Sự kiện

Thủy điện Thượng Kon Tum: Băn khoăn, vướng mắc lẫn niềm vui

Thứ sáu, 17/5/2013 | 08:56 GMT+7
Thủy điện Thượng Kon Tum là bậc thang thủy điện thứ năm trên hệ thống sông Sê San được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tháng 11- 2006, công suất thiết kế 250 MW, do Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư.
 


Khu tái định cư làng Đác Tăng thủy điện Thượng Kon Tum theo tiêu chuẩn nông thôn mới đang trong quá trình hoàn thiện. Mỗi căn nhà như thế này được xây dựng trị giá từ 300 đến 400 triệu đồng.

Đây là công trình thủy điện thứ 2 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có quy trình xả nước không trả cho hạ lưu như các thủy điện khác mà nước được đổ về đồng bằng qua sông Trà Khúc (tỉnh Quãng Ngãi).

Cũng với quy trình này, sau khi thủy điện An Khê K’ Nak (tỉnh Gia Lai) phát điện biến sông Ba thành dòng sông “chết”, thì mối lo ngại thủy điện Thượng Kon Tum sẽ làm dòng sông ĐácBla cạn kiệt đang được dư luận hết sức quan tâm. Cùng với nỗi lo sông cạn, vấn đề hàng trăm ha rừng đầu nguồn trên cao nguyên KonPlông sẽ bị lòng hồ thủy điện nhấn chìm… đang đặt ra bài toán buộc chủ đầu tư là Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cân nhắc giữa những cái “được” và “ mất” trong việc xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum.

Giải quyết những vướng mắc

Ông Huỳnh An, Phó giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cho biết: Trên cơ sở đánh giá tác động môi trường, đơn vị đã cân nhắc chọn phương án giảm công suất lắp đặt của nhà máy từ 250MW xuống 220MW; điều chỉnh vị trí tuyến đập về phía hạ lưu 3,3 km, điều chỉnh cao trình đỉnh đập từ 1.177 mét xuống 1.163 mét.... Theo đó đã giảm được những ảnh hưởng tiêu cực của thủy điện đến môi trường. Cụ thể diện tích rừng bị ngập từ 384,8 ha, xuống còn 284,4 ha; số dân phải di dời trong vùng lòng hồ từ 320 hộ xuống còn 93 hộ; diện tích đất nông nghiệp bị ngập từ gần 90 ha xuống còn hơn 30 ha ...

Riêng đối với tác động đến môi trường và khả năng cấp nước lưu vực sông Đác s’Nghé, theo số liệu từ Viện quy hoạch thủy lợi thì lưu lượng trung bình mùa kiệt sông Đác s’Nghé là 4,76m3/s. Khi ngăn dòng, đoạn sông sau đập dâng tính đến hợp lưu sông Đác Bla dài khoảng 58,7 km sẽ bị giảm lưu lượng dòng chảy. Tuy nhiên, đoạn sông này còn có hai nhánh suối lớn khác là Đác A Côi và Đác Pô Ne và nhiều nhánh suối khác đổ vào với lưu lượng trung bình mùa kiệt là 2,8m3/s. Vì vậy sẽ không có ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước cho vùng hạ lưu .

Trên thực tế, tổng diện tích lưu vực sông Đác s’Nghé đến nhập lưu sông ĐácBla vào khoảng 960km2; trong khi diện tích hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum là 374km2, bằng khoảng gần 39% diện tích tổng lưu vực sông Đác s’Nghé ; 12% lưu vực sông ĐácBla, và khoảng hơn 3% lưu vực sông Sê San. Với công suất 220 MW, hằng năm nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum sẽ phát lượng điện khoảng 824,2 triệu kwh/năm, lớn hơn gấp hơn ba lần so với lượng điện sụt giảm do lượng nước bị mất của bốn nhà máy thủy điện đang vận hành trên sông Sê San là Ya li, Sê San 3; Sê San 3A và Sê San 4.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xác nhận, trong số hơn 280 ha rừng bị ngập trong lòng hồ thủy điện có ba tiểu khu gồm tiểu khu 411, 412, 413 ở xã Đăk Tăng huyện Kon Plông nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ theo Quyết định số 01/2008/QĐ-UB ngày 9 tháng 1 năm 2008 của UBND tỉnh Kon Tum về việc “Phê duyệt điều chỉnh kết quả rà soát, quy hoạch ba loại rừng và chi tiết địa danh, diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp theo chức năng ba loại rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Tuy nhiên tại Quyết định số 47/2003/QĐ-UB ngày 2 tháng 12 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc Quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp theo chức năng ba loại rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum thì ba tiểu khu 411; 412; 413 thuộc xã Đác Tăng huyện Kon Plông lại được quy hoạch là rừng sản xuất. Đây là hai quyết định phê duyệt về việc quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp theo chức năng ba loại rừng được điều chỉnh, bổ sung liền nhau ( được ký ban hành cách nhau năm năm) nên đã “ quên” mất việc trước đó ngày 1 tháng 11 năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản về việc cho phép đầu tư Dự án thủy điện Thượng Kon Tum nên đã điều chỉnh ba tiểu khu 411, 412, 413 vào loại rừng phòng hộ. Từ dích dắc này đã gây nhiều hệ lụy cho đơn vị chủ đầu tư là Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh. Một số ý kiến cho rằng đơn vị chủ đầu tư đã thực hiện việc “ Tiền trảm hậu tấu” khi đã khởi công xây dựng mới xin ý kiến cho chuyển đổi ba tiểu khu rừng này từ phòng hộ sang sản xuất.

