Sự kiện

Thủy điện vừa xả vừa chờ... mưa

Thứ sáu, 10/5/2013 | 16:37 GMT+7
Tình hình khô hạn đang diễn biến nghiêm trọng tại nhiều tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, khiến số đông các nhà máy thủy điện trong khu vực chỉ có thể đáp ứng một lượng nước đủ ở mức... tối thiểu.


Khu vực hạ lưu ở nhiều thuỷ điện cạn trơ đáy.

Xuống dần mực nước chết

Tình trạng khô hạn có thể sẽ còn diễn biến phức tạp hơn khi Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ (Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia) mới đây tiếp tục có cảnh báo: Dòng chảy trên hầu hết các sông khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận có xu thế giảm dần đến cuối tháng 8.2013 và hụt hơn so với trung bình nhiều năm đến 40-50%; thậm chí có nơi thấp hơn, tình trạng thiếu nước và khô hạn sẽ còn xảy ra trên diện rộng và kéo dài đến tận cuối tháng 8.2013. Nguy cơ xâm nhập mặn lấn sâu vào vùng cửa sông, ven biển là khá rõ ràng và đến các ngày đầu tháng 5 này, ngày càng gia tăng trên địa bàn các tỉnh thuộc Tây Nguyên và Nam bộ. Chưa kể, lượng dòng chảy về các hồ trên khu vực cũng đang xuống thấp khiến tình hình khô hạn, thiếu nước sẽ còn gia tăng trên diện rộng.

Theo khảo sát, mực nước tại ba hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận thời điểm đầu tháng 5 cũng không khả quan hơn. Cho đến nay, mực nước trong hồ thủy điện Đa Nhim (Lâm Đồng) thấp hơn mực nước dâng bình thường tới 16,08m và dung tích hữu ích còn lại trong hồ hiện chỉ xấp xỉ 33 triệu khối, tương đương khoảng hơn 59 triệu kWh. Tương tự, mực nước hồ Hàm Thuận (Lâm Đồng – Bình Thuận) hiện cũng thấp hơn tới 22,23m với dung tích hữu ích nước còn lại trong hồ chỉ nhỉnh hơn 91 triệu khối, tức khoảng 58,55 triệu kWh.

“Song để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, từ nay đến ngày 15.6, chúng tôi sẽ lần lượt duy trì lưu lượng chạy máy ở mức tối thiểu, cao nhất tới 18m3/s tại thủy điện Đa Nhim và tới 35m3/s tại thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi” – ông Nguyễn Trọng Oánh - TGĐ Cty CP thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (ĐHĐ) - chia sẻ. Cùng cảnh ngộ, mực nước hồ Đại Ninh (Lâm Đồng) trong 4 tháng đầu năm cũng đều duy trì ở mức thấp và đang tiếp tục xuống dần đến mực nước chết. Do lượng nước về hồ giảm 47% so với cùng kỳ 2012, mực nước trong hồ hiện chỉ còn cao hơn mực nước chết vẻn vẹn 6m và thấp hơn cùng kỳ năm ngoái tới 3,53m.

“Một phần cũng do nhà máy vẫn đang tiếp tục khai thác để cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho tỉnh Bình Thuận, cũng như liên tục xả 0,7m3/s đảm bảo dòng chảy sinh thái và môi trường hạ du đập khu vực tỉnh Lâm Đồng” – Phó GĐ Cty thủy điện Đại Ninh Đặng Văn Cường bộc bạch. Do đó, dù phải chịu cảnh thiếu nước trầm trọng song từ nay đến ngày 25.5, thủy điện Đại Ninh sẽ vẫn tiến hành xả phát điện với lưu lượng tối thiểu 15m3/s nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu nước của hai huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận).

Nỗi lo thiếu điện

Các khảo sát cũng cho thấy, nhiều nhà máy thủy điện khác tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng đang phải căng mình chống hạn và cấp nước cho hạ du, dù đây không phải là nhiệm vụ chính khi xây dựng nhà máy. “Chúng tôi giờ này chỉ chạy máy với lưu lượng đáp ứng nhu cầu tối thiểu về nước của hạ du vì thực tế nước trong hồ cũng không còn nhiều. Lúc này mà đáp ứng tối đa nhu cầu nước, thủy điện sẽ không còn nước và đến lúc ấy, phía hạ du cũng không lấy đâu ra nước” - ông Nguyễn Trọng Oánh lo lắng. Không chỉ dừng lại ở mỗi chuyện nước, ông Oánh còn cho biết: “Sản lượng điện có thể sụt giảm do nước về thấp, việc chạy máy với lưu lượng nước thấp đang gây áp lực rất lớn lên chất lượng các tổ máy và gia tăng rủi ro tới thiết bị tổ máy”.

Thêm vào đó, do kém lạc quan với nguồn nước về hồ, sản lượng điện sản xuất của các nhà máy thủy điện thuộc ĐHĐ dự kiến sẽ chỉ đạt 2,576 tỉ kWh trong năm nay, thấp hơn khoảng 349 triệu kWh so với sản lượng thực tế cả năm 2012. Thủy điện Đại Ninh cũng không hề lạc quan hơn. Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng điện sản xuất của nhà máy thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 tới gần 50 triệu kWh. “Với tình hình thủy văn như hiện nay, chúng tôi dự kiến cả năm sẽ chỉ phát được sản lượng 945 triệu kWh dù kế hoạch sản lượng được giao đầu năm lên tới 1,032 tỉ kWh” – ông Đặng Văn Cường không giấu giếm.

TPHCM: Đảm bảo cung ứng đủ trong mùa khô

Ngày 9.5, theo TCty Điện lực TPHCM, tình hình thời tiết khí hậu mùa khô năm 2013 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều hồ thủy điện đang đứng trước nguy cơ hạn hán, nhu cầu phụ tải của TPHCM gia tăng, sản lượng điện thương phẩm dự kiến đạt 18.150 triệu kWh, tăng hơn 8% so với năm 2012. Từ tháng 1-6, hệ thống đáp ứng được nhu cầu phụ tải, tuy nhiên hệ thống gần như không có dự phòng về sản lượng do các nhà máy nhiệt điện than và khí đã vận hành tối đa khả năng. Trong tháng 7, dự kiến có đợt ngừng cấp khí Cà Mau 14 ngày để bảo dưỡng và sửa chữa khí Nam Côn Sơn vào tháng 9, sẽ phải huy động một số tổ máy chạy dầu để chống quá tải cho lưới điện miền Nam. Tuy vậy, ngành điện TPHCM đề ra mục tiêu đảm bảo cung ứng điện đủ nhu cầu trong mùa khô.     M.THOA

Việt Nam đối mặt nguy cơ thiếu năng lượng

Sáng 9.5, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tổ chức “Diễn đàn Năng lượng và dầu khí: Đầu tư và phát triển bền vững”. Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, hiện ngành năng lượng Việt Nam đang thiếu một quy hoạch tổng thể hệ thống năng lượng quốc gia. Các quy hoạch phân ngành như: Điện, than, dầu – khí, năng lượng mới và tái tạo được xây dựng riêng lẻ thể hiện sự thiếu đồng bộ, tính thống nhất chưa cao. Đáng chú ý, về an ninh năng lượng, rất nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của VN trong tương lai. Dự báo đến năm 2030, với tốc độ tăng bình quân là như trên, VN sẽ bị thiếu khoảng 10,2 tỉ kWh điện vào năm 2015 và thiếu tới 50 tỉ kWh điện vào năm 2030. Nếu không có chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng thì trong thời gian không xa VN sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng.     Đ.T
Theo: Lao động Online