Sự kiện

Hợp tác quốc tế là điều kiện đảm bảo cho sự thành công của chương trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Thứ hai, 8/12/2008 | 10:19 GMT+7
Thế giới đang bước vào một giai đoạn mới của lịch sử phát triển điện hạt nhân hay còn gọi là thời kỳ phục hưng của điện hạt nhân ở phạm vi toàn cầu. Quyết định phát triển điện hạt nhân của Vịêt Nam là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế hiện nay của thế giới. Tuy nhiên đây là một nhiệm vụ rất khó khăn phức tạp, đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực rất lớn, mức độ cao của các cơ sở hạ tầng, nguồn đầu tư lớn và sự cố gắng rất lớn của toàn quốc gia. Trong đó, hợp tác quốc tế chính là điều kiện đảm bảo cho sự thành công của chương trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Đi qua 3 mốc quan trọng 

Như ai cũng biết năng lương nguyên tử (NLNT) là bộ phận cấu thành quan trọng của ngành công nghiệp điện lực ở nhiều quốc gia trên thế giới. Do điện hạt nhân không gây ô nhiễm khí quyển và nhân loại thì lại ngày càng quan tâm đến hiệu ứng nhà kính, biển đổi khí hậu toàn cầu do sử dụng nguyên liệu hoá thạch. Việc lựa chọn và phát triển điện hạt nhân là một chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với một quốc gia. Nó sẽ góp phần giải quyết nhu cầu năng lượng đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh cung cấp năng lượng, duy trì an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường, thực hiện tối ưu hoá và duy trì phát triển cơ cấu công nghiệp điện lực cũng như nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Tính đến nay, toàn thế giới đã có 435 tổ máy điện hạt nhân với tổng công suất trên 392.000 MW được vận hành ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo báo cáo của Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại Khoá họp đại hội đồng IAEA lần thứ 52 từ ngày 29/9 đến 4/10/2008, toàn thế giới hiện có trên 50 quốc gia đang phát triển như Việt Nam đã đề nghị IAEA giúp đỡ xây dựng và thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân.

Trong xu thế chung đó, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân ở nước ta đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ rất sớm, đặc biệt sau khi tiến hành công cuộc đổi mới với nhu cầu năng lượng tăng cao trong khi khả năng đáp ứng của các nguồn năng lượng nội địa lại hạn chế.

Theo hướng dẫn của IAEA, chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia sẽ đi qua 3 mốc quan trọng.

Thứ nhất: quốc gia đã có đủ điều kiện  để ra quyết sách về phát triển điện hạt nhân (mốc này được xem như khi Quốc hội quyết định chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào tháng 5/2009).

Thứ hai, quốc gia đã có đủ điều kiện để lập hồ sơ mời thầu hoặc chọn đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên (dự kiến khoảng 2013-2014).

Thứ ba, quốc gia đã có đủ điều kiện để khởi động và vận hành thương mại nhà máy điện hạt nhân đầu tiên (dự kiến vào khoảng 2019-2020).

Ở mỗi một điểm mốc này, các vấn đề về cơ sở hạ tầng cần phải đạt được yêu cầu cần thiết theo hướng dẫn của IAEA. Hiện nay, công tác xây dựng các cơ sở hạ tầng đang được các bộ, ngành tích cực triển khai trên cơ sở các đề án trong Kế hoạch tổng thể của Thủ tướng Chính phủ và theo các quy định trong Luật NLNT.

Về cơ bản, theo đánh giá của ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã đạt được mốc thứ nhất và nhiều vấn đề của cơ sở hạ tầng đang ở trong giai đoạn chuyển từ mốc 1 sang mốc 2.

Triển khai 8 nhóm nhiệm vụ lớn

Đầu năm nay, Chính phủ đã xem xét và trình Bộ Chính trị báo cáo đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên dự kiến được xây dựng tại Ninh Thuận, đồng thời Chính phủ cũng thông qua Quy hoạch phát triển điện giai đoạn VI, trong đó đã xác định mục tiêu phát triển 11.000 MW điện hạt nhân vào năm 2025.

Đến tháng 6/2008, Quốc hội đã thông qua Luật NLNT, văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực NLNT và đảm bảo an toàn cho các hoạt động này, trong đó có quy định về phát triển điện hạt nhân từ khâu lập quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng đến tháo dỡ nhà máy khi hết hạn sử dụng.

Rồi tháng 3/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Về phiá Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Từ tháng 6/2008, EVN đã trình Chính phủ báo cáo đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Hiện tại EVN đang hoàn thiện báo cáo đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Hội đồng thẩm định nhà nước đang tổ chức công tác thẩm định báo cáo này trước khi Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn. Sau khi Quốc hội phê chuẩn, Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện dự án, bao gồm lập dự án đầu tư, tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu, xây dựng, lắp đặt và đưa nhà máy vào vận hành theo các quy định trong Luật NLNT nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả.

Các hoạt động liên quan đến xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết và xây dựng năng lực công nghệ điện hạt nhân quốc gia được giao cho Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường chủ trì. Riêng nhiệm vụ xây dựng khuôn khổ pháp lý và hệ thống quản lý được tập trung vào việc xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, ký kết và gia nhập điều ước quốc tế, xây dựng hệ thống tổ chức và quản lý về phát triển và đảm bảo an toàn được thể hiện trong Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình do Bộ này triển khai.

Nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực tập trung vào việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân. Để triển khai nhiệm vụ này trong Kế hoạch tổng thể đã xác định 1 đề án do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện.

Nhiệm vụ nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào việc đánh gía, lựa chọn, tiếp thu, làm chủ, đánh giá và thanh tra an toàn nhà máy điện hạt nhân; tư vấn chính sách và biện pháp đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu, sử dụng tài nguyên uran trong nước cho phát triển điện hạt nhân, đảm bảo an toàn bức xạ, quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và quản lý chất thải phóng xạ. Viện NLNT Việt Nam chủ trì thực hiện nhiệm vụ này.

Để thực hiện nhiệm vụ cho địa điểm và môi trường, theo quy định của Luật NLNT và Kế hoạch tổng thể, Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường đang lập quy hoạch mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường. Bộ Công Thương đang lập quy hoạch địa điểm các nhà máy điện hạt nhân và Bộ Xây dựng đang lập quy hoạch địa điểm lưu giữ chất thải phóng xạ.

Về nhiệm vụ thông tin đại chúng đã được triển khai một cách có hệ thống từ năm 2001 đến nay, do Viện NLNTVN chủ trì. Theo quy định trong Luật NLNT cũng như Kế hoạch tổng thế, nhiệm vụ này sẽ tiếp tục được triển khai với sự tham gia không chỉ của Viện NLNT mà còn của chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân và cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân.

Để triển khai nhiệm vụ an ninh hạt nhân và ứng phó tình trạng khẩn cấp,, trong Kế hoạch tổng thể đã xác định 3 đề án do các Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường; Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ trì thực hiện.

Trong Kế hoạch tổng thể cũng xác định 2 đề án do Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện đánh giá tiềm năng, xây dựng chính sách, quy hoạch và đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trong nước có liên quan để có thể tham gia hiệu quả vào việc thực hiện các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ngay từ dự án đầu tiên và từng bước tiến đến hình thành ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam trong tương lai.

Cuối cùng, nhiệm vụ hỗ trợ thực hiện dự án điện hạt nhân được giao cho Bộ Công Thưong tập trung vào việc nâng cao năng lực quản lý dự án điện hạt nhân; nghiên cứu các phương thức đầu tư và thu xếp tài chính cho dự án; nâng cao năng lực đàm phán và ký kế hợp đồng; phát triển hệ thống lưới điện quốc gia phù hợp với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân…

Cần thiết phải hợp tác và hội nhập quốc tế

Các chuyên gia năng lượng khẳng định điện hạt nhân không những là loại công nghệ cao mà còn là lĩnh vực nhạy cảm chính trị quốc tế liên quan đến phổ biến vũ khí hạt nhân. Do vậy, mục tiêu hợp tác và hội nhập quốc tế là cần thiết và là điều kiện quan trọng để thực hiện thành công chương trình này. Mục tiêu này cũng đặt ra cho chúng ta học hỏi kinh nghiệm và nhận được chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển đi trước trong lĩnh vực điện hạt nhân, đồng thời tránh được những rắc rối quốc tế cản trở phát triển điện hạt nhân như một số nước đã gặp phải.

Để tạo cơ sở pháp lý quốc tế cho phát triển điện hạt nhân, Việt Nam đã ký kết và gia nhập một số điều ước quốc tế có liên quan như NPT, Safeguards, CTBT, AP… và đang tích cực nghiên cứu tham gia các điều ước khác cần thiết để thực hiện thành công chương trình phát triển điện hạt nhân. Trong Kế hoạch tổng thể, Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường được giao chủ trì thực hiện 1 đề án về vấn đề này.

Đặc biệt Việt Nam coi trọng hợp tác toàn diện với IAEA từ khi Việt Nam tham gia vào tổ chức này năm 1976. Theo Viện NLNTVN, trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục đề nghị IAEA gíp đỡ triển khai thực hiện thành công chương trình điện hạt nhân như xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, phân tích đánh giá các kịch bản phát triển điện hạt nhân, đánh giá địa điểm, thiết kế, đào tạo nguồn nhân lực, trợ giúp trong việc tổ chức hoạt động chuyển giao công nghệ, thông tin đại chúng, hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn, đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu…

Công nghệ điện hạt nhân thế giới đã phát triển rất cao với năng lực công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm lâu năm. Việt Nam có thể tranh thủ sự hỗ trợ của các nước và các tổ chức quốc tế về đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, tri thức đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ và quản lý chất thải phóng xạ. Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động hợp tác về điện hạt nhân với các cường quốc như Nhật Bản, Pháp, Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong thời gian tới, theo Viện NLNTVN cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này. Tuy nhiên cũng phải sớm xác định công nghệ và đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Trong đó, chuyển giao công nghệ phải là một điều kiện trong hợp tác quốc tế về điện hạt nhân. Việc này cũng phải được thực hiện ngay từ dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Do dự án điện hạt nhân yêu cầu đầu tư lớn trong khi năng lực tài chính của Việt Nam hạn chế nên chúng ta phải thông qua hợp tác quốc tế mà tìm nguồn thu xếp tài chính cho các dự án điện hạt nhân./.

Mai Phương