Phố Wall đón phiên điều chỉnh giảm

Thứ ba, 7/4/2009 | 16:35 GMT+7
Ngày 6/4, mối lo ngại về khối ngân hàng và nguy cơ đổ vỡ của thương vụ khối công nghệ, đã đẩy thị trường Mỹ mất điểm.
Hôm thứ Hai, trả lời phỏng vấn của truyền hình Reuters, tỷ phú George Soros cho biết, kinh tế Mỹ sẽ không phục hồi trong năm 2009, trong khi hệ thống ngân hàng về cơ bản sẽ không trả được nợ.

Ông George Soros cũng cảnh báo, đồng USD có thể sẽ đứng trước áp lực và có thể sẽ bị thay thế như là vị trí đồng tiền dự trữ của thế giới bởi một loại tiền đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - một rổ tiền tệ tổng hợp của đồng USD, Euro, Yên Nhật và Bảng Anh.

Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra thông báo, ngày 24/4 là thời hạn cuối cùng để các quỹ đầu tư tư nhân nộp đơn tham gia vào chương trình mua lại tài sản xấu của các ngân hàng.

Thông báo cũng nên rõ, các quỹ đầu tư tư nhân không cần thiết phải đáp ứng tất cả các điều kiện để có thể tham gia chương trình này như đã thông báo tháng trước. Động thái này cho thấy Bộ Tài chính đang muốn gấp rút đưa chương trình này thực hiện, nhằm loại bỏ các tài sản xấu khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.

Cổ phiếu khối ngân hàng mất 3,8%


Ngày 6/4, nhà sản xuất xe ôtô Ford đã đưa ra thông báo sẽ cắt giảm 38% tổng số nợ của hãng, tương đương 9,9 tỷ USD. Theo đó, Ford - nhà sản xuất ôtô duy nhất ở Mỹ không cần kêu gọi hỗ trợ vay khẩn cấp của Chính phủ Mỹ - sẽ chi 2,4 tỷ USD tiền mặt và 486 triệu cổ phiếu phổ thông để giảm số nợ xuống 15,9 tỷ USD, từ 25,8 tỷ USD.

Hãng này cũng thông báo đã đạt được thỏa thuận với công đoàn ngành ôtô để cắt giảm quỹ chăm sóc y tế. Chốt phiên, cổ phiếu của Ford tăng 16% lên 3,77 USD/cổ phiếu.

Liên quan đến thương vụ mua bán công ty trong khối công nghệ, Tập đoàn IBM vừa hạ giá chào mua cổ phiếu của Sun Microsystems xuống 9,4 USD/cổ phiếu, đưa thương vụ thâu tóm này xuống còn 7 tỷ USD. Trước đó, Wall Street Journal loan tin IBM chào mua cổ phiếu Sun Microsystems với giá từ 10-11 USD/cổ phiếu.

Được biết, kể từ khi có tin IBM đang đàm phán thâu tóm Sun Microsystems (Nasdaq-Java), cổ phiếu Java đã tăng lên 8,49 USD/cổ phiếu vào ngày 3/4, từ 4,97 USD/cổ phiếu ngày 17/3. Kết thúc phiên, cổ phiếu Java giảm 22,73% xuống 6,56 USD/cổ phiếu.

Chứng khoán Mỹ đã có phiên điều chỉnh giảm sau khi tăng điểm mạnh 4 tuần liên tiếp trước đó. Nhiều ý kiến nhận định của các chuyên gia lo ngại về sức khỏe hệ thống ngân hàng và nguy cơ thất bại của thương vụ IBM thâu tóm Sun Microsystems, là những nguyên nhân cơ bản kéo thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên này.

Chỉ số KBW Ngân hàng giảm 3,8%, trong đó cổ phiếu JPMorgan Chase hạ 3,7%, cổ phiếu Wells Fargo mất 6,7%, cổ phiếu Citigroup trượt 4,56%, cổ phiếu Bank of America giảm 1,58%...

Nhiều cổ phiếu khối công nghệ đã mất điểm trong ngày, trong đó cổ phiếu HP giảm 1,14%, cổ phiếu Cisco Systems trượt 3,52%, cổ phiếu IBM mất 0,65%,..
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 6/4: chỉ số Dow Jones mất 41,74 điểm, tương đương -0,52%, chốt ở mức 7.975,85.

Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 15,16 điểm, tương đương 0,93%, chốt ở mức 1.606,71.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 7,02 điểm, tương đương -0,83%, đóng cửa ở mức 835,48.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,3 tỷ cổ phiếu, thị trường có 2.098 cổ phiếu giảm điểm và có 923 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,05 tỷ cổ phiếu, thị trường có 1.866 cổ phiếu lên điểm và có 812 cổ phiếu mất điểm.

Chứng khoán châu Âu mất điểm vì khối ngân hàng, khai mỏ và ôtô

Cả ba chỉ số chính ở châu Âu đều giảm điểm hôm thứ Hai với biên độ dưới 1% giá trị. Cổ phiếu khối ngân hàng, khai mỏ và sản xuất ôtô đã dẫn đầu về biên độ giảm điểm, qua đó kéo thị trường đi xuống.

Chỉ số DJ Stoxx khối ngân hàng giảm 0,3%, trong đó cổ phiếu Credit Suisse hạ 5,3%, cổ phiếu Credit Agricole mất 2,1%, cổ phiếu UBS trượt 3,4%...

Cổ phiếu khối khai mỏ như Rio Tinto, BHP Billiton và Xstrata đã giảm từ 2,9-11%; cổ phiếu ngành sản xuất ôtô như BMW, Peugeot, Michelin mất từ 5,9-7,8%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 36,13 điểm, tương đương -0,9%, chốt ở mức 3.993,54. Khối lượng giao dịch đạt 2,3 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức hạ 0,8%, khối lượng giao dịch đạt 32,7 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp mất 0,98%, khối lượng giao dịch đạt 200triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á tăng điểm phiên thứ tư liên tiếp


Trong ngày, chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương đã tăng 0,6% lên 87,24 điểm, tăng 23% so với thời kỳ chứng khoán xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng hơn 5 năm - được thiết lập vào ngày 9/3/2009.

Chứng khoán Nhật khởi sắc phiên đầu tuần, đưa chỉ số Nikkei 225 lên mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2009.

Hy vọng những điều tồi tệ nhất đã qua đối với nền kinh tế Mỹ và cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu tăng điểm mạnh, là những nguyên nhân cơ bản giúp thị trường chứng khoán Nhật tăng điểm trong phiên này.

Trên thị trường tiền tệ, đồng Yên đã giảm 0,8% xuống 101,15 Yên/ 1 USD nên đã giúp cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn tăng điểm, trong đó cổ phiếu Mazda Motor tăng 10%, cổ phiếu Toyota lên 1,1%, cổ phiếu Panasonic tiến thêm 2,3%, cổ phiếu Canon tăng 1,6%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 108,09 điểm, tương đương 1,24%, chốt ở mức 8.857,93. Khối lượng giao dịch đạt 2,46 tỷ cổ phiếu, thị trường có 849 cổ phiếu lên điểm và có 754 cổ phiếu giảm điểm.

Chuyển qua thị trường khác, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc cho biết đã bán được 2,72 nghìn tỷ Won (2,1 tỷ USD) trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm với lãi suất 3,97%/năm. Các nhà đầu tư đã chào mua với số tiền lên đến 4,58 nghìn tỷ Won, tức cao hơn 1,7 lần giá trị chào bán trái phiếu.

Theo dự báo của giới phân tích, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc rất có thể sẽ giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản đối với đồng Won ở mức 2%/năm vào ngày 9/4 tới.

Trên thị trường tiền tệ, đồng Won phiên này đã tăng 2,4% lên 1.309,5 Won/ 1 USD - mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2009.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng có phiên giao dịch thành công khi chỉ số KOSPI lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2008. Kết thúc phiên, chỉ số này tăng 1,1%, chốt ở mức 1.297,85 điểm.

Trên thị trường Hồng Kông, nhờ đà tăng của cổ phiếu khối ngân hàng - mà dẫn đầu là biên độ tăng 5,3% của cổ phiếu HSBC - nên đã giúp chỉ số Hang Seng của tăng thêm 3,11%, chốt ở mức 14.998,04.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,48%. Chỉ số ASX của Australia nhích 0,61%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ tiến thêm 1,14%. Chỉ số Straits Times của Singapore lên 1,49%.
Theo: VnEconomy