Sự kiện

Ông Nguyễn Hà Đông - Tổng Giám Đốc Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia: Thách thức lớn nhất là vốn đầu tư

Thứ hai, 23/2/2009 | 10:58 GMT+7
Là một đơn vị mới thành lập (1/7/2008), lại ra đời trong bối cảnh ngành Ðiện nói riêng và nền kinh tế nói chung đều vô cùng khó khăn, song những bước “khởi đầu nan” của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng đã có những “điểm nhấn” khá sắc nét. Trao đổi với Tạp chí Ðiện lực về những thách thức và các bước đi của NPT vào những ngày cận kề Xuân mới, Tổng giám đốc Nguyễn Hà Ðông chia sẻ:
Những tháng cuối năm 2008, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta cũng có nhiều biến động mạnh, giá cả đầu vào tăng cao, tiến độ giải ngân các nguồn vốn chậm, trong khi tốc độ tăng trưởng phụ tải tiếp tục tăng nhanh, tình hình cung cấp điện hết sức căng thẳng, nhất là trong quý III/2008… Mặt khác, là một đơn vị mới thành lập, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do vừa phải ổn định tổ chức, hoàn thành tiếp nhận bàn giao chức năng nhiệm vụ và tài sản từ Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, vừa phải triển khai bình thường các hoạt động đầu tư, sản xuất, quản lý vận hành lưới truyền tải điện…

Tuy nhiên, tôi cho rằng thách thức lớn nhất đối với NPT chính là nguồn vốn đầu tư. Trước khi thành lập NPT, Tập đoàn đã giao cho 4 công ty truyền tải điện và 3 ban quản lý dự án số vốn là 7.125 tỷ đồng, trong đó 3.500 tỷ đồng vốn khấu hao (trả gốc và lãi do Tập đoàn thanh toán 1.800 tỷ đồng và đầu tư thuần 1.700 tỷ đồng). Sau thành lập, tổng nguồn khấu hao năm 2008 của NPT chỉ còn 2.300 tỷ đồng, thiếu khoảng 1.200 tỷ đồng. Mặt khác, đầu năm, Tập đoàn giao cho các đơn vị huy động thêm 500 tỷ đồng tín dụng thương mại cho các công trình đang thi công chưa bố trí được vốn, tuy nhiên tới tháng 7/2008 cũng chưa có tổ chức nào đồng ý cho vay. Nhiều công trình chưa chuyển giao chủ đầu tư nên rất khó khăn trong quá trình đàm phán, vay vốn từ các tổ chức tài chính, trong khi chúng tôi lại không có vốn lưu động bằng tiền. Ðây là khó khăn rất lớn, nhất là với một tổ chức mới hoạt động như chúng tôi.

Bên cạnh đó, còn hàng loạt khó khăn khác như: Yêu cầu tiến độ các công trình rất căng thẳng, đặc biệt là tiến độ các công trình lưới điện đồng bộ với các công trình nguồn điện. Nhiều công trình đã bị chậm trễ hàng năm do vướng đền bù, trong khi các quy chế quy định và tình hình thực hiện của các địa phương về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng không có thay đổi lớn về chất; khả năng của lưới điện truyền tải 220 - 500 kV thấp so với nguồn, tổng dung lượng trạm 220 kV thời điểm ngày 30-6-2008 chỉ có 12.677 MVA so với gần 13.000 MW của nguồn điện. Các công trình nguồn điện chuẩn bị vào vận hành dồn dập trong các năm tới với tốc độ 3.000 - 4.000 MW/năm, trong khi các công trình chuẩn bị đầu tư phần lớn mới được giao từ đầu năm 2008...

PV: Cùng với việc ổn định tổ chức thì để giải quyết những thách thức trên không chỉ trong một sớm một chiều. NPT đang có những biện pháp nào để từng bước vượt qua khó khăn này, thưa ông?

TGÐ Nguyễn Hà Ðông: Nhận thức và đánh giá đúng tình hình, ngay từ khi thành lập, hình thành bộ máy chuẩn bị hoạt động cho tới khi hoạt động chính thức, lãnh đạo và toàn thể cán bộ NPT đã phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả như: Sớm ổn định bộ máy sản xuất ở cơ sở, nhanh chóng hoàn thiện bộ máy lãnh đạo, thực hiện khẩn trương theo lộ trình các công việc cần thiết để phục vụ sản xuất, bảo đảm vận hành an toàn lưới điện truyền tải và bảo đảm tiến độ xây dựng công trình, đặc biệt là các công trình trọng điểm, đồng bộ với nguồn điện; tích cực giải quyết vấn đề vốn cho đầu tư, chi phí sản xuất năm 2008 và chuẩn bị các điều kiện cho các năm sau; tăng cường công tác sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, đảm bảo vận hành lưới điện an toàn; quan tâm và thực hiện các biện pháp ổn định đời sống người lao động… Cùng với công tác điều hành kiên quyết, sự quyết tâm cao của toàn thể cán bộ công nhân viên, NPT đã hoàn thành kế hoạch năm 2008 với sản lượng điện truyền tải đạt 71.313 triệu kWh, tăng 101,63% so với kế hoạch, tỷ lệ tổn thất là 1,64%, giảm 0,36%, giá trị đầu tư xây dựng hơn 6.618 triệu đồng…

PV: Có thể nói, với tuổi đời 6 tháng, lại phải đi ngay vào con đường khá “gập ghềnh”, song đánh giá những việc NPT đã làm được quả cũng đáng ngạc nhiên. Vậy, những “điểm nhấn” nào đánh dấu cho bước “khởi đầu nan” của NPT?