Ý kiến của người dân vùng dự án

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri đầu tháng 5 năm 2013 giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh nhiều ý kiến cử tri ở các xã Đắc Tăng, Măng Cành, Măng Buk, Ngọc Tem trong vùng ảnh hưởng của dự án thủy điện Thượng Kon Tum đã bày tỏ sự hài lòng về công tác đền bù và xây dựng khu tái định cư đối với người dân trong vùng dự án. Không chỉ 93 hộ 347 khẩu trong diện phải di dời tái định cư được hưởng lợi mà hàng nghìn người dân khác ở các xã vùng sâu này cũng được hưởng lợi của Dự án từ việc hơn 40 km tỉnh lộ 676 được bê tông hóa theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, đã đưa vùng “ ốc đảo” Măng Buk, Đác Ring trở thành vùng giao thông thuận lợi.

Bà Y Đông, người dân tộc Xê Đăng, thôn trưởng thôn Rắc Y Nhông xã Đác Ring huyện Kon Plông vui mừng cho biết: Trước đây khi chưa có đường bê tông, đi ra huyện để cõng hàng phải mất cả tuần. Giờ thì chẳng ngại nắng mưa, hàng hoá, xe cộ đều có thể lưu thông quanh năm vào các xã này. Đường thông, giao lưu hàng hoá cũng thuận tiện đã mang lại nhiều đổi thay khởi sắc cho người dân vùng sâu, vùng xa này. Trưởng công an xã Măng Buk, A Thông đưa ra một ví dụ thực tế là xã Măng Buk có 600 ha ruộng nước. Lúa sản xuất ra ăn không hết, nhưng trước đây giao thông đi lại quá khó khăn, muốn bán lúa đi để mua các thực phẩm khác cũng chẵng biết bán cho ai, nên người dân vẫn khó khăn… Riêng các hộ dân nằm trong diện di dời tái định cư lại hồ hởi . Bí thư Đảng ủy xã Đác Tăng Bùi Thanh Phong cho biết, toàn bộ 93 hộ dân trong diện phải di dời thủy điện Thượng Kon Tum đều nằm trên địa bàn xã, trong đó thôn Vi Rin có 34 hộ, thôn Đác Tăng 59 hộ. Mỗi hộ trong diện di dời được xây một căn nhà mới có diện tích từ 60 đến 80 m2 , nhà sàn, mái ngói, tường xây, trụ bê tông …Đây là mẫu nhà do chủ dự án thiết kế, bà con lựa chọn đáp ứng tiêu chuẩn nông thôn mới với đầy đủ hệ thống nước sinh hoạt tự chảy được dẫn về bể lọc trước khi vào tới từng hộ dân; Hệ thống đường điện sinh hoạt hoạt cũng kéo tới tận nhà…. Toàn bộ khu tái định cư nằm bên lòng hồ, đường giao thông được bê tông hóa sạch sẽ, rộng rãi nối với tỉnh lộ tạo sự thuận tiện cho mỗi nhà… Giá mỗi căn nhà trên từ 300-400 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi hộ còn được cấp 0,8 ha lúa nước và một ha lúa rẫy…được cấp hỗ trợ lương thực mỗi người mỗi tháng 30 kg gạo trong vòng 36 tháng…Tổng mức đầu tư tái định canh, định cư cho dân là hơn 200 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ hơn hai tỷ đồng… Bên cạnh đó, để người dân an tâm định cư, hàng loạt công trình phúc lợi xã hội như trường học, trạm xá, nhà rông… cũng được xây dựng tại khu ở mới. Huyện KonPlông và chủ đầu tư quyết tâm hướng tới mục tiêu “người dân đến khu tái định cư mới của thủy điện Thượng Kon Tum sẽ có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ”…

Cần có một đánh giá chính xác hơn về khu tái định cư thủy điện Thượng Kon Tum khi cuối năm 2013 này các hộ dân sẽ được chuyển về nơi ở mới. Và đến năm 2015, khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước phát điện mới có thể đánh giá hết những tác động tiêu cực đối với môi sinh, môi trường của nhà máy thủy điện này. Nhưng với những số liệu minh chứng của dự án, và những việc làm cụ thể của chủ đầu tư, chúng ta tin rằng nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum sẽ hạn chế được tối đa những tiêu cực của thủy điện tác động đến môi sinh, môi trường và đời sống kinh tế xã hội của vùng dự án.
 


Cửa nhận nước công trình thủy điện Thượng Kon Tum


 
Theo: Nhân dân Online