Sự kiện

Vận hành các hồ chứa thuỷ điện: Tăng cường sự phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương

Thứ hai, 15/11/2010 | 08:37 GMT+7

Thuỷ điện là một trong những nguồn năng lượng sạch có giá thành rẻ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn năng lượng hoá thạch, không tái tạo ngày càng cạn kiệt. Việc vận hành các hồ chứa thuỷ điện có vai trò rất quan trọng đối với công tác chống hạn và phòng chống lụt bão. Tại hội thảo Công tác vận hành các hồ chứa thuỷ điện do Bộ Công Thương tổ chức vào sáng 13/11, đại diện chủ đầu tư các nhà máy thuỷ điện, UBND các tỉnh nơi có công trình thuỷ điện đều cho rằng, để phát huy có hiệu quả việc vận hành các hồ chứa cần tăng cường sự phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương.

Thủy điện Đa Nhim

* Từ quản lý…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, 32 dự án thuỷ điện vừa và lớn với tổng công suất lắp máy 7.303,6 MW và 86 nhà máy thuỷ điện nhỏ với tổng công suất lắp máy khoảng 474,8MW đã đóng góp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 35% công suất.

Ngoài mục tiêu phát điện, các nhà máy thuỷ điện còn có nhiệm vụ cắt và chống lũ cho hạ du trong mùa mưa bão; đồng thời cung cấp nước cho hạ du phục vụ nhu cầu dân sinh trong mùa kiệt. Quy trình vận hành các hồ chứa thuỷ điện được xây dựng và ban hành căn cứ vào nhiệm vụ công trình và phù hợp với quy hoạch lưu vực sông và quy hoạch bậc thang thuỷ điện. Đối với 32 hồ chứa thuỷ điện hiện đã ban hành đầy đủ quy trình vận hành và 3 quy trình vận hành liên hồ chứa.

Đánh giá của các Đoàn kiểm tra công tác vận hành tại các công trình thuỷ điện trong toàn quốc cũng cho thấy chủ đầu tư các nhà máy thuỷ điện đã thiết lập được mối quan hệ khá chặt chẽ với địa phương, chủ động gửi thông báo tình hình xả lũ đến tận cấp huyện, xã tại địa phương bị ảnh hưởng khi xả lũ để phối hợp phòng tránh thiệt hại cho dân. Trước khi xả lũ đều thực hiện theo đúng quy trình quy định và chủ động phối hợp với các đài khí tượng thuỷ văn khu vực để dự báo thuỷ văn cho công trình.

Không những thế, một số đơn vị đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tự động thu thập thông tin vận hành truyền về tất cả các nhà máy trên cùng một lưu vực sông. Đây là giải pháp rất hiệu quả trong việc chủ động thu thập số liệu vận hành của các công trình trên bậc thang, kịp thời đưa ra những quyết định phù hợp trong quá trình vận hành.

Đặc biệt, có đơn vị còn thiết lập những trạm đo thuỷ văn để nâng cao tính chủ động kiểm soát lũ và điều tiết một cách hiệu quả công trình. Ở những công trình đã đưa vào vận hành lâu năm, công tác quan trắc an toàn đập thực hiện tương đối bài bản.

*… đến thực tiễn

Hồ Hoà Bình hiện nay là hồ thuỷ điện lớn nhất Việt Nam với dung tích 5,6 tỷ m3, phục vụ mục tiêu đa chức năng, trong đó vị trí số 1 là chống lũ. Hàng năm, với các trận lũ lớn từ 5000m3/s trở lên, Hoà Bình tham gia cắt lũ rất tốt. Bên cạnh đó, hồ còn phục vụ tưới tiêu cho đồng bằng Bắc bộ. Ông Mai Văn Biểu, Công ty Thuỷ điện Hoà Bình cho biết, mặc dù Công ty chấp hành nghiêm chỉnh quy trình vận hành hồ chứa nhưng nếu trong những điều kiện bất khả kháng phải xả một lưu lượng vượt quá khả năng, khi đó, sẽ phải tính đến việc toàn bộ dân ở thành phố Hoà Bình phải sơ tán.

Công ty Thuỷ điện Ialy quản lý 3 công trình: Pleikrông, Sê San 3A và Ialy, với các hồ Yaly và Pleikrông. Phó Giám đốc Công ty Đoàn Tiến Cường nhấn mạnh, trước khi công ty xả lũ đều có thông báo tới UBND các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và chính quyền địa phương, đây là điều bắt buộc. Mặc dù vậy, do đặc thù đồng bào sống ven sông chuyên đánh bắt cá, nên khi xả lũ không thể tránh được thiệt hại.

Công trình thuỷ điện A Vương cũng giống như các công trình thuỷ điện khác ở miền Trung nằm ở khu vực sông suối ngắn, lòng sông hẹp, độ dốc lớn  nên khi có mưa to là lũ về hồ rất nhanh làm mực nước hồ tăng rất cao trong một thời gian ngắn. Tổng Giám đốc Công ty CP Thuỷ điện A Vương Nguyễn Trâm khẳng định: Hồ A Vương cũng như các hồ thuỷ điện khác trong cả nước không thể tự gây ra lũ do xả với lưu lượng ít hơn lưu lượng nước về. Trong qúa trình vận hành xả lũ, công ty đều chấp hành nghiêm quy trình cho phép và tự chịu trách nhiệm. Công ty đã hoàn thành quy chế phối hợp giữa công ty với Ban Chỉ huy (BCH) Phòng chống lụt bão (PCLB) Quảng Nam, BCH PCLB&TKCN thành phố Đà Nẵng trong vận hành hồ chứa thuỷ điện A Vương mùa lũ hàng năm và được các bên có liên quan thảo luận, dự kiến sẽ ký kết trong tháng 11 này.

