Sự kiện

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đào Văn Hưng: EVN không còn độc quyền

Thứ sáu, 13/8/2010 | 15:03 GMT+7

Thị trường điện cạnh tranh và EVN có hay không độc quyền luôn là vấn đề “nóng” trên diễn đàn báo chí và dư luận. Bên lề cuộc Hội thảo về thị trường điện mới đây, Tạp chí Điện lực đã phỏng vấn Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – ông Đào Văn Hưng, về vấn đề này.

Tại sao không phải ngay lúc này?

PV: Thưa ông, tại sao chúng ta không thực hiện ngay mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh có nhiều người bán và nhiều người mua mà phải đợi đến sau năm 2015?

Ông Đào Văn Hưng: Theo Luật Điện lực được Quốc hội thông qua ngày 3/12/2004 và Quyết định 26/2006/ QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26/1/2006 thì thị trường điện lực sẽ phát triển theo 3 cấp độ là thị trường phát điện cạnh tranh (2006-2014), thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015-2022), thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (sau năm 2022).

Xét về mặt kỹ thuật, ở cấp độ 1, khi chưa có chuẩn bị cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin… thì nếu xuất hiện nhiều công ty mua bán điện sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh mua giá điện với những nhà máy có giá thành thấp nhất. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống điện. Đây cũng là thực tế đã diễn ra ở bang Califonia (Hoa Kỳ). Hiện nay, trên thế giới và trong khu vực, nhiều nước kể cả các nước phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… vẫn đang thực hiện mô hình một người mua.

PV: Hiện nay, với một công ty mua bán điện duy nhất thuộc EVN, phía  nhà đầu tư thường than phiền về việc thương thảo hợp đồng mua bán điện gặp khó khăn và kéo dài, xin ông cho biết tại sao?

Ông Đào Văn Hưng: Đó là vì mâu thuẫn lợi ích giữa nhà đầu tư và người tiêu dùng điện. Nhà đầu tư thì muốn bán giá cao nhất có thể, nhưng đây cũng chính là chi phí mà khách hàng sử dụng điện phải trả. Khi tính giá, nhà đầu tư đưa tài liệu chứng minh, EVN phải xem xét kỹ lưỡng theo các yếu tố cấu thành chi phí như: Thiết bị, xây lắp, dự phòng, hợp đồng vay vốn, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng than...

Thời gian qua, EVN ký trên 190 hợp đồng với 154 nhà đầu tư. Năm 2010, dự kiến EVN mua 50 tỷ kWh của các nhà đầu tư. Nếu quá trình thương thảo không chặt chẽ, giá mỗi kWh điện tăng thêm chỉ 0,5 cent thôi thì người sử dụng điện phải trả thêm 4.500 tỷ đồng. Điều đáng lưu ý là mỗi hợp đồng EVN ký với nhà đầu tư có vòng đời 25-30 năm, thì con số này sẽ là 115.000 tỷ đồng, gấp đôi tổng vốn đầu tư Nhà máy Thủy điện Sơn La.

PV: Vậy có thể giải quyết những mâu thuẫn này bằng cách nào, thưa ông?

Ông Đào Văn Hưng: Mâu thuẫn về quyền lợi là điều khó tránh. Tuy nhiên, do hiện nay công ty mua bán điện thuộc EVN, nên dư luận cho rằng EVN dùng thế “duy nhất” để gây khó khăn cho nhà đầu tư. Trong khi chính bản thân Công ty Mua bán điện đã và đang gặp rất nhiều khó khăn do phải giải quyết khối lượng công việc rất lớn, áp lực cao để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng điện. Ngoài ra, với những đề xuất từ phía các nhà đầu tư như: Tính toán đưa vào giá thành chỉ số CPI, yếu tố biến động tỷ giá ngoại tệ... thì hoàn toàn vượt khỏi tầm xử lý của Công ty Mua bán điện cũng như của EVN. Vì thế, theo tôi, Công ty Mua bán điện nên thuộc nhà nước trực tiếp quản lý để đảm bảo sự khách quan, minh bạch.

Vốn – vấn đề nan giải nhất

PV: Có ý kiến cho rằng, để tránh độc quyền nên tách khâu phát điện ra khỏi EVN, ông nghĩ sao?

Ông Đào Văn Hưng: Tôi có thể khẳng định rằng, với 47% tổng công suất nguồn điện, hiện EVN không còn độc quyền trong khâu phát điện.

Thực tế, nhiều năm qua, Chính phủ đã nhìn xa, trông rộng và thực hiện từng bước lộ trình xây dựng thị trường điện khi cổ phần hóa các nhà máy điện thuộc EVN và cho phép các nhà đầu tư ngoài EVN đầu tư xây dựng nguồn điện. Với đề xuất, tách hay không tách toàn bộ các nhà máy điện ra khỏi EVN, tôi tin Chính phủ sẽ xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau để có quyết định cuối cùng. 

Nếu tách nhỏ thì liệu các công ty sản xuất điện này có đủ tiềm lực để thu xếp vốn cho đầu tư, xây dựng? Bản thân EVN là tập đoàn kinh tế lớn mà việc đảm bảo thu xếp đủ vốn, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế… đã luôn là một nhiệm vụ rất khó khăn. Thực tế, trong mấy năm qua, một số đơn vị lớn mới được thành lập của EVN đã chật vật khi vay vốn từ các ngân hàng để đầu tư, xây dựng vì không hội đủ các yếu tố về kinh nghiệm, vốn đối ứng, khả năng chi trả…

PV: EVN có đề xuất gì để tháo gỡ khó khăn này hay không thưa ông?

Ông Đào Văn Hưng: EVN đề xuất Chính phủ thí điểm cho 1 công ty phát điện tách ra khỏi EVN, giao cho đầu tư, triển khai một số dự án. EVN sẽ hỗ trợ hết sức về vốn, nhân lực… Sau 1-2 năm, nếu đơn vị này hoạt động thành công thì mới nên tách hết các nhà máy phát điện ra khỏi EVN.

PV: Xin cảm ơn ông!

• Hiện EVN chiếm 47% tổng công suất trên toàn hệ thống điện quốc gia.
• Dự kiến, đến năm 2015, EVN chỉ còn chiếm 37,5% công suất nguồn.
• Tính từ 1/1 - 12/7/2010, EVN đã lỗ 5.400 tỷ đồng do các nhà máy thủy điện thiếu nước phát điện, EVN phải mua từ các nguồn điện giá cao (4.000-5.000 đồng/kWh) để bán cho khách hàng với giá trung bình 1.000 đồng/kWh.

Theo: TCĐL số 7/2010