Sự kiện

Hướng đi lớn cho thủy điện nhỏ: Hạn chế “giữ phần”, giữ vững tiến độ đăng ký vận hành

Thứ sáu, 26/10/2007 | 00:00 GMT+7
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trên toàn quốc hiện có 216 dự án thủy điện vừa và nhỏ đăng ký đầu tư xây dựng với tổng công suất 4.067MW, đó là chưa kể hàng trăm dự án đã được đăng ký với cấp tỉnh. Tính đến cuối tháng 9/2007, đã có 22 nhà máy thuộc loại này được đưa vận hành tổng công suất 408 MW với (riêng 9 tháng đầu năm là 148,6 MW).

              

Theo tiến độ đang xây dựng của các công trình, Bộ Công Thương dự kiến trong quý IV sẽ có thêm 7 nhà máy được vận hành (tổng công suất 41,6 MW), và trong năm 2008 có khả năng đưa thêm 24 nhà máy tổng (343 MW) vào phát điện, chiếm hơn 20% tổng công suất nguồn phát mới dự kiến có được.

Khẳng định hướng đi đúng

Theo Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ trọng công suất sử dụng nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo đến năm 2010 sẽ đạt khoảng 5%. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 – 2015 có xét triển vọng đến năm 2025 (Quy hoạch điện VI) yêu cầu nâng tổng công suất các nguồn thủy điện nhỏ năng lượng tái tạo thêm khoảng 1.200 MW giai đoạn 2006 – 2010 và 1.250 MW giai đoạn 2011 – 2015.

Với mức tăng trưởng phụ tải thường xuyên ở mức 15 – 17% % trong những năm qua và nhiều năm tới, việc tăng đủ công suất nguồn phát mới luôn là một yêu cầu không tưởng của ngành điện Việt Nam nếu chỉ trông chờ vào các dự án lớn. Đầu tư vào thủy điện vừa và nhỏ không những chỉ nhằm mục tiêu đáp ứng kịp thời nhu cầu điện năng, mà còn khẳng định sự đa dạng trong sản xuất kinh doanh của các DN, nhất là đối với các đơn vị kinh tế lớn đã và đang xây dựng theo mô hình tập đoàn. Đặc biệt, với các đơn vị trong ngành xây lắp, việc làm chủ đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ không chỉ tận dụng được thiết bị, lao động... mà còn là bước tập dượt để làm chủ đầu tư xây dựng những dự án nguồn điện lớn.

Thực tế những năm gần đây cho thấy, chủ trương đa dạng hóa đầu tư đối với thủy điện vừa và nhỏ là hướng đi đúng đắn, được các địa phương có nhiều tiềm năng về thủy điện cũng như các DN ủng hộ. “Trong điều kiện thiếu nguồn điện như hiện nay thì tổng công suất từ thủy điện vừa và nhỏ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia hoặc từng khu vực là sự đóng góp đáng kể”, một chuyên gia theo dõi năng lượng khẳng định.

Xác định việc đầu tư xây dựng thủy điện vừa và nhỏ mang lại hiệu quả kinh tế lớn (chủ đầu tư thu hồi được vốn và lãi suất vốn vay sau 7 - 10 năm công trình được đưa vào khai thác), tỉnh Đắk Nông đã có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vốn, góp phần khai thác tiềm năng của địa phương, cải tạo môi trường, cung cấp nước tưới và chống lũ lụt, giải quyết công ăn việc làm, phát triển kinh tế- xã hội của các huyện miền núi vùng sâu vùng xa. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh xác định có hơn 60 dự án thủy điện vừa và nhỏ, tổng công suất hơn 200 MW (vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng), và tỉnh đã cấp giấy phép đầu tư cho 25 dự án (2 dự án đã được đưa vào khai thác là thủy điện Đắk Nông 1 công suất 1,8 MW, thủy điện Quảng Tín có công suất hơn 5 MW). Nằm gần đó, tỉnh Kon Tum cũng đã qui hoạch 54 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất khoảng 138 MW (trong số này đã có 6 dự án với tổng công suất 26 MW đang được các nhà đầu tư tích cực triển khai thi công để sớm phát điện; 16 dự án với tổng công suất 70 MW đang được lập phương án đầu tư, thi công 26 dự án với tổng công suất 84 MW đang được các nhà đầu tư làm thủ tục xin cấp phép đầu tư xây dựng).

