Sự kiện

Hai triệu hộ dân sử dụng thiết bị năng lượng mặt trời: Sẽ tiết kiệm được 1,720 tỷ kWh điện mỗi năm

Thứ sáu, 12/9/2008 | 09:25 GMT+7
Triệt để sử dụng các dạng năng lượng trong giai đoạn hiện nay là một việc cần làm khi nguồn điện quốc gia đang thiếu hụt nghiêm trọng. Nhưng làm thế nào để thông tin tới người dân để có thể sử dụng nhiều dạng năng lượng có sẵn quanh ta cũng là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan chuyên môn. Tạp chí Công nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Đào Hồng Thái – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội xung quanh vấn đề này.

PV: Nếu có thể khắc hoạ vài nét về Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội thì ông sẽ nói gì, thưa ông?

Ông Đào Hồng Thái: Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội (TT) trực thuộc Sở Công nghiệp Hà Nội được thành lập tháng 2-2007, là đơn vị sự nghiệp có thu, tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động. Nhiệm vụ của TT là thực hiện các hoạt động tư vấn và dịch vụ TKNL trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh lân cận. Với đội ngũ cán bộ là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng, TT có khả năng triển khai tư vấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ các nhà cung cấp năng lượng; nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng hiệu quả trong cộng đồng; thực hiện các hoạt động tuyên truyền về lợi ích của TKNL, góp phần bảo vệ môi trường; là cầu nối giữa khách hàng tiêu thụ năng lượng (các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giao thông vận tải, xây dựng...), với các nhà cung cấp thiết bị có hiệu suất cao và TKNL, các đơn vị cung cấp năng lượng, cơ quan nghiên cứu, tuyên truyền để thực hiện mục tiêu chương trình quốc gia về TKNL...

PV: Xin hỏi ông, TT sẽ hoạt động thế nào trong 6 tháng đầu năm khi cả đơn vị chỉ có gần 20 người?

Ông Đào Hồng Thái: Ồ, tuy ít người nhưng do bố trí hợp lý, khoa học nên anh chị em trong TT đã triển khai được nhiều việc. Trong đó, đã tổ chức các lớp tập huấn về các giải pháp TKNL đối với trang thiết bị trong cơ sở sản xuất và toà nhà với 3 chuyên đề; ký hợp đồng với Viện Khoa học Năng lượng (xây dựng 2/5 chuyên đề), tổ chức khảo sát thực tế tại nhiều địa phương và đã xác định được 01 địa điểm xây dựng hầm khí biôgas tại huyện Gia Lâm; tổ chức khảo sát 60/60 toà nhà, xây dựng được 5/8 chuyên đề tổng quan, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các toà nhà, đồng thời kiểm toán năng lượng được 8/16 toà nhà (trong tổng số 30 toà nhà lựa chọn kiểm toán năng lượng); lập xong 2 chương trình về toà nhà thương mại và tổ chức triển lãm các thiết bị năng lượng. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về TKNL, Trung tâm đã xây dựng và hoàn thành 7/7 chuyên đề của đề án “lắp đặt thí điểm thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, góp phần TKNL khu vực phía Bắc”; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn phổ biến nguyên lý hoạt động, tính năng sử dụng của thiết bị bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời” tại các Sở Công Thương Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hoá, Sơn La...; phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với 3 phim phóng sự, 15 bài viết giới thiệu bình đun nước nóng năng lượng mặt trời; đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác lưu trữ tài liệu, xây dựng phần mềm và hoàn thành trang thông tin điện tử với tên miền: ecchanoi.gov.vn; khảo sát xong 123 đơn vị sản xuất tiêu thu năng lượng trọng điểm và có sản phẩm chủ lực, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ toà nhà Vincom dự thi toà nhà hiệu quả năng lượng...

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, Nhà nước đang dành một khoản kinh phí hỗ trợ khách hàng khi sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời? 

