Sự kiện

EVN không độc quyền cho thuê cột điện

Thứ ba, 31/3/2009 | 09:55 GMT+7
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Lâm-Trưởng Ban Viễn thông và Công nghệ thông tin (Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN) trả lời trước báo chí về việc các doanh nghiệp viễn thông phản ánh EVN “độc quyền” nên nâng giá cho thuê cột cao gấp 4-8 lần giá cũ để “bắt chẹt” doanh nghiệp chiều ngày 30/3.

Cột điện "oằn lưng" gánh vô khối "búi" cáp các loại

Thực tế cho thấy, nhiều năm trở lại đây, tình hình treo các loại cáp thông tin một cách tùy tiện, cẩu thả, thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông trên hệ thống cột điện phân phối của EVN đã gây nên rất nhiều tác hại trong xã hội, làm dự luận hết sức bức xúc, bất bình. Nhiều vụ tại nạn do cháy chập cáp viễn thông hoặc rơi dây cáp viễn thông từ hệ thống cột điện của EVN đã gây mất điện, chập điện làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành an toàn của hệ thống điện (gây mất điện trên diện rộng) và mỹ quan đô thị, nhiều tai nạn hi hữu do cáp viễn thông còn “siết cổ” người đi đường, gây nên những vụ chết người thương tâm.

Theo EVN, Tập đoàn không khuyến khích việc treo cáp viễn thông trên cột điện bởi lẽ: Hệ thống cột điện được xây dựng nhằm mục đích truyền tải, cung cấp điện cho người dân một cách an toàn, liên tục. Tuy nhiên, những năm qua, vì lợi ích cộng đồng, EVN đã chia sẻ hạ tầng hệ thống cột điện của mình với các doanh nghiệp viễn thông bằng cách đồng ý cho họ treo dây cáp trên hệ thống cột điện. Đặc biệt với tuyến cáp phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, các vùng viễn thông công ích và các chương trình giáo dục, EVN không thu phí.

Chỉ đến khi nhận thấy sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông nên cách đây 6 năm (năm 2003), EVN mới bắt đầu tính phí cho thuê cột điện. Đơn giá tại thời điểm năm 2003-2004 là 3.500 đồng/cột/tháng chỉ mang tính tượng trưng nhằm mục đích là các doanh nghiệp viễn thông có ý thức, trách nhiệm đối với ngành điện và xã hội. Điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông được treo cáp là tuyến cáp phải có thiết kế và xin phép các điện lực địa phương để họ theo dõi, nắm bắt được loại kết cấu cột điện và tải trọng treo cáp cho phép, tránh tình trạng cột điện bị quá tải do có quá nhiều tuyến cáp “đè nặng”. Thực tế, nhiều doanh nghiệp không hợp tác, không tuân thủ các quy định về quy trình treo cáp đã “giăng” vô số sợi cáp trên cột điện, trong đó có nhiều loại cáp đã không sử dụng từ lâu, vô chủ, nhưng không được gỡ xuống, làm hệ thống cột điện của EVN ngày càng rối răm với hết “búi” to, “búi” nhỏ cáp điện thoại, internet, truyền hình cáp….

Do đó, để tăng cường công tác quản lý cột điện, đảm bảo hệ thống điện vận hành liên tục, an toàn cho công nhân làm nhiệm vụ và đặc biệt là người dân, EVN đã yêu cầu các điện lực chấn chỉnh và kiểm soát việc treo cáp thông tin trên cột điện. Cụ thể, các doanh nghiệp viễn thông chỉ được phép treo cáp nếu có đủ thiết kế trong điều kiện cột điện đủ điều kiện kỹ thuật cho phép và ký hợp đồng treo cáp, thực hiện điều chỉnh đơn giá thuê cột. Nếu như các doanh nghiệp cho rằng đơn giá EVN đưa ra là cao thì doanh nghiệp có thể tự tìm cách treo cáp của mình, không thuê cột điện của EVN. Bởi lẽ, theo khẳng định nhiều lần của ông Lâm tại cuộc họp báo thì EVN không khuyến khích các doanh nghiệp treo cáp viễn thông trên cột điện. Mục đích chính của cột điện vẫn là để truyền tải hệ thống điện đến người dân một cách an toàn, liên tục, đảm bảo mỹ quan đô thị./.

T.P