Phố Wall tăng điểm vào phút cuối

Thứ năm, 26/3/2009 | 17:05 GMT+7

Ngày 25/3, chứng khoán Mỹ đã khởi sắc trở lại nhờ đợt tăng điểm trong 9 phút cuối ngày giao dịch.

Tối hôm thứ Ba, trong buổi họp báo lần thứ hai từ khi nhậm chức, ông Obama đã thông qua truyền hình để cố gắng thuyết phục người Mỹ về khoản dự chi ngân sách và kế hoạch giải cứu khối ngân hàng lên đến 3,55 nghìn tỷ USD (tương đương 25% GDP của Mỹ năm 2008), để kích thích kinh tế Mỹ và làm ổn định hệ thống tài chính.
 
Ông Obama cũng cho biết nền kinh tế Mỹ “đang có dấu hiệu phục hồi” và sự cần thiết phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái.
 
Trong một diễn biến đáng chú ý trong ngày 25/3, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán nhà mới xây ở nước này trong tháng 2/2009 đã tăng 4,7% lên 337.000 đơn vị (ngôi nhà, căn hộ), từ 322.000 đơn vị trong tháng 1/2009. Đây là tháng doanh số bán nhà ở Mỹ tăng mạnh nhất trong vòng 10 tháng qua.
 
Theo số liệu của Bộ này, giá trung bình 1 căn hộ, ngôi nhà mới xây trong tháng 2/2009 đã giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, xuống 200.900 USD/ngôi nhà, căn hộ.
 
Cùng ngày, Bộ Thương mại cho hay, số đơn đặt hàng lâu bền như ôtô, máy bay, đồ điện lạnh... tại các nhà máy ở Mỹ trong tháng 2/2009 đã tăng 3,4%, tương đương với giá trị 165,6 tỷ USD - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2007. Trong đó, số đơn đặt hàng máy móc tăng 13,5%, số đơn đặt hàng máy bay và linh kiện máy bay giảm 28,9%, số đơn đặt hàng ôtô và linh kiện giảm 0,6%...
 
Kết quả này đã nằm ngoài mong đợi của giới phân tích vì đây là lần đầu tiên số đơn đặt hàng lâu bền tăng lên sau 7 tháng suy giảm. Tháng 1/2009, số đơn đặt hàng lâu bền ở Mỹ đã giảm 7,3%.
 
Thị trường tăng điểm vào phút cuối
 
Ngày 25/3, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Bank of America, ông Kenneth Lewis cho biết ngân hàng của ông muốn trả lại khoản vay 45 tỷ USD từ “Chương trình giải trừ các tài sản xấu –TARP” trong tháng 4/2009, sau khi đã trải qua cuộc kiểm tra về tình trạng hoạt động của Chính chính Mỹ. Kết thúc phiên, cổ phiếu của Bank of America đã tăng 6,65% lên 7,7 USD/cổ phiếu.
 
Liên quan đến tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett, Standard & Poor's có thể sẽ hạ xếp hạng tín nhiệm về triển vọng của Berkshire Hathaway từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.
 
Theo Standard & Poor's, nếu giá trị chứng khoán mà tập đoàn Berkshire Hathaway tiếp tục phải đối mặt với áp lực giảm giá, thì định mức xếp hạng “AAA” của tập đoàn này có thể sẽ không giữ được.
 
Kết thúc phiên, cổ phiếu Berkshire Hathaway hạng A (BRK-A -NYSE) giảm 1,86% xuống 86.850 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu Berkshire Hathaway hạng B (BRK-B- NYSE) hạ 0,75% xuống 2.900 USD/cổ phiếu.
 
Chứng khoán Mỹ đã lên điểm phiên giao dịch hôm thứ Tư nhờ thông tin khả quan từ thị trường địa ốc và số lượng đơn đặt hàng lâu bền tăng mạnh.
 
Thị trường mở cửa ngày giao dịch với mức tăng 0,6% so với phiên trước đó. Cả ba chỉ số nhanh chóng tăng 2,5% trong hơn 1 giờ đầu phiên giao dịch sáng.
 
Tuy nhiên, từ 10h38 (giờ địa phương), cả ba chỉ số bắt đầu hình thành xu hướng đi xuống. Đến 14 giờ chiều, các chỉ số đã ở dưới ngưỡng giá trị của phiên trước đó, do giới đầu tư lo ngại về khả năng không thành công của phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ.
 
