Sự kiện

Ngày xuân trên đại công trình thủy điện Sơn La

Thứ năm, 18/2/2010 | 13:22 GMT+7

Những ngày Tết Canh Dần, khắp những nẻo đường lên Tây Bắc phủ trắng hoa mận, hoa mai, điểm mấy khóm đào bích thẫm cả trời chiều. Tràn vào trái tim lữ khách lên vùng sơn cước là thiên nhiên hùng vĩ, là những bản người Thái người H’mông chênh vênh bên núi, bên đồi nương. Bên những bếp lửa mà bếp là nhà sàn ngăn nắp, mùa đông thì ấm mà mùa hè thì mát. Trên đại công trường thủy điện Sơn La, chỉ có trời xanh và những người trị thủy, chinh phục Đà giang.

. Xuân trên công trường

Mặc dù năm nay CBCNV các cơ quan được nghỉ Tết những 9 ngày, nhưng ở trên công trình thủy điện Sơn La, các nhà thầu xây dựng vẫn duy trì  bơm tiêu cạn nước hố móng; Lilama bố trí hơn 200 cán bộ công nhân viên để tập trung lắp đặt tổ hợp Stator và rotor máy phát tổ máy số 1; lắp đặt các hệ thống thiết bị phụ như hệ thống bơm tiêu cạn; hệ thống cấp khí nén; hệ thông cung cấp dầu; máng, giá cáp...là những hạng mục đảm bảo cho mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào 25-12-2010. Đây là một dấu mốc quan trọng mà hàng vạn công nhân và kỹ sư đã nỗ lực hết sức mình, mỗi ngày làm việc 24/24 để hoàn thành đúng tiến độ.

Không khí làm việc trên công trường thủy điện Sơn La những ngày Tết vẫn tất bật, hối hả. Ảnh: Bắc Tới

Kỹ sư Bùi Phương Nam- Ban Quản lý Dự án thủy điện Sơn La cho biết: Năm 2010 là năm Lilama có khối lượng công việc nặng nề nhất. Thời điểm trước tết, số lượng lao động của Lilama trên công trường lên tới 1700 người. Để đảm bảo cho tổ máy số một phát điện vào cuối năm nay, Lilama phải lắp đặt khoảng 23.000 tấn thiết bị. Đây là khối lượng nhiều nhất trong các năm (năm 2009 là 22.000 tấn, các năm trước trung bình mỗi năm 10.000 tấn). Trong khi đó, công việc lắp đặt lại phức tạp hơn do một số hạng mục phải thi công ngày càng lên cao và đòi hỏi công nghệ mới hiện đại hơn, như:  lắp đặt thiết bị xả mặt đập tràn, cửa nhận nước, lắp đặt thiết bị nhà máy; các hệ thống thiết bị phụ, điện ... Trong đó,  quý I-2010 sẽ bàn giao toàn bộ hạng mục xả sâu đập tràn để vận hành chính thức cuối tháng 2-2010; bàn giao tuyến ống áp lực tổ máy số 5, số 6 vào tháng 2-1010 và tháng 3 bàn giao công tác lắp đặt buồng xoắn tổ máy số 5, số 6; tổ hợp stato máy phát tổ máy 1 ngày 2-1-2010; lắp đặt Roto tổ máy 1 ngày 15-8-2010.

Màn đêm buông xuống, nhìn từ xa công trường duyên dáng nghiêng bóng xuống dòng Đà giang và bên trong cái sự duyên dáng ấy, là hàng ngàn cán bộ công nhân đang làm việc hết mình vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc.

. Xuân trên tuyến

Để kịp tiến độ phát điện tổ máy 1 vào cuối năm, các đơn vị thi công đường dây cũng đang hối hả đẩy nhanh tiến độ để kịp ngày đóng điện xung kích trên đường dây vào tháng 10 năm nay.

Không sôi động như đại công trường Thủy điện Sơn La, những người thợ xây lắp điện của công trình đường dây 500 kV Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan đang làm việc lặng lẽ nhưng không kém phần quyết liệt ở từng chân móng, từng mét dây để hoàn thành đồng bộ với nhà máy thủy điện. Đoạn đường dây đi qua Mai Châu – Hòa Bình, nhiều vị trí cột muốn thi công phải vượt qua vách đá dốc dựng đứng, gặp những ngày mưa vừa lầy lội vừa trơn trượt. Bất chấp mưa rét, trên đỉnh núi, những người thợ của Công ty CP xây dựng điện (VNECO 2) vẫn miệt mài kéo từng thanh xà, vặn từng chiếc bu lông để bảo đảm kế hoạch kéo dây đúng tiến độ. Gió lạnh buốt nhưng bộ áo quần bảo hộ lao động của các người công nhân điện vẫn ướt đẫm mồ hôi.

Những công nhân của Lilama làm việc quên Tết

Do địa hình rừng núi hiểm trở nên đào đúc móng, vận chuyển vật tư, thiết bị lên vị trí rất gian khổ. Nơi nào dốc quá thì phải dùng tời, những nơi không kéo tời được thì dùng ngựa. Nơi nào ngựa cũng chịu thua thì phải huy động sức người. Xi-măng, cát sỏi chia nhỏ ra, nước cho vào can để gùi lên. Việc đúc móng bê-tông phải làm hoàn toàn thủ công vì không thể đưa máy móc lên núi. Vất vả nhất là thi công những cột néo góc, cột vượt sông cao tới hàng trăm mét. Khó khăn nhất là việc rải căng dây qua những vực sâu, núi cao, vượt sông, vượt cầu, vượt đường quốc lộ. Thi công đã vậy, nhưng khi đưa vào vận hành, cung đoạn này sẽ là một thách thức rất lớn đối với lực lượng quản lý vận hành lưới truyền tải điện do tuyến đường dây phải đi qua địa hình rất hiểm trở, đồi núi hay bị sạt lở.

Đến nay, tiến độ thi công và nghiệm thu phần móng của đường dây đạt tới 98%, dựng cột đạt 86%, một số nơi đã bắt đầu rải dây.

Sau những ngày dài nóng bức, ngày đầu Xuân, trời bỗng lạnh trở lại và mưa giăng kín đại ngàn Tây Bắc. Những cành đào đã kịp đơm bông đầu mùa. Xuân đang về, đang cựa mình trên từng nhành cây, ngọn lá, len vào từng bếp lửa nhà sàn thấp thoáng sau những dãy núi mờ xa và trong giờ phút giao thừa, Sơn La vẫn vang lên những âm thanh của một đại công trường và những âm thanh ấy đã vang vọng cả một vùng Tây Bắc hùng vĩ.

Chúng tôi chia tay với Tây Bắc khi trời đã chìm hẳn vào chiều. Xuân đã chạm ngõ đất trời Tây Bắc, chạm ngõ công trình thế kỷ Thủy điện Sơn La và nơi đây, những người công nhân thủy điện đang đón nhận mùa xuân bằng sự lao động miệt mài, tận tâm và đầy trách nhiệm./

Thanh Mai