Sự kiện

Yên Trung ngày tôi đến

Thứ sáu, 13/2/2009 | 09:01 GMT+7
4 xã của Hòa Bình được chuyển về Hà Nội, có 3 xã sáp nhập vào huyện Thạch Thất. Trong đó, Yên Trung là  xã khó khăn nhất. Nhưng chỉ sau hơn một tháng chuyển về Hà Nội, 2 thôn cuối cùng của Yên Trung là thôn Hội và thôn Hương đã được cấp điện lưới Quốc gia.
 
Cột và dây do hộ dân tự làm tại thôn Lặt - xã Yên Trung 
Xã Yên Trung cách trung tâm huyện Thạch Thất khoảng 40 km về phía Tây với diện tích 15,3 km2, dân số 3.291 người. Mặc dù diện tích đất tự nhiên lớn, nhưng diện tích đất trồng lúa và hoa màu chỉ vào khoảng 500 ha, còn lại chủ yếu là đồi núi cao. Giao thông đi lại rất khó khăn. Ô tô chỉ đi vào được tới trung tâm xã và một số thôn trong mùa nắng. Dân cư phân bố thưa thớt, nhà nọ cách nhà kia hàng trăm mét. Ðặc biệt, có những hộ cách nhau hơn 1 km. Thu nhập của người dân thấp (bình quân khoảng 3 tạ thóc/người/năm). Do giao thông khó khăn, nên giá nông sản tại đây rất thấp, (sắn tươi, khoai lang chỉ khoảng 500 đồng/kg). Tổng số tiền ngân sách nhà nước cấp cho UBND xã để chi trả lương và các hoạt động của xã khoảng 1,5 tỷ đồng/năm (trong đó tiền thu nộp ngân sách tại địa phương chỉ đạt 93 triệu đồng/năm).  

Trước khi chuyển về Hà Nội, 5 thôn của xã Yên Trung đã có điện, nhưng hầu hết lưới điện là do hộ dân tự làm với dây, cột, công tơ đủ chủng loại. Xã chỉ có duy nhất một nhóm người tự gọi là “thầu khoán”, nhận với Chi nhánh điện Lương Sơn (Hòa Bình) cung cấp điện cho người dân. Do không có chuyên môn về điện, nên “thầu khoán” không kiểm soát được các hộ dân trong việc xây dựng đường dây, lắp đặt công tơ. Chính vì vậy, tổn thất điện năng tại đây thường là 35% - 40%. Ông Nguyễn Tiến Buông - Chủ tịch UBND xã Yên Trung cho biết: Xã có 7 thôn, nằm trong diện “135” của Chính phủ, tức là xã đặc biệt khó khăn. Trong đó 5 thôn của xã đã có điện, nhưng chỉ sáng vào ban ngày, khi các hộ dân đi làm đồng. Từ 17 đến 21giờ hằng ngày là điện rất kém, không sử dụng được. Một số gia đình khá giả thì mới có bộ ắc quy nạp để dùng vào những giờ cao điểm. Từ khi xã được chuyển về Hà Nội, 2 thôn còn lại chưa có điện là thôn Hương, thôn Hồi đã được Thành phố, trực tiếp là Chi nhánh điện Thạch Thất quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và bán điện trực tiếp đến hộ dân. Riêng thôn Ðầm Bối, là một trong 5 thôn có điện do “thầu khoán” quản lý cũng đã được bàn giao cho Chi nhánh điện Thạch Thất, nên lưới điện đã được cải tạo cơ bản, chất lượng điện được nâng lên đáng kể, tổn thất điện năng giảm rõ rệt (trước khi bàn giao, tổn thất 35%, hiện chỉ còn 16%). 4 thôn còn lại, vì một số lý do, “thầu khoán” chưa muốn bàn giao cho Chi nhánh điện quản lý. Tại các thôn có lưới điện do Chi nhánh quản lý, nhân dân rất phấn khởi vì chất lượng điện được đảm bảo, được thợ điện hướng dẫn cách sử dụng điện an toàn, hiệu quả. Hiện tại, Ðảng ủy, Ủy ban nhân dân và các tổ chức chính trị, xã hội của xã đang tích cực tuyên truyền, thực hiện nhiều biện pháp khác để “thầu khoán” sớm bàn giao lưới điện cho Chi nhánh điện Thạch Thất.

