TBA 500KV Vân Phong.
Thực tế cho thấy, với các phương thức vận hành linh hoạt, hệ thống lưới truyền tải điện quốc gia hoàn toàn đảm bảo khả năng truyền tải công suất của các nhà máy điện năng lượng tái tạo nói chung, các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp nói riêng - khi đảm bảo các quy định của pháp luật.
Để làm rõ và tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp - với mục tiêu đưa các dự án vào vận hành trong thời gian sớm nhất có thể, đồng thời đảm bảo các quy định pháp luật, ngày 24/5/2023, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức hội nghị với chủ đầu tư các dự án này. Tại thời điểm diễn ra hội nghị 3 bên, đã có 37/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC) để phục vụ quá trình đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện.
Kỹ sư vận hành tại TBA 500kV Vân Phong.
Đã có 19 Dự án/hoặc một phần Dự án điện gió/điện mặt trời với công suất tổng cộng 1.347MW được Bộ Công Thương phê duyệt, thông qua giá tạm.
Cùng với đó, Dự án Điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2, công suất 30MW cũng đã hoàn thành đàm phán và đang hoàn thiện thủ tục để sớm trình Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm. 04 Dự án điện gió khác với công suất tổng cộng 154 MW vừa tiến hành đàm phán vừa tiếp tục rà soát hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Tất cả các công việc đang được đẩy nhanh nhằm mục đích đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
Ông Hồ Công - Phó giám đốc Công ty truyền tải điện 3 (PTC3) - đơn vị đang quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện 220kV và 500kV khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên, nơi có nguồn điện gió, điện mặt trời nhiều nhất cả nước cho biết, hiện đang có 42-43 nhà máy năng lượng tái tạo lớn (gồm điện gió, điện mặt trời có công suất trên 100 MW trở lên) với tổng công suất hơn 15.000MW đấu nối vào lưới điện do Công ty truyền tải điện 3 quản lý. Mặc dù việc truyền tải năng lượng tái tạo khó khăn hơn nhiều so với vận hành các nguồn điện từ thủy điện hay nhiệt điện, song trước tình hình khô hạn của thủy điện, việc huy động an toàn, tối đa nguồn điện năng lượng tái tạo lên hệ thống lưới điện quốc gia 220-500kV để cấp điện cho miền Bắc được PTC3 hết sức coi trọng.
"Đến nay thì mặc dù các đường dây đều vận hành khai thác hết các dự án năng lượng tái tạo đấu nối vào lưới điện truyền tải nhưng chưa ảnh hưởng đến vấn đề truyền tải điện. Từ nay đến tháng 6 tháng 7, nếu như hiện tượng El Nino này vẫn còn tiếp diễn thì lưới điện của Công ty truyền tải điện 3 vẫn khai thác chủ yếu là năng lượng tái tạo, và chúng tôi vẫn tiếp tục sẵn sàng đáp ứng để khai thác tốt nguồn năng lượng tái tạo thay cho nguồn thủy điện do mực nước chết… Điều mà tôi tin tưởng là hiện nay các Trung tâm điều độ đã có những phần mềm theo dõi rất tốt, cho nên cùng với truyền tải thì sẽ vận hành an toàn nguồn điện năng lượng tái tạo".
Kỹ sư vận hành tại TBA 500kV Vân Phong.
Việc hoàn thành và đưa vào vận hành Trạm biến áp (TBA) 500kV Vân Phong và đấu nối đã giúp giải tỏa công suất nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 cũng như sẵn sàng tiếp nhận nguồn điện năng lượng tái tạo trong khu vực này. Với khả năng truyền tải hơn 6.000MW công suất định mức, nhưng hiện tại TBA 500kV Vân Phong hầu như chưa tiếp nhận nguồn năng lượng tái tạo lên mà mới chỉ tải khoảng 500MW công suất nhiệt điện từ 1 tổ máy chạy thử nghiệm của Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1.
Trạm trưởng Trạm biến áp 500kV Vân Phong Luyện Trường Ca cho biết: "Hiện tại thì Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 đang phát 1 tổ máy GT1 - công suất khoảng 520MW, cộng thêm với nguồn công suất từ nguồn điện mặt trời ban ngày của khu vực Phú Yên, Khánh Hòa tải lên các xuất tuyến đường dây cũng chỉ rơi vào khoảng 250MW, thì có thời điểm truyền tải lên đường dây 500kV rơi vào khoảng hơn 700MW cả hai nguồn từ nhiệt điện và năng lượng tái tạo".
Mặc dù vẫn đảm bảo việc truyền tải các nguồn điện năng lượng tái tạo hiện hữu lên lưới, song, hiện Quy hoạch Điện 8 đã được phê duyệt, việc đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện ở cấp điện áp 110-220kV nhằm giải tỏa các nguồn năng lượng tái tạo là vô cùng cần kíp, giúp cho hệ thống truyền tải điện quốc gia vận hành an toàn, liên tục, hiệu quả, giảm tổn thất điện năng.