Sự kiện

Hối hả kịp ngày đóng điện xung kích

Thứ tư, 24/2/2010 | 10:11 GMT+7

Thành phố Sơn La những ngày này chìm trong giá rét. Sương mù dày đặc như bức tường trắng trên những đoạn đường dài hun hút. Những chuyến xe tải hạng nặng vẫn lầm lũi chở linh kiện máy móc, máy biến áp nặng vài trăm tấn, những cầu trục gần 600 tấn cũng đang theo những chuyến xà lan đặc biệt ngược sông Đà tiến về Nhà máy Thủy điện Sơn La.

 

Để kịp tiến độ phát điện tổ máy 1 vào cuối năm, các đơn vị thi công đường dây cũng đang hối hả đẩy nhanh tiến độ để kịp ngày đóng điện xung kích trên đường dây vào tháng 10 năm nay.

Thợ xây lắp điện: Tiến độ là hàng đầu

Chúng tôi lần theo tuyến đường dây trong mưa rét và sương mù. Rét ngấm vào da thịt. Vậy mà thấp thoáng trong sương mù vẫn bừng lên sắc đỏ màu áo thổ cẩm của người Mông. Nhiều cây đào phai nở sớm khoe sắc cùng màu trắng của hoa mận to điểm cho nét quyến rũ của mùa đông Sơn La.

Không sôi động như đại công trường Thủy điện Sơn La, những người thợ xây lắp điện của công trình đường dây 500 kV Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan đang làm việc lặng lẽ nhưng không kém phần quyết liệt ở từng chân móng, từng cột điện, từng mét dây để hoàn thành đồng bộ với nhà máy thủy điện. Theo chân đội tư vấn giám sát, chúng tôi hăm hở lên vị trí cột 368 (xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu – Hòa Bình). Đến đường vào chân núi, anh lái xe ngắm nghía một hồi rồi lắc đầu: đường này chỉ có xe U oát nối 2 cầu mới chịu nổi, mọi người đi bộ thôi. Trời mưa lép nhép, đường toàn sống trâu ổ gà, đất lại “quý” người nên giày dép của ai cũng dính bết. Vào tới chân núi ngước nhìn lên cột điện trên đỉnh đã thấy lo lắng. Đường lên núi chưa đầy 200m nhưng vách đá dốc dựng đứng, vừa lầy lội vừa trơn trượt. Túi xách, máy ảnh và cả chiếc ô che đầu của tôi cứ lần lượt chuyển dần sang mấy anh truyền tải. Tôi nhặt vội 1 cành cây làm gậy dò đường, một tay túm chặt người đi trước mà vẫn nhiều phen suýt ngã. Mãi rồi cũng tới chân cột. Trời mưa rét mà mồ hôi đầm đìa, mồm, mũi, tai tranh nhau thở. Thế nhưng lúc xuống mới thật đáng ngại. Vốn sợ độ cao nên tôi không dám nhìn xuống chân núi vì cứ có cảm giác chỉ bước hụt một cái là sẽ lăn một mạch xuống chân dốc. Lần này thì anh thợ truyền tải phải dắt tay tôi từ phía sau để phòng khi tôi trượt chân thì sẽ lôi lại.

Bất chấp mưa rét, trên đỉnh núi, những người thợ của Công ty CP xây dựng điện (VNECO 2) vẫn miệt mài kéo từng thanh xà, vặn từng chiếc bu lông để bảo đảm kế hoạch kéo dây đúng tiến độ. Gió lạnh buốt nhưng bộ áo quần bảo hộ lao động của các anh vẫn ướt đẫm mồ hôi. Chiếc lều bạt che tạm trên đỉnh núi không hiểu có đủ làm ấm các anh qua những đêm mưa rét ở đây! Anh Nguyễn Đức Cường, tổ trưởng tổ xây lắp điện cho biết, do địa hình rừng núi rất hiểm trở nên đào đúc móng đã khổ, việc vận chuyển vật tư, thiết bị lên vị trí còn gian khổ hơn. Nơi nào dốc quá thì phải dùng tời, những nơi không kéo tời được thì dùng ngựa. Nơi nào ngựa cũng chịu thua thì phải huy động sức người. Xi-măng, cát sỏi chia nhỏ ra, nước cho vào can để gùi lên. Việc đúc móng bê-tông phải làm hoàn toàn thủ công vì không thể đưa máy móc lên núi. Vất vả nhất là thi công những cột néo góc, cột vượt sông cao tới hàng trăm mét, trèo lên đỉnh cột cứ đu đưa như đi trên võng mà vẫn phải đảm bảo vặn chặt từng bu long đinh ốc, có vết xước nào là phải dùng sơn dầu kẽm xử lý ngay để tránh bị ăn mòn sau này. Khó nhất là lúc rải căng dây qua những vực sâu, núi cao, vượt sông, vượt cầu, vượt đường quốc lộ rất phức tạp. Đặc biệt, khi đưa vào vận hành, cung đoạn này sẽ là một thách thức rất lớn đối với lực lượng quản lý vận hành lưới truyền tải điện của Công ty Truyền tải điện 1 (PCT1). Ông Phan Văn Cần, Giám đốc PTC1, cho biết, đây là công trình đồng bộ có nhiệm vụ truyền tải điện từ Nhà máy thủy điện Sơn La hòa vào lưới điện quốc gia. Đây cũng là công trình thi công khó nhất do địa hình rất hiểm trở, đồi núi hay bị sạt lở. Các vị trí móng hầu hết nằm trên núi cao nên phải gia cố móng rất vất vả và tốn thời gian. Có vị trí thi công tới 6 tháng trời, có nơi địa chất yếu, đang thi công gặp mưa bị lở tới nửa quả đồi, các đơn vị phải đóng cọc, dùng cáp chằng lên đỉnh đồi để giữ cột đứng yên rồi khoan cọc nhồi làm sâu chân móng, xử lý hàng trăm khối bê tông. Đến nay, tiến độ thi công và nghiệm thu phần móng của đường dây đạt tới 98%, dựng cột đạt 86%, một số nơi đã bắt đầu rải dây. Ông Cần nói chắc như đinh đóng cột: chắc chắn tiến độ sẽ được đảm bảo.