Không để tiềm năng “ngủ” tiếp

Mặc dù đã có được thành công bước đầu trong việc khuyến khích các DN tham gia đăng ký đầu tư xây dựng, nhưng sau một thời gian triển khai làm thủy điện vừa và nhỏ, tại hầu hết các địa phương đã bộc lộ những khúc mắc chưa tìm được lời giải. Tình trạng các chủ đầu tư thiếu vốn cho các dự án đã trở thành phổ biến (vì tuy được gọi là các dự án thủy điện “vừa là nhỏ'', nhưng lượng vốn vẫn là quá sức đối với tiềm lực tài chính của các đơn vị xây lắp).

“Sự trắc trở trên cho thấy các nhà đầu tư chưa lường hết trước những khó khăn. Biểu hiện rõ nhất là hiện có tới 99% dự án thủy điện vừa và nhỏ chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu, với nguyên thân chủ yếu là do thiếu vốn”, một chuyên gia ngành điện cho biết. Đa số các chủ dự án thủy điện vừa và nhỏ mới chỉ lo được 10 - 20% vốn từ nguồn tự có, còn lại đều phải trông cả vào nguồn vốn vay ngân hàng (số dự án có phần vốn tự có khoảng 50% là rất hiếm, thường chỉ là ở các dự án cực nhỏ). Dù khi chuẩn bị xây dựng dự án, chủ đầu tư đã có thỏa thuận về vay vốn với ngân hàng, nhưng đến khi triển khai lại thường bị “tắc” do ngân hàng không đáp ứng được mức vay của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, một số công ty cổ phần làm thủy điện vừa và nhỏ là ''con" của các DN Nhà nước, nên thường có tâm lý trông chờ vào sự can thiệp, bảo trợ của Nhà nước, thay vì phải chủ động đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện một cách rõ ràng trước khi triển khai dự án. Nhiều chủ đầu tư khi đăng ký dự án cũng không “thèm” nghiên cứu, khảo sát kỹ để có những phương án thi công tối ưu, nên đã phát sinh không ít khó khăn do đa số các dự án thủy điện vừa và nhỏ đều nằm ở đầu nguồn, địa hình phức tạp.

Lường trước khả năng một số công trình thủy điện lớn có khả năng bị chậm tiến độ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện thời gian tới, mới đây Bộ Công Thương đã có yêu cầu tăng cường kiểm tra tiến độ các công trình thủy điện vừa và nhỏ có thể đưa vào vận hành trong năm 2007 và 2008, đồng thời đôn đốc các chủ dự án sớm triển khai các dự án “treo'', khắc phục tình trạng “giữ phần'' dự án để chuyển nhượng.

Thực hiện chủ trương này, bên cạnh việc khuyến khích các nhà đầu tư tập trung nguồn vốn, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào sử dụng, lập thêm dự án xây dựng mới, tỉnh Kon Tum đã xác định sẽ kiên quyết thu hồi những dự án triển khai chậm (giao cho Sở CN, Sở KH&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thu hồi giấy phép đầu tư các dự án thủy điện tại xã Đăk Man, Đăk Kroong, Đăk Long, Đăk Tu (huyện Đăk Glei), Đăk Uy (huyện Đăk Hà) do thời gian triển khai đã kéo dài quá lâu so với cam kết để giao lại cho các nhà đầu tư khác có thực lực). UBND tỉnh Đắk Nông cũng vừa quyết định thu hồi giấy phép đầu tư của 6 dự án thủy điện nhỏ (công suất từ 1 – 5 MW do tư nhân làm chủ đầu tư) với nguyên nhân quá thời hạn quy định mà chủ đầu không xúc tiến thực hiện đầu tư; đồng thời cho biết sắp tới sẽ tiếp tục thu hồi giấy phép những công trình thủy điện chậm triển khai đầu tư, tránh tình trạng các dự án “treo”.

Tiềm năng về thủy điện vừa và nhỏ ở nhiều địa phương miền núi trung du phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên là rất lớn. Tiềm năng này nếu được khai thác kịp thời sẽ khắc phục đáng kể khả năng thiếu điện. Không thể có chuyện đã đánh thức tiềm năng rồi lại để chúng tiếp tục ngủ vùi trong quên lãng.

Minh Đức