Sự kiện

Thủy điện nhỏ: Cần tầm nhìn lớn (Kỳ 1)

Thứ tư, 8/5/2013 | 13:39 GMT+7
Hiện cả nước còn 126 xã với khoảng 580.000 hộ dân nông thôn chưa có điện, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa không thể kéo được điện lưới Quốc gia.



Ảnh minh họa: Ngọc Loan/Icon.com.vn

Cùng với việc phát triển năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ được coi là giải pháp hợp lý và cần thiết để cấp điện về những nơi này. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt thủy điện nhỏ những năm qua đã tạo nên những hệ lụy không nhỏ về môi trường, kinh tế xã hội và đời sống người dân.

Kỳ 1: Lợi ích và bất cập

Lợi ích lớn

Bên cạnh việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp tại các tỉnh có dự án  thủy điện.

 Các dự án thủy điện (DATĐ) là loại nhà máy cắt giảm khí thải thành công nhất trong CDM. Tất nhiên, đó phải là các dự án đảm bảo các điều kiện: sử dụng dòng chảy cơ bản, sử dụng đập và hồ chứa hiện hữu, có vùng bị ngập tương đối nhỏ so với công suất phát điện. Với các DATĐ xây dựng hồ chứa mới thì phải tính tới cả lượng phát thải khí mê tan(CH4)  từ đập và hồ chứa. Nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về CDM, các DATĐ có thể tăng nguồn thu từ việc bán tín dụng cácbon. Điển hình là DATĐ Đăk Pône đã thu được 40.000 EUR từ việc bán tín dụng các bon lần 1 với sản lượng CERs là 21.332 tấn CO2. Thủy điện Sông Bung 2 cũng đã chính thức được công nhận là dự án CDM từ cuối năm 2012.

Ngoài ra, thủy điện còn làm giảm giá thành sản xuất điện. Năm 2011, các NMTĐ đa mục tiêu do EVN quản lý có giá thành bình quân 507 đồng/kWh, trong khi các nhà máy nhiệt điện chạy khí có giá 1.037 đồng/kWh, nhiệt điện chạy dầu lên tới 4.692 đồng/kWh. Năm 2012, các NMTĐ đã đóng góp cho hệ thống điện 48,26% công suất và 43,9% điện lượng. Các NMTĐ cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp. Đồng thời, đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 6.500 tỷ đồng/năm thông qua việc nộp thuế VAT, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng...

Các hồ chứa thủy điện lớn góp phần đáng kể trong việc cắt lũ, chống hạn cho hạ du. Việc hình thành các hồ chứa cũng tạo tiểu vùng khí hậu với độ ẩm cao, tăng mực nước ngầm giúp phát triển sản xuất khu vực dọc theo hồ chứa. Tại một số hồ chứa thủy điện, hiện đã kết hợp nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác du lịch.

Bất cập không nhỏ

Mặc dù vậy, việc đầu tư xây dựng và vận hành các công trình thủy điện cũng đã ảnh hưởng nhất định đến dân cư và đất đai các loại trong khu vực. Để xây dựng các thủy điện, sẽ phải mất bình quân 9,761 ha/MW. Về ảnh hưởng dân cư, các DATD vừa và lớn phải di dời bình quân 3,296 hộ dân/MW. Các DATĐ quy mô nhỏ phải di dời khoảng 0,16 hộ/MW. Nhìn chung, các DATĐ nhỏ ảnh hưởng đến dân cư và đất đai hạn chế hơn. Mặt khác, do khó khăn tài chính nên một số nhà đầu tư thủy điện nhỏ cắt giảm một số thiết kế an toàn kỹ thuật, gây nguy cơ bất ổn về độ an toàn của nhà máy.

Hơn nữa, những DATĐ nhỏ < 30 MW được phân cấp về các tỉnh phê duyệt. Do những yếu kém trong khảo sát, thiết kế nên một số DATĐ nhỏ do tư nhân xây dựng đã không phát huy hiệu quả kinh tế như mong đợi. Đó là chưa kể, với hơn 1.000 nhà máy nằm rải rác khắp các tỉnh miền núi, Nhà nước phải cần một khoản tiền không nhỏ để để đầu tư lưới truyền tải. Đây là gánh nặng rất lớn, nhất là trong điều kiện kinh tế hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ vẫn tiếp tục phát triển thủy điện nhưng các dự án phải đảm bảo được 5 nguyên tắc: Đảm bảo an toàn tuyệt đối (hồ đập, tính mạng nhân dân); Đảm bảo di dân, tái định cư đồng bộ, không tác động xấu đến môi trường; Đảm bảo hiệu quả phát điện, hiệu quả tổng hợp (môi trường, chống lũ, cung cấp nước); Thực hiện đúng quy định pháp luật (quy hoạch, lập dự án, thi công, giám sát, vận hành...).

(Đón đọc kỳ 2: Tiếp tục loại bỏ các dự án không đủ điều kiện)
 
Ngọc Loan/Icon.com.vn