỗi cây. Một cán bộ của Ban Quản lý các dự án điện miền Bắc cho hay, ở khu vực Chí Linh, Hải Dương còn tệ hơn. Người dân biết có đường dây đi qua, rủ nhau dựng nhà tạm, địa phương phối hợp với chủ đầu tư đi kiểm tra, dỡ bỏ, thì chỉ một đêm, căn nhà lại được xây dựng, lợp mái hoàn chỉnh, để rồi kiếm cớ bắt đơn vị thi công đền bù. Oái oăm hơn, có gia đình thấy công nhân điện kéo dây cáp qua ao nhà mình, bèn mua cá chết đổ xuống để bắt doanh nghiệp đền 10 triệu đồng vì đã làm chết cá trong ao nhà họ...

Còn ở thành phố Vinh (Nghệ An), chỉ “vướng” 12 hộ dân không nhận tiền đền bù, đòi cấp bìa đỏ ở lô đất tái định cư, UBND xã thì lại yêu cầu bồi thường xây sân vận động… khiến cho toàn tuyến đường dây dài 173,8 km bị đình trệ, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư cũng như các nhà thầu. Đáng buồn hơn, một công trình đường dây 110 kV cấp điện cho Nhà máy Xi măng Bình Phước, huyện Bình Long (tỉnh Bình Phước) chỉ có chiều dài 5 km, với 22 vị trí cột, được triển khai thi công từ tháng 2-2004, nhưng đến cuối năm 2007 mới đổ được bê tông của 4/22 móng cột. Cuối cùng Công ty Điện lực 2 phải tổ chức đấu thầu lại, chuyển B khác thi công, nhưng 10 tháng sau, B mới cũng chỉ thực hiện được phần đổ bê tông cho 12 móng cột, còn 6 vị trí khác vẫn ách tắc do không giải phóng được mặt bằng.

Tình trạng chủ đầu tư và người dân không giải quyết được khâu đền bù tại các dự án điện còn khá phổ biến ở nhiều nơi thì đáng tiếc, ngay trên địa bàn Hà Nội, vấn đề vướng mắc mặt bằng thi công lại chính từ các cơ quan chính quyền địa phương. Chỉ hơn 10 km đường dây cao áp từ trạm 220 kV Hà Đông về khu dân cư Thành Công mà nhiều tháng không thể thi công được. Lý do, Thành phố không dành quỹ đất cho các công trình điện ngầm. Thế là, điện không vào sâu được các khu vực dân cư, trong khi nhu cầu sử dụng các thiết bị điện ngày càng tăng (tăng đáng sợ), khiến cho mùa hè vừa qua, nhiều khu vực nội thành bị mất điện cục bộ, công nhân ngành Điện cứ phải túc trực bên máy biến áp, dùng quạt điện quạt mát rơ le, máy cắt cho nguội rồi đóng lại. Được biết, vì quá bức xúc trước tình hình trên, mới đây, Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải gửi công văn đăng ký làm việc với các vị Lãnh đạo cao nhất của Thành phố để phối hợp giải quyết những ách tắc, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, sự phối hợp thế nào, hiệu quả đến đâu thì còn phải chờ đợi.

Cần có sự đồng thuận từ chính quyền địa phương

Thời gian qua, đã có rất nhiều địa phương trên địa bàn cả nước phối hợp tốt với ngành Điện và chủ đầu tư trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng thi công các dự án điện mà tỉnh Quảng Ninh là một điển hình. Sau khi có hiện tượng người dân một số xã gây khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng công trình, đòi tiền đền bù vượt quá quy định của Nhà nước, Chính quyền địa phương đã giao nhiệm vụ cho một Phó Chủ tịch UBND Tỉnh làm Tổ trưởng Tổ công tác để vừa tuyên truyền vận động, giải thích, vừa tìm cơ chế, đảm bảo lợi ích hài hoà giữa Nhà nước, địa phương và người dân, theo nguyên tắc hợp lý để không làm cho chi phí đầu tư đội lên quá cao, đồng thời quan tâm tiến độ thực hiện dự án để rút ngắn thời gian đưa vào khai thác công trình, bảo đảm công bằng, minh bạch và tính nghiêm minh của pháp luật. Về phía ngành Điện cũng phải cử cán bộ bám sát hiện trường, cùng địa phương gặp gỡ người dân, bàn bạc, thoả thuận, kịp thời giải quyết những vướng mắc nảy sinh và điều quan trọng là, phải tổ chức thi công tốt, hiệu quả, khắc phục tình trạng thi công dây dưa, kéo dài, nên từ đầu năm 2009 đến nay, nhiều công trình đường dây và trạm điện trong Tỉnh, hoặc đi qua địa bàn được giải quyết rốt ráo, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.   

Còn UBND thành phố Hồ Chí Minh thì yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhằm đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng để thi công các công trình lưới điện trọng điểm trên địa bàn Thành phố, trong đó có các các đường dây vượt sông Nhà Bè, đoạn 220/110 kV Hóc Môn - Hiệp Bình Phước; các trạm biến áp 110 kV – 220 kV khu vực Bình Chánh, Thủ Đức. Đồng thời, yêu cầu các quận, huyện Bình Thạnh, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… phải hỗ trợ tích cực để ngành Điện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, trong đó có quy định thời gian thực hiện để đảm bảo các dự án được đưa vào sử dụng kịp thời phục vụ nhân dân…

Từ kinh nghiệm điển hình ở một vài tỉnh, thành phố trên đây, có thể thấy, nếu nơi nào chính quyền địa phương, chủ đầu tư tăng cường công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục nhân dân; phối hợp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng; khắc phục sự thiếu đồng bộ trong việc điều chỉnh mức giá bồi thường, giải quyết hài hòa lợi ích giữa người dân và chủ đầu tư; người dân các địa phương biết gạt bỏ lợi ích cá nhân và điều quan trọng là, chính quyền địa phương nào vào cuộc quyết liệt và có sự quan tâm đầu tư quỹ đất để phát triển lưới điện thì các dự án điện ở nơi đó sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Về phía các cơ quan chức năng Nhà nước và địa phương, thiết nghĩ đã đến lúc phải có một giải pháp tổng thể, chiến lược về xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch về xây dựng, kiến trúc đô thị (có tính ổn định cao), tránh tình trạng, nhiều địa phương thích thì cắm đất cho nhà đầu tư triển khai dự án, nhưng có khi chỉ vài tháng sau lại thay đổi đưa dự án sang địa bàn mới, khiến cho ngành Điện luôn bị động. Đặc biệt, khi thực hiện xây dựng đề án quy hoạch, các cơ quan tư vấn và các cấp chính quyền phải đặc biệt quan tâm tới hạ tầng cơ sở, trong đó chủ yếu và hết sức quan trọng là mặt bằng, quỹ đất để phát triển điện, nước, viễn thông, vì trong tương lai, để đạt được tiêu chuẩn một đô thi văn minh thì phải ngầm hoá các hệ thống điện, nước, viễn thông. Có như vậy, ngành Điện mới đẩy nhanh được tiến độ thi công các dự án lưới điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân, thiết thực góp phần vào việc xây dựng nếp sống đô thị văn minh, hiện đại.

Bài và ảnh: Nguyễn Đừng