Sự kiện

Cần sự vào cuộc đều tay (Kỳ cuối)

Thứ hai, 13/5/2013 | 08:50 GMT+7
Hàng năm, các NMTĐ Việt Nam đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 6.500 tỷ đồng thông qua việc nộp thuế VAT, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường… Để có thể tận dụng khai thác những ưu thế, hạn chế tối đa những điểm bất lợi của thủy điện phải có sự vào cuộc đều tay của tất cả các bên liên quan nhằm xây dựng chính sách và cơ chế phù hợp.
 


Một góc thủy điện Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Cụ thể, Nghị định số 112/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định các DATĐ phải xả dòng chảy tối thiểu đáp ứng nhu cầu nước cho cho hạ du. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định dòng chảy tối thiểu, làm cơ sở xem xét quy hoạch và thiết kế các DATĐ. Theo Bộ Công Thương, mặc dù việc xả nước mùa kiệt đã được quy định trong quy trình vận hành hồ chứa nhưng để phát huy lợi ích tổng hợp của hồ chứa, các địa phương cần chỉ đạo chặt chẽ việc sử dụng nước, đánh giá khách quan về tình hình thủy văn để đề xuất chế độ xả nước hợp lý cho nhu cầu tưới và phát điện, tránh lãng phí.

Cũng theo Bộ Công Thương, để đảm bảo việc đầu tư xây dựng thủy điện đáp ứng các yêu cầu kinh tế xã hội, môi trường, Chính phủ cần chỉ đạo nghiên cứu và ban hành văn bản hướng dẫn xử lý các tồn tại, vướng mắc liên quan đến việc áp dụng quy định hiện hành về công tác bồi thường, hỗ trợ di dân TĐC đảm bảo phù hợp với thực tế các địa phương. Sớm ban hành Thông tư hướng dẫn trồng rừng thay thế đối với các DATĐ.

Các Bộ, ngành và UBND các tỉnh liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương  rà soát, đánh giá các DATĐ để kiên quyết loại bỏ, không cho phép đầu tư xây dựng các dự án hiệu quả thấp, tác động tiêu cực tới môi trường hoặc ảnh hưởng các quy hoạch khác.

UBND các tỉnh chỉ cấp phép xây dựng công trình khi đã có phương án trồng rừng thay thế được duyệt và bố trí đủ vốn cho dự án; rà soát quỹ đất và các quy hoạch, kế hoạch trồng rừng trên địa bàn để phối hợp tổ chức trồng rừng thay thế; tăng cường kiểm tra công tác quản lý đầu tư xây dựng và vận hành các DATĐ, đặc biệt là vấn đề đảm bảo chất lượng công trình và bảo vệ môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm  ban hành quy định về giám sát bảo vệ và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường kèm theo chế tài xử phạt các vi phạm tại các DATĐ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy trong việc cấp phép sử dụng và khai thác nước mặt. Theo văn bản đề nghị ngày 12/4/2013 của EVN, mặc dù các nhà máy đã nộp hồ sơ và chỉnh sửa nhiều lần (có nhà máy đã hiệu chỉnh tới 4- 5 lần) nhưng vẫn chưa được Cục Quản lý tài nguyên nước cấp giấy phép khai thác và sử dụng nước mặt. Điều này đã gây khó khăn rất nhiều cho DN.

Theo quy định hiện nay, nhà máy đăng ký kinh doanh ở đâu thì nộp thuế VAT ở đó. Tuy nhiên, một DATĐ chỉ xây dựng nhà máy ở 1 tỉnh nhưng hồ chứa có thể ảnh hưởng tới nhiều tỉnh. Vì vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh hợp lý quy định về việc phân chia thuế VAT của các DATĐ thuộc nhiều tỉnh, có xét đến mức độ diện tích đất và số dân bị ảnh hưởng, phân bổ phí dịch vụ môi trường rừng theo diện tích rừng đầu nguồn nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương liên quan.

Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh hợp lý giá điện để tính thuế tài nguyên nước đối với các NMTĐ. Hiện nay, Bộ Tài chính không căn cứ vào hóa đơn bán điện của các nhà máy để thu thuế mà lại áp theo giá điện thương phẩm EVN bán ra cho khách hàng. Điều này không phù hợp vì giá điện thực tế các nhà máy bán cho EVN rẻ hơn nhiều so với giá điện EVN bán cho người sử dụng.

Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam: Thủy điện đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để giải quyết tổng thể lợi ích của 3 nhà: đầu tư, Nhà nước và người dân.

(Hết)
Ngọc Loan/Icon.com.vn