Ngoài ra, Công ty đã phối hợp với huyện uỷ, UBND huyện Đại Lộc thực hiện 20 đợt truyền thông cộng đồng cho 600 cán bộ cấp huyện và 18 xã; đồng thời cử quan sát viên cộng đồng tham gia trực ngay tại đập hồ trong mùa mưa bão. Nhờ vậy, qua công tác diễn tập, kết quả quan trắc tại đập cũng như kiểm tra thực tế tại hiện trường, nhà máy thuỷ điện A Vương đều đang vận hành an toàn, ổn định, sẵn sàng trong mùa mưa bão 2010.

Công trình thuỷ điện Srêpôk 4  là bậc thang thuỷ điện cuối cùng trong Tổng sơ đồ Quy hoạch điện VI. Đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển Điện Đại Hải, chủ đầu tư Nhà máy Thuỷ điện Srêpôk 4 cho biết, với tổng dung tích 25,4 triệu m3, hồ chứa thuỷ điện Srêpôk 4 có nhiệm vụ chính là điều hoà dòng chảy cho hạ du sông Srêpôk. Trước khi xả lũ, nhà máy đã gửi thông báo bằng văn bản, fax, điện thoại, còi báo hiệu về mức xả, thời gian xả, thông tin về thuỷ văn hồ chứa và dự báo về mức xả trong thời gian sớm nhất, nhằm cảnh báo kịp thời  đến các dân cư sinh sống hai bên bờ sông khu vực hạ du hồ chứa. Cùng với quy chế phối hợp với địa phương, trong suốt quá trình xả lũ cũng như sau khi kết thúc lũ, BCH PCLB Nhà máy thường xuyên liên lạc, cung cấp thông tin về tình hình lũ hồ chứa, tình hình thời tiết trên lưu vực hồ chứa cho UBND huyện Buôn Đôn, Cư Jut.  Hàng năm, nhà máy còn lập kế hoạch phối hợp cùng UBND hai huyện kiểm tra toàn bộ khu vực hạ du trước mùa mưa lũ để đảm bảo dòng chảy thoát lũ thông thoáng, không có vật cản lớn gây mất an toàn cho công tác xả lũ; đồng thời đảm bảo vận hành tốt hồ chứa thuỷ điện trong mọi trường hợp.

* Xây dựng quy chế phối hợp đồng bộ

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương khẳng định, một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt những năm gần đây không phải do các hồ thuỷ điện.

Để vận hành hồ chứa thuỷ điện có hiệu quả trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu các chủ đầu tư phải tuân  thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định của quy trình vận hành; đồng thời phối hợp với địa phương xây dựng các quy định thông báo, thiết lập hệ thống cảnh báo lũ dọc sông ở những khu vực hạ du xa công trình hay như tham gia vào BCH PCLB của địa phương và mời địa phương tham gia vào BCH PCLB của nhà máy. Mặt khác cần có sự phối hợp giữa các chủ hồ trong cùng một lưu vực sông khi chưa có quy trình vận hành liên hồ chứa.

Các ý kiến tham gia hội thảo cũng đều khẳng định cần tăng cường sự phối hợp giữa các bên có liên quan trong vận hành hồ chứa thuỷ điện, do vậy cần phải xây dựng quy chế phối hợp đồng bộ giữa chủ đầu tư, địa phương và các ban ngành có liên quan; quy chế chia sẻ thông tin giữa các công trình. Đối với việc các chủ hồ đập không chấp hành đúng quy trình vận hành, các cấp phải xây dựng được quy định xử phạt rõ ràng; đồng thời hàng năm phải điều chỉnh quy trình cho phù hợp với thực tế.

Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) đưa ra ý kiến: chủ các hồ thuỷ điện phải chủ động làm việc với cơ quan tư vấn và thuỷ văn trong việc điều hành xả lũ; đồng thời thông báo với các chủ hồ chứa khác để tất cả các bên cùng phối hợp với địa phương trong xả lũ. Đặc biệt thông báo rộng rãi tới công luận và người dân để minh bạch quá trình xả lũ.

Phó Giám đốc Công ty Thuỷ điện Ialy Đoàn Tiến Cường kiến nghị: hiện nay, lũ về rất nhanh do rừng tự nhiên bị tàn phá quá nhiều, do vậy cần phải bảo tồn và phát triển rừng; trong đó, các chủ hồ thuỷ điện phải có trách nhiệm tham gia trồng rừng.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhận định, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các chủ đầu tư hồ chứa thuỷ điện cũng cần tăng cường các trạm đo quan trắc ở lưu vực sông để dự báo tình hình một cách xác thực hơn. Bộ Công Thương tiếp tục rà soát danh mục các nhà máy thuỷ điện nhỏ để loại ra khỏi quy hoạch những dự án hiệu quả không cao./.

Mai Phương