Sự kiện

Thủy điện Sơn La trước ngày phát điện tổ máy 1

Thứ hai, 8/11/2010 | 08:10 GMT+7

Nhiều lần lên Nhà máy thủy điện Sơn La, song mỗi lần lên, công trình thế kỷ của đất nước lại mang đến cho chúng tôi những cảm xúc mới.

Dòng sông Ðà cuồn cuộn, dữ dội ngày nào nay ngoan ngoãn chảy qua các cửa xả sâu, tung bọt trắng xóa ở đầu mũi phóng, tạo nên một khung cảnh sống động, hùng vĩ ở núi rừng Tây Bắc. Gần 50 ngày nữa, bao mồ hôi, công sức lao động của hàng chục nghìn cán bộ, công nhân trên công trường suốt mấy năm qua sẽ được đền đáp bằng việc tổ máy (TM) 1 chính thức vận hành.

Hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng
Những ngày này, toàn công trường đang ở giai đoạn cao điểm của đợt thi đua nước rút 125 ngày đêm với mục tiêu phát điện TM 1 ngày 25-12 tới. Ai ai cũng hồi hộp, háo hức mong chờ thời khắc này như thể đón đứa con đầu lòng chào đời. 'Vạn sự khởi đầu nan', từ ngày khởi công đến ngày phát điện TM 1 phải mất đúng năm năm xây dựng, nhưng dự kiến tiến độ phát điện.

TM 2 chỉ sau TM 1 có năm tháng và đến cuối năm 2012 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình thủy điện lớn nhất Ðông - Nam Á (công suất 2.400 MW) với sáu tổ máy. Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ của Ban quản lý Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La (BQLDA), Ban điều hành dự án tổng thầu, nhà thầu hầu như ít ở văn phòng mà ngày đêm bám sát công trường, đôn đốc thi công. Thậm chí, đang ở thời điểm 'nước sôi lửa bỏng' này mà BQLDA còn phải chia sẻ lực lượng ngược, xuôi Lai Châu để chuẩn bị công tác khởi công dự án thủy điện Lai Châu (công suất 1.200 MW), bậc thang trên của thủy điện Sơn La vào cuối năm nay.

Ðể chuẩn bị cho phát điện TM 1, trong năm 2010, công trình đã đạt các mốc tiến độ quan trọng có ý nghĩa quyết định là: đóng cống dẫn dòng, tích nước lòng hồ thủy điện Sơn La vào tháng 5; lắp đặt thành công rô-to TM 1 vào tháng 8. Ngày 5-11 vừa qua, các đơn vị đã tiến hành ngập nước tuyến năng lượng. Từ ngày 15 đến 20-11, sẽ khởi động không tải TM 1 và đóng điện xung kích máy biến áp chính. Trưởng BQLDA Nguyễn Hồng Hà thông báo: Ðến nay, lòng hồ đã tích nước đến cao trình 189 m, đủ điều kiện cho TM 1 phát điện. Các hạng mục quan trọng của dự án đều hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng. Lãnh đạo Ban Ðiều hành Dự án thủy điện Sơn La (BÐHDA) của Tập đoàn Sông Ðà (đơn vị tổng thầu) cho biết: Các đơn vị đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng như đập bê-tông RCC từ 25-8; thi công bê-tông CVC trong tháng 10 đạt 102,7% kế hoạch, đào đất đá tháo dỡ đê quai hạ lưu đạt 180%, khoan phun màng chống thấm và thoát nước nền hầm, hoàn thành đổ bê-tông bọc đường ống áp lực 3 TM, lắp đặt xi-lanh thủy lực của cửa nhận nước TM 1 cuối tháng 10... Công ty cổ phần LILAMA 10 - đơn vị chủ công của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), hoàn thành việc căn chỉnh và chạy thử hệ thống điều tốc và secvamotor; thiết bị TM 2 đã thử nghiệm cao áp cho thanh dẫn lớp trong cùng, đã lắp đặt nắp hầm tua-bin để lấy dấu cho cánh hướng và đang thực hiện tổ hợp rô-to TM 2...