Tưởng chừng chứng khoán Mỹ lại có thêm ngày giảm điểm, thì đúng vào những phút cuối cùng của ngày giao dịch, cả ba chỉ số đã tăng vọt trở lại nhờ những đợt gom mua gia tăng mạnh mẽ của giới đầu tư.
 
Các cổ phiếu khối xây dựng đã tăng 2,2% sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu doanh số nhà mới xây, trong đó cổ phiếu Toll Brothers tăng 3,2%, cổ phiếu DR Horton tiến thêm 5,8%...
 
Cổ phiếu IBM đã giảm 0,4% xuống 97,95 USD/cổ phiếu sau khi hãng này công bố sẽ cắt giảm 5.000 lao động tại Mỹ. Hiện IBM có khoảng 115.000 lao động trên toàn thế giới.
 
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 25/3: chỉ số Dow Jones tăng 89,84 điểm, tương đương 1,17%, chốt ở mức 7.749,81.
 
Chỉ số Nasdaq phiên này lên 12,43 điểm, tương đương 0,82%, chốt ở mức 1.528,95.
 
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 7,76 điểm, tương đương 0,96%, đóng cửa ở mức 813,88.
 
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,77 tỷ cổ phiếu, thị trường có 2.137 cổ phiếu tăng điểm và có 923 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,49 tỷ cổ phiếu, thị trường có 1.692 cổ phiếu tăng điểm và có 979 cổ phiếu giảm điểm.
 
Chứng khoán Anh tiếp tục giảm điểm
 
Chứng khoán châu Âu hôm thứ Tư có diễn biến giống như phiên trước đó khi thị trường Anh giảm điểm còn thị trường Đức và Pháp tăng điểm với biên độ không đáng kể.
 
Cổ phiếu khối năng lượng, dược phẩm tăng điểm là nguyên nhân giúp thị trường duy trì được thế cân bằng, cổ phiếu Total, BP và Royal Dutch Shell tăng từ 1-1,8%; cổ phiếu GlaxoSmithKline, Roche tăng lần lượt là 2,8% và 0,8%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 11,21 điểm, tương đương -0,29%, chốt ở mức 3.900,25. Khối lượng giao dịch đạt 2,3 tỷ cổ phiếu.
 
Chỉ số DAX của Đức tăng 0,86%, khối lượng giao dịch đạt 31,5 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 0,66%, khối lượng giao dịch đạt 168 triệu cổ phiếu.
 
Chứng khoán châu Á “hạ nhiệt”
 
Chứng khoán châu Á có diễn biến trái chiều khi thị trường Nhật, Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore đều mất điểm, trong khi các thị trường Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc và Australia lại tăng điểm với biên độ không đáng kể.
 
Sau hai ngày tăng điểm mạnh đầu tuần, các thị trường đã không còn duy trì được sức tăng - vốn được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực từ thị trường Mỹ, mà phân hóa theo tín hiệu của thị trường trong nước.
 
Ngày 25/3, Bộ Tài chính Nhật cho biết xuất khẩu của nước này trong tháng 2/2009 đã giảm 49,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu hàng hóa của Nhật sang Mỹ đã giảm 58,4%, xuất khẩu sang châu Âu hạ 54,7%, sang châu Á giảm 46,3%, so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Nhập khẩu trong tháng 2 giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa thặng dư thương mại của Nhật đạt 82,4 tỷ Yên (842 triệu USD) - thấp hơn 91,2% so với tháng 2/2008.
 
Chứng khoán Nhật đã giảm điểm phiên giao dịch hôm thứ Tư do cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn và khối ngân hàng mất điểm.
 
Cổ phiếu của Sony giảm 2,45%, cổ phiếu Tokyo Electron hạ 6,7%, cổ phiếu Panasonic mất 3,5%, cổ phiếu Sanyo Electric hạ 1,4%; cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group xuống 0,6%,...
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikke 225 giảm 8,31 điểm, tương đương 0,1%, chốt ở mức 8.479,99. Khối lượng giao dịch đạt 2,3 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.
 
Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số KOSPI tiếp tục duy trì đà tăng điểm bằng một phiên đảo chiều ngoạn mục sau khi giảm điểm vào phiên giao dịch buổi sáng. Cổ phiếu khối tài chính và các hãng xuất khẩu hàng điện tử lên điểm là nguyên ngân giúp thị trường khởi sắc.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số KOSPI tăng 7,32 điểm, tương đương 0,6%, chốt ở mức 1.229,02.
 
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 1,99%. Chỉ số ASX của Australia lên 0,82%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 2,07%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ tăng 1,23%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc hạ 2%. Chỉ số Straits Times của Singapore giảm 0,93%.
Theo: VnEconomy