Thị trường chứng khoán ngóng đợi tết

Thứ ba, 2/2/2010 | 15:59 GMT+7

Ngày 2-2, thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch khá đìu hiu khi chỉ số VN-Index không có được một phiên tăng điểm mạnh như mong muốn. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số này tăng 0,98 điểm (tương đương tăng 0,2%) đứng tại mức 487,93 điểm. Đây cũng là phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp của chỉ số này.

Thanh khoản trên thị trường tuy tăng nhẹ nhưng đạt mức thấp Theo thống kê của HoSE, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 27 triệu chứng khoán, tương đương giá trị giao dịch 1.090,7 tỉ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn trên sàn có mức tăng nhẹ và nằm trong số 71 mã tăng giá của phiên hôm nay; trong đó cổ phiếu Ngân hàng VCB tăng 500 đồng lên 42.300 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu Ngân hàng EIB tăng 100 đồng lên 23.100 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu DPM tăng 100 đồng lên 31.300 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu BVH tăng 400 đồng lên 36.400 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, chỉ số HNX-Index quay đầu giảm nhẹ 0,32 điểm (tương đương giảm 0,2%) sau hai phiên tăng điểm liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số này xuống còn 160,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 14 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch là 458,2 tỉ đồng. Nhiều cổ phiếu lớn trên sàn này đứng ở mức giá tham chiếu và một số giảm nhẹ.

Theo nhận định của giới phân tích chứng khoán, do gần Tết Nguyên đán nên nhà đầu tư sẽ hạn chế các hoạt động giao dịch trong hai tuần tới. Nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục đi ngang, giao dịch có sự đột biến chỉ xảy ra trong một vài phiên trước kỳ nghỉ.

Còn Công ty chứng khoán SBBS thì cho rằng chỉ còn hai tuần nữa sẽ đến Tết Nguyên đán nên ưu tiên của nhà đầu tư có thể không phải là việc cố gắng mua vào. Bên cạnh đó, áp lực bán ra có thể tăng lên do lượng cổ phiếu thưởng về tài khoản khách hàng và nhu cầu tiền mặt của nhà đầu tư cá nhân. Do đó có thể dịp này cũng là cơ hội tốt để đầu tư. 

Về ngành, SBBS cho rằng các doanh nghiệp trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng - thực phẩm - dược phẩm nội địa là rất đáng chú ý. Vì đây là những ngành đang có những thuận lợi lớn về thị trường và ưu tiên tiêu dùng trong nước. Còn nhóm ngành xuất khẩu như thủy sản, gỗ cũng là ngành đáng quan tâm, tuy nhiên nhà đầu tư cần chú ý đến thị trường tiêu thụ nước ngoài vì đây là yếu tố quyết định sự phục hồi của các doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Theo: Tuổi trẻ