TGÐ Nguyễn Hà Ðông: Trong hàng loạt kết quả mà NPT đã đạt được, có 3 điểm nhấn rất quan trọng. Một là, lưới điện truyền tải vận hành liên tục, an toàn, ổn định, góp phần đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn giao. Hai là, hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng, đóng điện kịp thời các công trình lưới điện trọng điểm, đặc biệt là các công trình lưới điện đồng bộ với các công trình nguồn điện, được Tập đoàn đánh giá cao. Ðồng thời tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, nhiều công trình trọng điểm đã được quyết liệt thực hiện. Song song với đẩy nhanh tiến độ thi công, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đã được chú trọng, mặc dù còn chậm trễ nhưng nhìn chung, thời gian phê duyệt các thủ tục đã được rút ngắn, đặc biệt, trong tháng 12/2008 đã xem xét phê duyệt được 30 dự án đầu tư. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nhân lực, đây là một thành tích đáng được ghi nhận. Và ba là, đã huy động được 500 tỷ đồng vốn thương mại, từng bước giải quyết được các khó khăn về vốn đầu tư, cơ bản không ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng các công trình. Ðồng thời, khẩn trương thực hiện các thủ tục để đăng ký vay 500 triệu USD từ WB và ADB cho các công trình triển khai cho các năm đến 2013 cũng như các nguồn tín dụng nước ngoài khác. Các công tác chuẩn bị cho các dự án vay vốn từ khẩn cấp khoảng 200-400 triệu USD của WB và ADB cho tới dài hạn như 2 tỷ USD vay ADB tới năm 2015 đã được tích cực thực hiện. 

PV: Hệ thống mỗi năm sẽ được bổ sung khoảng 3.000 - 4.000 MW, đòi hỏi phải tăng tốc độ đầu tư xây dựng lưới điện. NPT sẽ giải bài toán này thế nào, thưa ông?

TGÐ Nguyễn Hà Ðông: Ðúng vậy, năng lực truyền tải điện chưa phát triển kịp với tốc độ phát triển nguồn điện, trong đó công suất các nguồn vào vận hành trong vài năm tới tăng cao 3.000 - 4.000 MW/năm, đòi hỏi tăng tốc độ đầu tư, tăng cường năng lực quản lý với tốc độ cao. Tuy nhiên, để giải bài toán này, NPT sẽ có những giải pháp linh hoạt về tiến độ các công trình đang thi công, đồng thời sẵn sàng đầu tư gấp các công trình lưới điện truyền tải bổ sung trong thời gian ngắn. Về phần vốn, riêng năm 2009, NPT sẽ phấn đấu huy động vốn đầu tư là 9.811 tỷ đồng. Ngoài ra, tập trung đóng điện 63 công trình 220 - 500kV, khởi công 58 công trình. Ðặc biệt đảm bảo tiến độ các công trình lưới điện đồng bộ với nhà máy điện Buôn Tuasrah, Bản Vẽ, Sê San 4, Cẩm Phả, Ô Môn, Quảng Ninh, Hải Phòng. Hoàn thành bàn giao dứt điểm 42 công trình lâm quản và không còn lâm quản từ năm 2010 trở đi.

PV: Chặng đường trước mắt vẫn còn dài và tiếp tục “hứa hẹn” không ít những thử thách, khó khăn. NPT đã chuẩn bị tinh thần để đón những thách thức của năm 2009?

TGÐ Nguyễn Hà Ðông: Mặc dù có những kết quả ban đầu đáng được ghi nhận trong năm 2008 nhưng bước sang năm 2009, Tổng Công ty tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn trong vận hành cũng như đầu tư. Nguồn vốn đầu tư tiếp tục thiếu hụt nghiêm trọng, bên cạnh việc thiếu 869 tỷ đồng vốn đầu tư các dự án, Tổng Công ty không có vốn để mua sắm dự phòng cũng như trang bị máy móc thiết bị và phương tiện thiết yếu phục vụ sản xuất. Khả năng đáp ứng về truyền tải điện của lưới điện truyền tải còn thấp so với nguồn điện nên yêu cầu về vận hành, sửa chữa lớn tiếp tục căng thẳng. Tổng Công ty đã đề ra các giải pháp, quyết tâm cao và thực hiện ngay từ những ngày đầu năm 2009 để hoàn thành nhiệm vụ. Ðồng thời, Tổng Công ty đã có kiến nghị lên các cơ quan Nhà nước và Tập đoàn xem xét giải quyết một số đề xuất về thu xếp vốn, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch, cơ chế sửa chữa lớn, điều chỉnh đơn giá truyền tải điện…

Theo TCĐL số 1/2009