Ðồng bộ với nhà máy chính, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) cũng đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xây dựng và đóng điện xung kích đường dây 500 kV Sơn La - Hòa Bình -Nho Quan (dài hơn 270 km), trạm biến áp 500 kV Sơn La vào cuối tháng 9 vừa qua, sẵn sàng đón nhận dòng điện từ TM 1 hòa lưới điện quốc gia.

Vừa qua, các đơn vị đã vận chuyển thành công trục, bánh xe công tác tổ máy 2 và 3 nặng 240 tấn/chiếc, đường kính 8,43 m lên chân công trình an toàn. Ðây có thể coi là kỳ tích, vì việc vận chuyển các thiết bị siêu trường siêu trọng lên Sơn La bằng đường thủy theo hồ Hòa Bình không thể thực hiện được do mực nước trong hồ lúc đó gần mực nước chết, sà-lan cỡ lớn không di chuyển được, chở đường bộ theo quốc lộ 6 càng khó khăn, không thể thực hiện do đường đèo núi quanh co, hẹp, nhiều đoạn cua gấp... Do đó, cuối cùng, phương án thiết bị chỉ có thể lên đến cảng Tà Hộc (huyện Mai Sơn, Sơn La). Từ Tà Hộc lên đến công trường dài 70 km, đường dốc quanh co, nhiều cua 'tay áo', EVN phải phối hợp các đơn vị nâng cấp cảng, sửa nhiều đoạn, mở rộng bán kính góc cua... Hiện nay, máy biến áp TM 2 nặng 275 tấn đang được vận chuyển từ Hải Phòng lên công trường để kịp tiến độ lắp đặt. Như vậy, bài toán vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng vào mùa khô đã có lời giải.

Tiến độ nước rút

Trưởng BQLDA Nguyễn Hồng Hà cho biết: Trên toàn công trường hiện có gần 8.000 kỹ sư, công nhân đang ngày đêm tranh thủ thời gian, hoàn thành nước rút từng hạng mục kịp và vượt tiến độ đề ra. Các hạng mục về bê-tông, thân đập cơ bản hoàn thành. Dự kiến, đến ngày 30-11, TM 1 sẽ được vận hành không tải, là công đoạn chuẩn bị quan trọng cho việc phát điện. Là công trình trọng điểm đặc biệt, có ý nghĩa kinh tế-xã hội to lớn với đất nước, tiến độ thi công gấp gáp, biểu đồ thi công chi tiết từng ngày, song công tác bảo đảm chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu và thực hiện nghiêm túc. BQLDA đã cùng đơn vị tư vấn thiết kế chuẩn bị báo cáo về an toàn của đập và hồ sơ nghiệm thu chuẩn bị phát điện TM 1 trình Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước thời gian tới. Công tác giải ngân các gói thầu được làm hết sức khẩn trương, tạo thuận lợi cho các nhà thầu thi công. Tổng thầu Sông Ðà, nhà thầu LILAMA đều đánh giá từng thi công nhiều nơi nhưng chưa có công trình nào như thủy điện Sơn La, công tác giải ngân được chú trọng và thực hiện rất tốt. Ngày lắp đặt thành công rô-to TM 1 vào 20-8 vừa qua, các đơn vị đã ký cam kết thi đua 125 ngày đêm nước rút cho phát điện TM 1. Tất cả các đơn vị thi công đều hưởng ứng nhiệt liệt đợt thi đua này. Tại các buổi giao ban, tình hình tiến độ thi công từng hạng mục, phần việc được cập nhật và đánh giá. BÐHDA thường xuyên báo cáo chi tiết BQLDA khối lượng công việc, chỉ rõ hạng mục nào đạt tiến độ, hạng mục nào chậm tiến độ, nguyên nhân vì sao, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và tìm giải pháp khắc phục.

