Chuyển đổi số trong EVN

PC Sơn La: Chuyển đổi số mọi mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh

Thứ bảy, 18/2/2023 | 11:00 GMT+7
Trong những năm qua, bên cạnh việc luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh (SXKD) mà Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao, Công ty Điện lực (PC) Sơn La còn tập trung hướng tới mục tiêu chuyển đổi số để nâng cao chất lượng điện năng, đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế địa phương.


Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân (thứ nhất bên phải) tới thăm và làm việc với PC Sơn La.

Đồng thời, Công ty luôn nỗ lực đem đến sự hài lòng cho khách hàng thông qua chất lượng dịch vụ hoàn hảo.

Hiện nay, PC Sơn La đang thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện năng cho 11 huyện và 01 thành phố với hơn 337.000 khách hàng sử dụng điện. Thực hiện chỉ đạo chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, toàn Công ty đã và đang không ngừng tích cực áp dụng công nghệ, đồng thời số hóa mọi mặt hoạt động SXKD nhằm nâng cao chất lượng quản lý, cũng như đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cao.

Theo đó, từ năm 2021 đến nay là khoảng thời gian trọng tâm PC Sơn La thực hiện kế hoạch chuyển đổi số. Giờ đây, Công ty đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu lưới điện 110 kV, cũng như lưới điện trung và hạ thế với 100% thiết bị trên lưới được số hóa qua phần mềm hệ thống quản lý kỹ thuật. Cụ thể, PC Sơn La đã chuyển đổi vận hành cho 06 TBA 110 kV từ mô hình có người trực sang mô hình trạm không người trực. Do vậy, mọi thao tác trong quá trình vận hành đều được điều khiển từ xa và giám sát online 24/24h đối với tất cả các thiết bị.

Ngoài ra, Công ty còn tiến hành xây dựng mạch vòng tự động hóa lưới điện trung áp. Tính đến thời điểm hiện tại, lưới điện 22 kV trên địa bàn Thành phố Sơn La đã được xây dựng mô hình vận hành trên phần mềm SP5. Việc vận hành tự động hóa đã giúp PC Sơn La nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đồng thời giảm thiểu chi phí vận hành, giúp tự động khoanh vùng chính xác khu vực có sự cố một cách nhanh chóng nhất.

PC Sơn La số hóa mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng quản lý hệ thống điện.

Hiện nay, công tác sửa chữa, bảo dưỡng hệ thông lưới điện tại PC Sơn La đã không chỉ dựa trên các điều kiện thực tế mà còn được khai thác tiện lợi dữ liệu qua các ứng dụng, phần mềm để sớm phát hiện các nguy cơ có thể gây ra sự cố. Thời gian qua, Công ty đã tổ chức huấn luyện, hướng dẫn cho công nhân viên trong đơn vị sử dụng máy đo phóng điện cục bộ PD; Ứng dụng camera nhiệt, Flycam và cập nhật lên phần mềm số hóa… Đáng chú ý, PC Sơn La còn đẩy mạnh mạnh ứng dụng thiết bị bay không người lái được gắn camera vào công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, giám sát vận hành: Trạm biến áp không người trực, đường dây, định vị sự cố tại những khu vực con người khó tiếp cận. Cùng với đó, Đơn vị cũng tập trung ứng dụng công nghệ sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện hotline; Quản lý thông tin bản đồ GIS, giám sát cảnh báo sét… để nâng cao khả năng truyền tải, độ tin cậy và độ ổn định của hệ thống điện.

