|
Ông Tạ Văn Hường - Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương - Ảnh: Chinhphu.vn |
Trả lời báo chí bên lề buổi lễ ra mắt Tổng Công ty (TCty) Điện lực thuộc TKV ngày 9/1, Vụ trưởng Vụ Năng lượng Bộ Công Thương Tạ Văn Hường cho biết, việc này sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giúp thị trường điện cạnh tranh hơn.
PV: Thưa ông, chúng ta đã có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) thuộc Petrovietnam, việc ra đời thêm Tổng công ty Điện lực –TKV có ý nghĩa thế nào?
Ông Tạ Văn Hường: Ý tưởng thành lập các TCty Điện lực trực thuộc 3 tập đoàn này đã có từ lâu, đây cũng là chiến lược của Chính phủ để EVN và Petrovietnam đóng góp vào nhiệm vụ quan trọng là cung ứng điện cho đất nước. Việc thành lập TCty Điện lực –TKV cũng nằm trong chủ trương chung này
PV: TKV sản xuất điện chủ yếu từ nguồn nhiệt điện, đây là một thuận lợi với TKV, song với nguồn than đang ngày khan hiếm, các dự án điện của TKV liệu có gây ra tình trạng cạnh tranh về nguồn than trong nước với các dự án ngoài ngành?
Ông Tạ Văn Hường: Các dự án nhiệt điện của TKV sẽ dùng các loại than mà các ngành công nghiệp khác không tiêu thụ được. TKV là một trong những tập đoàn đi đầu về áp dụng công nghệ sử dụng than xấu, có thể nói là hiệu quả nhất ở Việt Nam.
Ngay từ đầu khi đặt ra mục tiêu phát triển điện, TKV đã nghĩ tới làm sao tiêu thụ hết tất cả các chủng loại than mà trước đây ta không có kế hoạch tiêu thụ, có lúc tồn kho cực lớn. Do đó, các dự án điện của TKV không chỉ đóp góp vào sự phát triển của ngành điện mà còn với ngành than.
PV: Trong quyết định thành lập TCty Điện lực – TKV có cho phép đơn vị này được truyền tải và phân phối điện, với đường truyền tải hiện có của EVN, liệu có dẫn đến sự trùng lặp trong đầu tư?
Ông Tạ Văn Hường: Việc này cũng là hợp lý để tạo điều kiện cho TKV có thể phát triển một số dự án vùng sâu vùng xa, vùng mỏ. Việc quản lý truyền tải từ khu vực xa xôi đó tốt nhất nên giao cho TKV, vừa đảm bảo việc truyền tải được ngay sản lượng điện của mình, vừa góp phần giải quyết khó khăn chung của công tác truyền tải hiện nay của EVN. Nhìn ở một khía cạnh nào đó, đây cũng là sự chia sẻ trách nhiệm trong công tác truyền tải.
PV: Câu chuyện giá điện, giá than, than bán cho điện sẽ được xử lý như thế nào để tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các dự án điện ngoài ngành than và dự án điện trong ngành than, thưa ông?
Ông Tạ Văn Hường: Chính sách chung của Nhà nước là dần dần đưa các hoạt động của ngành năng lượng, trong đó có vấn đề giá điện và giá than, vận hành theo cơ chế thị trường.
TCty điện lực của TKV sẽ hoạt động riêng rẽ, độc lập với hoạt động khai thác than của TKV. Những vướng mắc sẽ được Nhà nước chú ý điều chỉnh, sẽ không có chuyện bán than với giá thấp cho TCty này để điện của họ có giá cạnh tranh.
PV: Sau việc ra đời của TCty Điện lực Dầu khí và TCty Điện lực – TKV, theo ông, liệu người dân có được sử dụng điện với giá cạnh tranh và chất lượng tốt?
Ông Tạ Văn Hường: Đó là mục tiêu của Chính phủ, tôi cũng hy vọng đó sẽ là một trong những nhân tố cạnh tranh đối với EVN.
Ta đang xây dựng 3 TCty điện lực lớn mạnh, trước mắt ở khâu phát điện, ngoài ra còn có sự tham gia của một số nhà phát điện độc lập nữa, và thị trường điện trong thời gian tới sẽ có sự cạnh tranh rõ ràng hơn.