Tại xã Yên Trung, một số thôn có điện từ những năm 2004, 2005, nhưng thực chất, ngay từ ban đầu, lưới điện đã chắp vá, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nên không đáp ứng được yêu cầu về điện của nhân dân. Hơn nữa, giao thông chưa phát triển nên ảnh hưởng lớn đến giao thương nông sản, hàng hóa của xã với các thành thị, địa phương khác. Trong hoạt động kinh tế của xã Yên Trung, việc “tự sản, tự tiêu” đã làm cho người nông dân kém phát triển về kinh tế và các mặt hoạt động xã hội khác. Ông Nguyễn Văn Ðịnh, Trưởng thôn Hương, cho biết: Trước khi chuyển về Hà Nội, thôn Hương và thôn Hội chưa có điện. Dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp. Với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lại không có các dịch vụ buôn bán, trao đổi nên sản xuất và các hoạt động kinh tế trong thôn hầu như không phát triển. Vậy mà chỉ trong vòng hơn một tháng kể từ ngày người dân 2 thôn trở thành người Hà Nội, chúng tôi đã có điện. Không thể tả hết được niềm vui của nhân dân thôn Hương, thôn Hội trong ngày khánh thành Trạm, đưa điện  lưới Quốc gia về thắp sáng nơi đây. Một số nhà đã đổi thóc lấy ti vi, đổi sắn lấy quạt điện (mặc dù phải đổi với giá rất cao), trẻ em đã có điện thắp sáng để học bài. Chúng tôi rất biết ơn Chính phủ và ngành Ðiện đã quan tâm đến nhân dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là đã mang điện thắp sáng cho thôn Hương, thôn Hội”.

Trạm biến áp phân phối được xây dựng để cung cấp điện cho thôn Hương, thôn Hội.

Từ trụ sở xã Yên Trung đến thôn Lặt khoảng chừng 5 km. Chiếc xe 2 cầu của Chi nhánh điện Thạch Thất chỉ đi được gần 3 km thì phải dừng lại vì đường xấu và hẹp. Ðể tới được thôn Lặt, chúng tôi phải leo qua 2 dốc cao, dài hàng trăm mét. 11 giờ trưa, trời vẫn âm u, dọc đường, những người dân đang gánh sắn về nhà. Trời se lạnh, nhưng trên gương mặt của người nông dân thôn Lặt vẫn lấm tấm mồ hôi. Anh Nguyễn Văn Ðịnh (người dân trong thôn) của thôn cho biết: Sắp tới, lưới điện được giao cho Chi nhánh điện quản lý, chúng tôi rất vui vì sẽ được hưởng giá điện theo giá quy định của Chính phủ (550 đồng/kWh cho 100 kWh đầu tiên). Còn hiện giờ, người dân thôn Lặt phải mua điện từ “thầu khoán” với giá 1.400 đồng/kWh, giá cao mà chất lượng điện rất kém. Chính vì vậy, nhân dân thôn Lặt rất muốn lưới điện được bàn giao cho Chi nhánh điện quản lý.

Ðối với Thạch Thất, đây là lần thứ 2 chuyển về Hà Nội, nhưng lần này được nhận thêm 3 xã của Hòa Bình. Chỉ riêng diện tích của 3 xã đã chiếm 55% tổng diện tích toàn huyện. Ông Nguyễn Ðình Báu, Trưởng Chi nhánh điện Thạch Thất, người đã có gần 30 năm làm việc trong ngành Ðiện, tâm sự: Lưới điện của Thạch Thất cũng đã cũ nát. Hiện tại, Chi nhánh nhận thêm 3 xã của Hòa Bình, có diện tích rất lớn nên việc tiếp nhận lưới điện hạ áp càng khó khăn hơn. Sau khi khảo sát tại 3 xã, cho thấy lưới điện tại đây nhiều năm không được đầu tư cải tạo, sửa chữa. Hệ thống công tơ nhiều chủng loại, lắp đặt tùy tiện, đo đếm không chính xác, tổn thất điện năng rất cao. Vừa qua, Chi nhánh đã tiếp nhận lưới điện hạ áp thôn Ðầm Bối (xã Yên Trung) để làm thí điểm. Công tác đầu tư cải tạo cơ bản cho lưới điện tại đây rất tốn kém vì hộ dân thưa nên lưới điện trải rộng, bán kính cấp điện xa… Việc đầu tiên là thay toàn bộ công tơ và những khoảng dây không đảm bảo kỹ thuật cũng đã tốn hàng trăm triệu đồng. Sau đó sẽ phải cấy thêm trạm thì mới đảm bảo chất lượng điện. Trong khi đó, các hộ dân sử dụng điện rất ít, hầu hết là chưa đến 100 kWh/ tháng/hộ. Như vậy, đầu tư sẽ không đạt hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa của Thành phố, Chi nhánh điện Thạch Thất phấn đấu đến hết năm 2010 sẽ thực hiện xong xóa bán tổng tại các xã này, góp phần thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của Thủ đô.

Theo Tạp chí Điện lực