Đối với hệ thống đo đếm, PC Sơn La cũng đã triển khai lắp đặt công tơ điện tử đo xa tại 3.280/3.423 TBA phân phối và chuyên dùng, đạt tỷ lệ 96%. Ngoài ra, Công ty còn lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu đo xa đối với 204 nghìn công tơ điện tử, đạt tỷ lệ 98,77%. Công nghệ này đã phục vụ đắc lực cho công tác kinh doanh và quản lý kỹ thuật đối với ngành Điện Sơn La như: Tự động ghi chỉ số tiêu thụ; Tự động tính toán hóa đơn tiền điện; Thực hiện giám sát, quản lý vận hành lưới điện từ xa và đặc biệt là giúp phát hiện nhanh các hiện tượng mất điện hoặc thấp/quá áp, non/quá tải, thiếu/quá bù công suất phản kháng để kịp thời xử lý. Mặt khác, khách hàng cũng có thể chủ động theo dõi và kiểm soát số lượng điện năng tiêu thụ trong gia đình thông qua ứng dụng EVNNPC.CSKH trên điện thoại thông minh.

Riêng trong lĩnh vực đầu tư và đấu thầu, PC Sơn La cũng đã tích cực chuyển đổi số theo hướng áp dụng nhật ký thi công điện tử, biên bản nghiệm thu điện tử và áp dụng chữ ký số trong công tác quản lý dự án trên phần mềm quản lý đầu tư xây dựng IMIS. Hiện nay, 100% số lượng các gói thầu đều được Công ty thực hiện theo hình thức đấu thầu qua mạng.

Bên cạnh đó, PC Sơn La còn tích cực tham gia vào quá trình vận hành các hệ thống phần mềm khác như: Phần mềm quản trị hệ thống nhân sự HRMS; Vận hành phân hệ chi trả tiền lương của người lao động Paypoll thuộc phần mềm ERP; Áp dụng triệt để hệ thống văn phòng điện tử Digital-Ofice (D-Office); Phần mềm chấm điểm hoàn thành nhiệm vụ KPIs. Đặc biệt, Công ty đang triển khai dự án quản lý lưới điện trên bản đồ hành chính GIS; Quản lý nguồn và lưới điện (PMIS); Áp dụng chức năng giám sát dữ liệu mất điện thu thập từ hệ thống công tơ đo xa và trên phần mềm OMS; Triển khai phần mềm quản lý máy biến áp; Quản lý thông tin khách hàng…

Ông Trần Duy Trinh – Giám đốc PC Sơn La cho biết: Từ nay đến năm 2025, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. PC Sơn La xác định lấy con người làm trung tâm và tập trung xây dựng nguồn nhân lực chuyển đổi số thông qua công tác đào tạo, huấn luyện về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho người lao động, cũng như kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ công nghệ thông tin. Đồng thời, Đơn vị cũng sẽ tiếp tục nâng cấp các phần mềm, phát triển thêm một số phần mềm mới, thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển của lưới điện thông minh, cũng như phục vụ khách hàng. Trong đó, trọng tâm là nâng cao năng lực quản lý và khai thác vận hành hiệu quả thiết bị đối với lưới điện 110 kV và phân phối; Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh điện năng...

Thông qua những bước đi bài bản, kết hợp với sự chỉ đạo quyết liệt từ Ban Lãnh đạo, sự nỗ lực, quyết tâm của mỗi CBCNV-NLĐ trong toàn Công ty, tin rằng, quá trình chuyển đổi số tại PC Sơn La sẽ tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, hiệu quả và toàn diện trong mọi mặt hoạt động. Qua đó, góp phần hoàn thành thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ được Tổng công ty giao, cũng như quảng bá và xây dựng hình ảnh người thợ điện Sơn La thân thiện, chuyên nghiệp, vì khách hàng.

Nhờ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số nên PC Sơn La đã hoàn thành toàn toàn diện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được giao. Kết thúc năm 2022, điện sản xuất của toàn Công ty đạt 18,29 triệu kWh, vượt hơn 14% kế hoạch; Tổng sản lượng điện thương phẩm đạt gần 723 triệu kWh; Tỷ lệ tổn thất điện năng thực hiện đạt 4,3%, giảm 0,45% so với kế hoạch giao và giảm 0,65% so với năm 2021; Giá bán điện bình quân đạt 1.914,68 đồng/kWh, tăng 14,18 đồng/kWh so với cùng kỳ; Độ tin cậy cung cấp điện không ngừng được cải thiện.

Link gốc

Theo: CN&TD