Sự kiện

Chuyển giao lưới điện nông thôn về ngành điện quản lý: Công đoàn tham gia chuẩn bị nguồn nhân lực

Thứ ba, 31/3/2009 | 09:54 GMT+7
Đến năm 2010, ngành điện sẽ hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện nông thôn từ các hợp tác xã, xóa bỏ hoàn toàn cai thầu về điện nông thôn. Đây là một đề án đang được ngành điện triển khai quyết liệt, nhưng cũng gặp không ít khó khăn như: Vốn đầu tư lại từ cột, côngtơ, đường dây, trạm biến áp và nhất là chuẩn bị nguồn nhân lực.

Lưới điện nông thôn: Chắp vá, mất an toàn

Công nhân ngành điện không chỉ quản lý điện đô thị, mà còn phải vận hành, quản lý điện nông thôn.
Lưới điện nông thôn của huyện Ba Vì (Hà Nội) có 1.252km đường dây hạ thế với 50.368 côngtơ, được mua chủ yếu ngoài thị trường tự do, không được kiểm định định kỳ, dẫn đến sai số nhiều, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Phần lớn lưới điện các xã, thị trấn được xây dựng qua nhiều giai đoạn, nhiều năm theo hình thức huy động vốn trong dân, mang tính chắp vá được đến đâu hay đến đó.

Đến nay, phần lớn lưới điện của Ba Vì không đảm bảo đủ điều kiện để cung cấp điện theo yêu cầu phụ tải, một số nơi hiện vẫn dùng cột tre, dây dẫn tiết diện nhỏ không đảm bảo về mọi mặt.

Để củng cố lại lưới điện đảm bảo tiêu chuẩn, tính trung bình một xã phải mất khoảng 2,5 tỉ đồng. Ba Vì có 31 xã và 1 thị trấn thì phải chi một khoản tiền khá lớn để hoàn thành mạng lưới điện đúng tiêu chuẩn cho phép.

Tính chung cả Hà Nội hiện còn 360 xã chưa bàn giao lưới điện về ngành điện, ông Lê Sĩ Ngọc - Trưởng chi nhánh điện Ba Vì - cho biết: Tiếp nhận và vận hành lưới điện nông thôn là cả một quá trình gian nan. Đường tải từ trạm đến nhà dân quá xa, như tại xã Cẩm Lĩnh với hơn 600 hộ chỉ có 1 trạm biến áp.

Khi ngành điện quản lý lưới điện nông thôn thì địa phương và người tiêu dùng không phải trả bất kỳ một khoản phụ phí nào cho việc sửa chữa lưới điện, cải tạo, nâng cấp, người nông dân được mua điện theo đúng biểu giá bán lẻ của Nhà nước mà không phải nộp thêm bất cứ một khoản thu nào.

Phải chuẩn bị thêm 18.000 lao động

Việc tiếp nhận lưới điện, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng cũng kéo theo những hệ lụy đối với ngành điện. Theo ông Trần Văn Ngọc - Chủ tịch CĐ Điện lực VN, cả nước có 9.096 xã, trung bình mỗi xã phải có 2 người làm công tác quản lý lưới điện, thì số LĐ vận hành điện nông thôn phải  tăng lên trên 18.000 LĐ.

Cơ chế tiền lương để trang trải cho NLĐ sẽ như thế nào để đảm bảo quyền lợi của NLĐ? CĐ EVN đã phối hợp cùng chuyên môn kiến nghị với Bộ LĐTBXH về cơ chế tiền lương, tính toán lợi ích của người tiêu dùng sao cho phù hợp với những chi phí mà ngành điện phải bỏ ra.

Theo tính toán của Cty điện lực Hà Nội, để phát triển lưới điện của huyện Ba Vì nếu đúng định biên cần tăng thêm 50 CNLĐ kèm theo là đảm bảo việc làm, đời sống cho họ, đây là bài toán khó của ngành điện. Trước đây, việc quản lý lưới điện nông thôn được khoán cho các cai thầu, khiến tổn thất điện năng rất cao - xấp xỉ 40%.

Bàn giao lại cho ngành điện và để tránh tình trạng tổn thất điện năng, xóa bỏ cai thầu điện, nhưng cũng phải có cơ chế hợp lý đối với lực lượng lao động tiếp nhận, vận hành lưới điện nông thôn.

Ngành điện có thể sử dụng LĐ hợp đồng ở nông thôn, nhưng họ phải được huấn luyện kỹ về an toàn và kỹ thuật vận hành. Nhưng điều quan trọng, đội ngũ CNLĐ ngành điện phải được đầu tư và phải là nòng cốt. Điều đó cần đến vai trò tham gia của CĐ.

Theo Lao Động số 70