Sự kiện

Khai thác năng lượng tái tạo còn bất cập

Thứ năm, 10/4/2008 | 09:55 GMT+7

Trong buổi hội thảo các chính sách hiệu quả năng lượng ở VN, do Bộ Công Thương VN phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (ADF) và Cơ quan Quản lý Môi trường và Năng lượng Pháp (ADEME) tổ chức ngày 9-4, tại TPHCM, chúng tôi đã trao đổi với TS Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Năng lượng thuộc Tập đoàn Điện lực VN

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo của VN?

TS Phạm Khánh Toàn: Với điều kiện thuận lợi về địa lý, khí hậu, VN có nguồn năng lượng tái tạo khá lớn và đa dạng, gồm các loại như: thủy điện nhỏ, gió, năng lượng mặt trời, sinh khối/nhiên liệu sinh học, địa nhiệt... có thể khai thác để đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường ở nước ta.

Vậy loại năng lượng tái tạo nào có triển vọng phát triển nhất ở VN, thưa ông?

- Hiện sinh khối (phụ phẩm nông nghiệp như trấu, bã mía của các nhà máy đường...) là nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng nhất của ta. Ngoài ra, năng lượng gió cũng được đánh giá cao, khu vực Bình Thuận được đánh giá là có nguồn năng lượng gió mạnh nhất, thủy điện nhỏ đang được phát triển và chiếm ưu thế hơn bởi đã được đầu tư ở mức độ vừa phải, nhiên liệu không phải mua. Sóng biển và năng lượng mặt trời có tiềm năng nhất ở khu vực miền Trung và miền Nam. Cường độ bức xạ mặt trời ở miền Trung và miền Nam cao, có thể dùng để phát điện hoặc lấy nước nóng. Nhưng giá thành dùng để phát điện thì rất cao, gấp khoảng 10 lần đầu tư cho phát điện truyền thống. Nếu để đun nước nóng thì giá cả vừa phải, phù hợp với các nhà dân hoặc các chung cư ở TP, lắp đặt hệ thống nước nóng trên mái nhà giống như kinh nghiệm ở Trung Quốc và nhiều nước khác.

Hiện nay chúng ta đã khai thác các nguồn năng lượng tái tạo này như thế nào?

- Mặc dù tiềm năng lớn, nhưng việc khai thác năng lượng tái tạo còn hạn chế, bất cập. Tỉ lệ đóng góp năng lượng tái tạo đến nay trong cân bằng năng lượng còn thấp, chỉ chiếm 2,3% trong tổng thể năng lượng điện. Chúng ta đang có kế hoạch phấn đấu tới năm 2015 đạt mức 5%, năm 2030 đạt 10%.

Các nhà khoa học TPHCM đang kiểm tra các tấm pin mặt trời trước khi vận chuyển ra lắp đặt tại Trường Sa.

Năng lượng sinh khối thì hiệu suất còn thấp (8%-15%), nên việc cần làm là cải tiến hiệu suất cháy và truyền nhiệt. Các dạng năng lượng tái tạo khác mới chỉ thực hiện ở dạng trình diễn, thí điểm hoặc lập báo cáo...

Theo ông, ta đang gặp những khó khăn gì trong việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo này?

- Hiện ta đang vướng một số khó khăn. Trước hết là do chi phí đầu tư để khai thác các nguồn năng lượng này cao hơn khai thác nguồn năng lượng truyền thống nhiều (từ 1,5 đến 10 lần). Các nguồn năng lượng tái tạo này lại phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ. Cơ sở dữ liệu để đánh giá, phân tích các nguồn này còn thiếu, tản mạn, không được cập nhật, thiếu kinh phí đầu tư cho điều tra nguồn sơ cấp. Như đối với năng lượng gió, ta đang thiếu nhiều dữ liệu. Hiện ta có khoảng 100 trạm khí tượng thủy văn của Bộ Tài nguyên - Môi trường, chỉ có thể đo tốc độ gió ở mức 10-12 m. Ngoài ra, một nguyên nhân rất quan trọng cần được giải quyết là cơ chế chính sách về vấn đề này còn chưa đủ mạnh để hỗ trợ phát triển, các giải pháp, biện pháp thực hiện còn yếu, thiếu, chưa đồng bộ nên chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Vậy theo ông, ngành năng lượng tái tạo đang chờ đợi những gì từ phía Nhà nước?

- Chúng tôi đang vừa làm vừa chờ đợi Nhà nước đưa ra những chính sách cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư, như hỗ trợ cho nhà đầu tư, ưu đãi cho người mua điện. Nước ta hiện chưa có một chính sách cụ thể nào trong vấn đề này... Nếu cứ như cơ chế hiện nay, giá thành 7-8 cent/KWh nếu sản xuất bằng gió, trong khi giá điện hiện nay là 5,5 cent thì nhà đầu tư lỗ. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhiều hơn, các nhà đầu tư mới mạnh dạn bước vào.

Cụ thể, đến nay ta chưa có nhà máy điện gió nào theo kiểu nhà đầu tư nước ngoài hoặc trong nước đầu tư để phát triển, chỉ có sự hỗ trợ của nước ngoài để phát triển, dự án lớn nhất là 800 KW ở Bạch Long Vĩ về gió. Thủy điện nhỏ thì phát triển nhiều, các doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân cũng tham gia nhiều vì giá đầu tư không quá cao, có lợi nhuận.

Qua hội thảo này, theo ông, có triển vọng gì từ phía Pháp trong việc hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo ở VN?

- Nếu chưa vượt qua được những khó khăn nói trên thì chưa thu hút được đầu tư nước ngoài. Pháp là nước có tiềm năng phát triển và có sự nhiệt tình, quan tâm đến việc phát triển năng lượng ở VN. Về phát triển năng lượng tái tạo, Pháp có tiềm năng trong lĩnh vực chế tạo thiết bị. Nhưng họ còn đang trao đổi tìm ra giải pháp, hướng đi. Hội thảo lần này nhằm giới thiệu tiềm năng và thể hiện sự quan tâm của họ.

Theo Người Lao động