Ông Đào Hồng Thái: Đúng là như vậy. Hiện nay, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên việc hỗ trợ còn rất khiêm tốn. Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội đã và đang triển khai Đề án “Lắp đặt thí điểm thiết bị đun đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời khu vực phía Bắc”, cho tất cả khách hàng có nhu cầu. Quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng loại thiết bị này là sẽ có 5 hộ gia đình được nhận hỗ trợ mức 1,350 triệu đồng nếu được lựa chọn là mô hình trình diễn và tham gia truyền thông; 95 hộ gia đình khác tham gia đề án sẽ được hỗ trợ mức 350.000 đồng/mô hình; được cấp giấy chứng nhận tham gia Chương trình TKNL của Nhà nước, đựợc tư vấn cách lựa chọn thiết bị phù hợp với nhu cầu sử dụng với từng hộ gia đình, được hỗ trợ toàn bộ việc vận chuyển và lắp đặt sản phẩm, hướng dẫn phương thức vận hành, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị...

PV: Ông nói nhiều tới việc sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, vậy ông có thể tư vấn gì cho người tiêu dùng khi sử dụng loại thiết bị này?

Ông Đào Hồng Thái: Để giúp khách hàng về một loại sản phẩm cụ thể, TT có thể tư vấn khách hàng dùng một trong những sản phẩm loại này của Công ty CP Phát triển Năng lượng Sơn Hà: Bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời Thái Dương Năng. Sử dụng Thái Dương Năng, các nguy cơ cháy nổ, chập điện được loại bỏ, tính an toàn là một trong những điểm nổi trội của Thái Dương Năng khi so sánh với các sản phẩm bình đun nước nóng sử dụng điện và ga... Sử dụng Thái Dương Năng, khách hàng tiết kiệm được kinh phí phí với giá thành hạ. 10 đồng Việt Nam là chi phí trung bình để tạo nên 01 lít nước nóng; các chi phí về điện, ga, than là rất nhỏ do sử dụng năng lượng vô tận là ánh sáng mặt trời. Bên cạnh đó, với tính năng hấp thụ nhiệt cao và cơ chế bảo ôn trong thời gian dài, dung tích bình chứa lớn là sự khác biệt của Thái Dương Năng, giúp người sử dụng tiết kiệm thời gian và chi phí sử dụng trực tiếp nước nóng để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày. Cấu tạo sản phẩm của Thái Dương Năng gồm 3 bộ phận chính: Hệ thống thu nhiệt; bình bảo ôn 3 lớp; hệ thống giá đỡ. Hệ thống hấp thụ nhiệt chân không có cấu tạo hai lớp chịu va đập cao, ở giữa là chân không. Bề mặt thân ống bên trong tráng màng kim loại đặc biệt với 03 lớp: Lớp chống tản nhiệt có hệ số <0,06%; lớp hấp thụ nhiệt có hệ số >93%; Lớp truyền dẫn nhiệt hấp thụ làm nóng nước bên trong. Nguyên lý hoạt động theo hiệu ứng lồng kính và đối lưu nhiệt tự nhiên, giúp biến đổi quang năng thành nhiệt năng và bẫy nhiệt để thu giữ năng lượng... Hiệu quả tiết kiệm khi sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời như sau: Nếu mỗi hộ sử dụng bình đun nước nóng bằng điện, mỗi ngày 3 kW, một năm 1.080 kW, so sánh với mỗi hộ sử dụng năng lượng mặt trời mỗi ngày chỉ mất 0,4 kW, mỗi năm 150 kW, thì mức độ tiết kiệm năng lượng của mỗi hộ gia đình trong một ngày là 2,4 kW và trong một năm tiết kiệm được 864 kWh điện. Và với công thức trên, nếu có 2 triệu hộ gia đình sử dụng thiết bị này, mỗi ngày sẽ tiết kiệm được 4.800.000 kWh và một năm tiết kiệm được 1,720 tỷ kWh điện. Đấy là chưa kể tới việc bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời còn góp phần giảm tải đáng kể đối với lưới điện quốc gia, đặc biệt trong những ngày nắng nóng, đồng thời giảm một lượng lượng khí thải không nhỏ gây ô nhiễm môi trường...

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Theo Tạp chí Công nghiệp T8/2008