Sự kiện

"Ngành Điện phải chuyển sang thị trường, nhưng cần chính sách đồng bộ ..."

Thứ tư, 18/11/2009 | 09:40 GMT+7

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 13/10, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhằm kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 3, TW 9 (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Phân cấp mạnh trong quản lý, điều hành

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đào Văn Hưng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT EVN cho biết: Kể từ khi chuyển đổi mô hình tổng công ty nhà nước sang hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế, trong quản lý, điều hành, EVN đã thực hiện phân cấp mạnh, không trực tiếp can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào hoạt động của các công ty con, mà định hướng hoạt động thông qua người đại diện phần vốn góp của mình và giao cho đơn vị thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng như: Vốn đầu tư, điện thương phẩm… Việc phân cấp mạnh hay nói cách khác là tăng quyền tự quyết cho các đơn vị đã khuyến khích tính tự chủ, chủ động, tự chịu trách nhiệm và phát huy hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Bên cạnh đó, sau khi thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) các đơn vị, mô hình tổ chức Đảng của các đơn vị có đặc điểm riêng ở từng khu vực, loại hình. Với khoảng 10.000 đảng viên trong toàn quốc, hầu hết các đảng bộ, chi bộ của các đơn vị thành viên không có sự biến động lớn về tổ chức và hoạt động. Các cấp ủy đảng vẫn giữ được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, công tác xây dựng đảng từng bước được kiện toàn, vai trò của các đoàn thể chính trị được phát huy.

Huy động gần 2.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa

Từ năm 1999 đến nay, EVN đã hoàn thành CPH, chuyển 30 đơn vị thành công ty cổ phần. Hiện nay, EVN đang tiếp tục thực hiện CPH 5 đơn vị thành viên gồm 3 công ty phát điện và 2 đơn vị khác. Đánh giá lợi ích công tác CPH của EVN, Chủ tịch HĐQT EVN Đào Văn Hưng khẳng định: Sau 10 năm thực hiện, CPH đã xóa bỏ độc quyền, đa dạng hóa hình thức sở hữu, đầu tư và kinh doanh điện, huy động các nguồn lực trong xã hội vào lĩnh vực SXKD điện năng; huy động được một lượng vốn lớn (1.955 tỷ đồng) của xã hội. Các cổ đông bên ngoài tham gia quản lý các đơn vị ngành Điện cũng tạo sự minh bạch, khách quan hơn. Nhìn chung, sau CPH, các công ty cổ phần đều hoạt động kinh doanh có lãi, hướng phát triển tốt, đời sống, thu nhập người lao động được nâng cao, có sự gắn bó mật thiết với đơn vị.

Cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện năng

Thời gian qua, EVN cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân thời kỳ 1995-2008 đạt gần 15%. Đến năm 2008, tổng công suất khả dụng của cả nước đạt 12.636 MW, tăng 4,5 lần so với năm 1995 (2.800 MW). Tập đoàn đã đưa vào vận hành thêm 15 nhà máy điện lớn (tổng công suất 6.132 MW), 306.000 km đường dây và 89.600 MVA dung lượng TBA ở các cấp điện áp. Tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm từ 21,5% năm 1995 xuống 9,21% năm 2008. Tính đến 30/6/2009, EVN đã đưa điện về 100% số huyện, trên 97% số xã và gần 95% số hộ nông dân sử dụng điện lưới quốc gia, chỉ tiêu này cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, kể cả các nước có GDP cao hơn nước ta như Indonesia (53% - tỉ lệ hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia), Ấn Độ (43%), Pakistan (53%)…

Ngành Điện phải chuyển sang thị trường…

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Chủ trương sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN đã được EVN thực hiện nghiêm túc và đạt được một số kết quả quan trọng. Vốn của EVN tăng đáng kể; tài sản, đội ngũ CBCNV đều lớn mạnh; giải quyết tốt công ăn việc làm cho người lao động. EVN vẫn giữ vai trò chủ lực của ngành Điện Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại trong quá trình thực hiện chủ trương này. Đó là, việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm, chưa hoàn thành sắp xếp lại các công ty thành viên. Năng lực đáp ứng yêu cầu về điện, vươn lên tầm quốc tế còn chưa cao. Các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành Điện chưa phát triển xứng tầm. Mô hình Tập đoàn đã định hình, đi vào hoạt động, nhưng vẫn còn một số mặt cần tiếp tục hoàn thiện… EVN phải phân tích, chỉ ra được nguyên nhân khách quan và chủ quan của những tồn tại trên để tiếp tục phát triển.

Theo Phó Thủ tướng: “EVN cần tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cấp hơn nữa để tiếp tục là tập đoàn công nghiệp điện đủ sức giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, nhưng trước hết cần làm tốt nhiệm vụ được giao trong Quy hoạch điện VI.” Riêng vấn đề thị trường điện và giá điện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Ngành Điện phải chuyển sang thị trường. Nếu tiếp tục giữ giá điện như hiện nay thì khó có thể đảm bảo đủ điện, nên phải giải quyết giá điện và giá than (giá đầu vào của điện). Song việc thực hiện xây dựng thị trường điện cạnh tranh không thể nóng vội trong ngày một ngày hai, mà phải có chính sách đồng bộ mới giải quyết được.

Theo: Tạp chí Điện lực