Trọng trách những ngày này đang dồn lên vai những người thợ lắp máy của Công ty LILAMA 10, tập trung căn chỉnh thiết bị TM 1 trong vòng hơn 20 ngày nữa để bảo đảm mọi điều kiện tốt nhất cho vận hành không tải. Ðến hết tháng 10, đơn vị đã hoàn thành lắp đặt máy biến áp chính, máy biến áp tự dùng nhà máy, lọc dầu máy; lắp đặt 255/3.224 tủ bảng điện, hệ thống làm mát tổ máy, trạm khí nén cao và hạ áp, các hệ thống khử nước thải, điều tốc, dầu tua-bin... Trong đó đã lắp đặt bánh xe công tác TM 2 vào giếng tua-bin. Tại các hạng mục, công ty đều lập biện pháp thi công khoa học, hợp lý, áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nguyên vật liệu; thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật công nghệ, cụ thể hóa từng hạng mục thi công sát với tiến độ của BÐHDA, từ khâu tổ hợp lắp đặt đường ống áp lực, tổ hợp buồng xoắn tại bãi tổ hợp đến khâu lắp đặt các thiết bị phải tính toán, bố trí thiết bị thi công khoa học, sử dụng lao động hợp lý. Qua đó, đơn vị đã cải tiến biện pháp thi công, rút ngắn thời gian, giảm chi phí mà vẫn bảo đảm chất lượng dự án. Ðể đẩy nhanh tiến độ, Công ty LILAMA 10 còn đề ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, như sáng kiến thi công tổ hợp sáu bộ khuỷu, côn hút, sáu bộ buồng xoắn tua-bin tại bãi lắp ráp đã rút ngắn thời gian tổ hợp đến năm tháng/tổ máy so phương án thi công ban đầu; hay đẩy nhanh công tác cắt, tẩy, mài, sơn, dặm vá hoàn thiện sáu tuyến ống áp lực, đơn vị áp dụng phương pháp tháo toàn bộ giằng chống đường ống áp lực (khối lượng hơn 1.500 tấn) trước khi đổ bê-tông mà vẫn bảo đảm kỹ thuật. Thi công ở một công trình lớn với các thiết bị siêu trường siêu trọng, công tác vệ sinh an toàn lao động luôn được công ty đặt lên hàng đầu. Từ khi bắt tay vào việc đến nay, đơn vị luôn duy trì gần 60 an toàn viên thường xuyên bám sát hiện trường thi công, kịp thời uốn nắn, chỉ ra các khiếm khuyết về an toàn lao động để chấn chỉnh. Các phương tiện thi công luôn được bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra định kỳ, cán bộ và công nhân luôn được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động đúng quy định, được học an toàn các bước và khám sức khỏe trước khi tham gia lao động. Lãnh đạo công ty tin tưởng, với trình độ và kinh nghiệm thi công nhiều công trình thủy điện lớn, chắc chắn đơn vị sẽ bảo đảm tiến độ lắp máy, thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị, sẵn sàng cho phát điện TM 1 đúng thời hạn.

BQLDA cho biết, trong tháng 11 này, các đơn vị tiếp tục phải hoàn thành đào đất đá tháo dỡ đê quai hạ lưu nhà máy với khối lượng hơn 5.000 m3, đổ bê-tông CVC các loại lên tới 33.300 m3, chế tạo, tổ hợp và lắp đặt thiết bị khoảng 1.250 tấn, tổ chức vận chuyển và tiếp nhận máy biến áp chính TM 2 và 3 về công trường. Khối lượng công việc rất nặng nề, đòi hỏi các đơn vị phải tập trung nhân lực, phương tiện và thiết bị ở mức cao nhất mới bảo đảm tiến độ đề ra.

Theo: Nhân dân