Sự kiện

Hướng đến Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận: Từng bước quyết liệt

Thứ hai, 14/6/2010 | 16:35 GMT+7

Bên lề cuộc triển lãm quốc tế Điện hạt nhân lần thứ 4 diễn ra tại Hà Nội, PV Tạp chí Điện lực phỏng vấn ông Phan Minh Tuấn - Trưởng ban Chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân và Năng lượng tái tạo - NRPB (thuộc EVN) về quá trình từng bước triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận một cách vừa thận trọng, vừa quyết liệt.

PV: Tại triển lãm quốc tế Điện hạt nhân lần thứ 4, NRPB tham gia với các hoạt động cụ thể là gì, thưa ông?

Ông Phan Minh Tuấn: NRPB được EVN giao nhiệm vụ phối hợp với Viện Năng lượng Nguyên tử VN tổ chức thành công cuộc triển lãm này. Với chủ đề “Hướng tới dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận”, NRPB sẽ có một gian trưng bày đầy đủ những thông tin về dự án điện hạt nhân đầu tiên của nước ta - dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Những thông tin về quá trình chuẩn bị đầu tư triển khai dự án trong thời gian qua sẽ được chuyển tải đến đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Chúng tôi hy vọng qua triển lãm này, kiến thức cũng như hiểu biết của người dân về điện hạt nhân sẽ toàn diện và đầy đủ hơn. Triển lãm lần này cũng sẽ cho thấy năng lực, kinh nghiệm của các quốc gia có nền công nghiệp hạt nhân phát triển, các tổ chức quốc tế về tư vấn thiết kế, thẩm định dự án, quản lý dự án và đào tạo nguồn nhân lực cho dự án nhà máy điện hạt nhân. Bên cạnh đó là năng lực, kinh nghiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong nước có khả năng tham gia vào việc thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

PV: Sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đến nay, NRPB đã và sẽ triển khai các bước tiếp theo như thế nào?

Ông Phan Minh Tuấn: NRPB đã chuẩn bị hồ sơ để Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẵn sàng đàm phán với đối tác sẽ được tham gia dự án đầu tư. Song song với đó, NRPB phải hoàn thiện bộ hồ sơ xin cấp phép địa điểm của dự án, phương án lựa chọn công nghệ, tính toán chỉ số tài chính, kinh tế của dự án, hoàn thiện  các báo cáo chuyên ngành liên quan như tác động của động đất, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường… Nếu được Thủ tướng thông qua báo cáo đầu tư, thì đến cuối năm 2014, chúng ta sẽ khởi công xây dựng. Theo dự kiến, đến năm 2020 chúng ta sẽ xây dựng xong nhà máy và đưa vào chạy thử, vận hành.

PV: Nguồn nhân lực cho quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân được coi là một trong các bài toán khó. Liệu đến năm 2020, chúng ta có đủ thời gian để giải bài toán này một cách tối ưu?

 Ông Phan Minh Tuấn: Về nhân lực, EVN đã có sự chuẩn bị từ trước. Cụ thể là, từ năm 2004 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã gửi nhiều lớp sinh viên tài năng đi học về chuyên ngành điện hạt nhân tại Liên bang Nga và Cộng hòa Pháp. Mấy năm đầu, chúng ta chỉ gửi mỗi năm 4 - 6 chỉ tiêu. Riêng năm 2010, chúng ta có 30 chỉ tiêu. EVN đã chọn những sinh viên giỏi thực sự và có tiềm năng ngay khi các em đang học năm thứ nhất. Tập đoàn cũng tạo điều kiện cho các sinh viên xuất sắc học lên bậc thạc sỹ, tiến sỹ. Khi học xong, các em sẽ được bố trí thực tập, thậm chí làm việc trong các nhà máy điện hạt nhân hiện đại bậc nhất của Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp... Tôi tin rằng, với chiến lược đào tạo nguồn nhân lực về điện hạt nhân mà EVN đang quyết liệt triển khai, chúng ta sẽ có một lực lượng kỹ sư, công nhân kỹ thuật đủ lượng và chất cho dự án đầu tiên đặc biệt quan trọng này.

PV: Thưa ông, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) sẽ hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam những gì trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân?

Ông Phan Minh Tuấn: Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) là tổ chức quốc tế duy nhất có thẩm quyền pháp lý về các vấn đề liên quan đến hạt nhân trên thế giới. Với Việt Nam, “cửa sổ tương tác” với IAEA là Bộ Khoa học và Công nghệ, mà cụ thể là Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (trực thuộc Bộ KHCN). Là chủ đầu tư của dự án, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo NRPB luôn luôn phối hợp chặt chẽ với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam.

Trong thời gian qua, phái đoàn của IAEA có nhiều buổi làm việc với EVN, nhiều chuyên gia của IAEA đã trực tiếp tiếp xúc với NRPB. Trong quá trình chuẩn bị, triển khai xây dựng nhà máy, IAEA sẽ giúp Việt Nam đánh giá những vấn đề cụ thể như: Vị trí xây dựng, quản lý nhà máy, khuôn khổ pháp lý, ngân sách nhà nước và tài chính dự án, chu trình nhiên liệu, chất thải phóng xạ, an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, khuôn khổ pháp quy, an ninh và bảo vệ thực thể, thanh sát hạt nhân…

PV: Xin cảm ơn ông!

Giáo sư Gareth Evans, Chủ tịch Uỷ ban Quốc tế về Không phổ biến và Giải trừ Vũ khí Hạt nhân (ICNND):

Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và khéo léo trong việc xây dựng những dự án lớn. Dù thời gian không còn nhiều, nhưng Việt Nam sẽ làm được một khi tranh thủ được sự giúp đỡ của quốc tế thông qua việc đưa ra một giải pháp trọn gói cho Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Dù lựa chọn công nghệ nào của quốc gia nào: Nga, Pháp, Nhật Bản hay Hàn Quốc…thì Việt Nam sẽ tận dụng tốt sự chuyển giao công nghệ đó. Tôi nghĩ, trong khoảng thời gian đó các bạn sẽ có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.
 
Nhật Bản: Từ năm 2010 - 2020, sẽ xây dựng thêm 8 nhà máy điện hạt nhân mới, nâng tổng số nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản lên tới 61 nhà máy.

• Nga và Bangladesh vừa ký thỏa thuận về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân công suất 1.000 MW ở Thành phố Rooppur (Bangladesh)

• Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vừa ký Thỏa thuận hợp tác về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ đã được đệ trình lên Quốc hội thông qua trong tháng 5 này.

• Malaysia, ngày 4/5, Chính phủ Malaysia đã thông qua kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân. Theo đó đến năm 2021, Malaysia sẽ sở hữu nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này.

• Indonesia đang kỳ vọng sẽ sở hữu nhà máy điện hạt nhân vào năm 2016.

Ngày 6/5/2010, tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo:

• Bộ KHCN sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Năng lượng Nguyên tử về Nhà máy điện hạt nhân, hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) để trao đổi thông tin, thực hiện sự hướng dẫn của tổ chức này trong triển khai điện hạt nhân.

• Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt các quy hoạch tổng thể địa điểm xây dựng nhà máy.

• Bộ Tài chính chủ trì đàm phán về vấn đề vốn cho việc lập và triển khai báo cáo khả thi dự án.

• Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá mới về trữ lượng và cân đối nguồn uranium, công nghệ, đánh giá tác động môi trường, xử lý đất đai.

• Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm phê duyệt kế hoạch đào tạo hàng năm và lâu dài nguồn nhân lực phục vụ triển khai, vận hành dự án.

Theo: TCĐL số 5/2010