Cán bộ tư vấn giám sát: Chất lượng là ưu tiên số 1

Với tư cách là đơn vị vận hành đường dây 500 kV Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan sau này nên PCT1 xin nhận tư vấn giám sát. Đó cũng là lý do khiến lãnh đạo EVN rất yên tâm về chất lượng công trình bởi vì nếu giám sát không cẩn thận thì chính họ sẽ phải chịu hậu quả đầu tiên. Anh Nguyễn Văn Đàm, phó trưởng truyền tải điện Tây Bắc - tâm sự: Đôi khi nhìn anh em thi công vất quả quá cũng mủi lòng nhưng nếu chất lượng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vận hành sau này. Theo Giám đốc PCT1 Phan Văn Cần, khó nhất là kiểm tra phần giám sát chất lượng trụ móng và kéo dây lên cột, nếu để dây đập xuống vách đá bị xây sát hoặc ép các mối nối không chặt thì sau này sẽ xảy ra phóng điện hoặc tụt mối dây rất nguy hiểm. Phần móng cũng phải đúng vị trí, độ sâu, kích thước để đảm bảo vững chắc. Ngoài yêu cầu trình độ chuyên môn (tốt nghiệp đại học, 5 năm kinh nghiệm trở lên mới được cấp chứng chỉ tư vấn giám sát), cán bộ giám sát còn phải có tinh thần trách nhiệm để tỉ mẩn kiểm tra chặt chẽ từ xuất xứ, chất lượng nguyên vật liệu đến từng mối hàn, bu long, đinh ốc, đồng thời phải có sức khỏe để trèo lên kiểm tra tận đỉnh cột. Thợ thi công làm lúc nào là các anh phải có mặt lúc đó.
Tết sớm trên những tuyến đường dây

Trong chuyến đi này, chúng tôi may mắn được tham gia buổi ăn tết sớm của thợ truyền tải tại trạm biến áp 500 kV Hòa Bình. Có cả đào, quất, rượu cần, bánh chưng, thịt nướng, rau rừng, cơm lam đúng hương vị núi rừng. Nghe tin có lãnh đạo cấp trên và các nhà báo đến chúc tết, anh em mừng rỡ đón cả đội văn nghệ “hàng xóm” đến chia vui. Tất cả mọi người, không phân biệt chủ khách đều tham gia hết mình. Tôi thật bất ngờ khi Chủ tịch công đoàn NPT Trần Khư tuổi đã lục tuần và Giám đốc PCT1 Phan Văn Cần cũng gần về hưu lại có giọng hát quyến rũ ngọt ngào đến thế. Nhà báo Minh Huệ (cổng thông tin điện tử Chính phủ) cũng trổ tài bằng mấy bài thơ tự sáng tác về thợ truyền tải khiến chủ nhà không khỏi rưng rưng. Tổng giám đốc Nguyễn Hà Đông mồ hôi đầm đìa vì nhảy sạp nhiệt tình quá. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng trước cảnh ăn tết vui như vậy, anh Phan Anh Dũng - tổ trưởng tổ sửa chữa Trạm 500 kV Hòa Bình đã có thâm niên 12 năm trực tết - cho biết, không phải năm nào cũng đông vui thế này nhưng vật chất thì được công đoàn lo rất chu đáo. Theo anh thì được trực tết là niềm tự hào vì chỉ những người thạo việc, tay nghề vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao mới được tin tưởng giao nhiệm vụ. Còn mấy cậu tư vấn giám sát trẻ thì tuyên bố rất hào sảng: người yêu đang mong lắm nhưng nếu bên thi công làm việc trong dịp tết là chúng em sẵn sàng có mặt để giám sát công trình.

Theo: CôngThương