Sự kiện

Tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện đến hộ nông thôn: Không còn nhiều thời gian

Thứ hai, 18/5/2009 | 11:20 GMT+7

9 tháng, toàn ngành Ðiện tiếp nhận xong 800 xã và bán điện đến 1 triệu hộ nông thôn. Tính đến “hạn chót” là tháng 6/2010, chỉ còn chưa đầy 15 tháng nữa, trong khi khối lượng còn lại phải tiếp nhận là trên 4.000 xã và bán điện trực tiếp đến hơn 6 triệu hộ dân nông thôn trên toàn quốc. Tìm biện pháp đảm bảo tiến độ và giải quyết những khó khăn trong công tác triển khai là bài toán khó đặt ra cho EVN.

 Từ quyết tâm đến hành động

Lưới điện hạ áp nông thôn huyện Mỹ Đức được cải tạo để phục vụ công tác xóa bán tổng
Với quyết tâm hiện thực hoá chủ trương của Chính phủ và Hội đồng quản trị EVN trong việc thực hiện chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp (TNLÐHA) và bán điện đến hộ nông thôn (BÐÐHNT) nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng điện khu vực nông thôn, thì kết quả thực hiện trong 9 tháng qua của ngành Ðiện là một nỗ lực rất lớn.Tại Hội nghị đánh giá công tác TNLÐHA và BÐÐHNT năm 2008 và bàn giải pháp năm 2009 do EVN tổ chức mới đây, ông Lê Văn Chuyển - Phó Ban Kinh doanh EVN cho biết: Ðể có thể triển khai nhanh, mạnh và tập trung trong công tác tiếp nhận, EVN đã xây dựng các cơ chế nhằm tạo điều kiện cho các công ty điện lực (CTÐL) có khả năng thu xếp nguồn lực đẩy mạnh triển khai chương trình như thu xếp các nguồn vốn vay ưu đãi, để lại phần chênh lệch doanh thu tăng lên sau khi tiếp nhận... cũng như sớm kiến nghị Bộ Công Thương ra văn bản chỉ đạo các sở công thương hợp tác chặt chẽ với ngành Ðiện thực hiện tốt công tác TNLÐHA và BÐÐHNT.

“Ðầu” đã xuôi… Ðến phần việc của mình, các công ty điện lực cũng đã sớm chỉ đạo các điện lực hoàn tất phương án tiếp nhận tại địa phương, quán triệt đến toàn thể CBCNV nhận thức đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình, từ đó quyết tâm thực hiện công việc. Bài học kinh nghiệm chung từ các đơn vị làm tốt công tác tiếp nhận trong thời gian qua như Công ty Ðiện lực 2, Công ty Ðiện lực Ninh Bình, Công ty Ðiện lực 1... đó là lãnh đạo đơn vị phải quyết tâm, nhận thức đầy đủ về mục tiêu mở rộng thị trường bán lẻ và việc điện lực tiếp nhận lưới điện, bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn đã và sẽ  mang lại những lợi ích lớn cho người tiêu dùng điện ở nông thôn, cho ngành Ðiện và cho toàn xã hội. Từ quyết tâm cao, phải có những chương trình hành động thực tế quyết liệt và hiệu quả. Việc chủ động phối hợp với các sở, ban ngành của địa phương để kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng chính là những yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong công tác tiếp nhận ở các đơn vị này.

Khó nhưng không thế chậm

Từ nay đến tháng 6/2010, thời điểm ấn định của Chương trình TNLÐHA và BÐÐHNT với mục tiêu cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận là không còn dài. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác tiếp nhận cho thấy đã và sẽ vẫn còn nhiều khó khăn nảy sinh. Cụ thể, một số địa phương bằng cách này hay cách khác đã bày tỏ sự ủng hộ và hậu thuẫn cho sự tồn tại và phát triển của các tổ chức điện nông thôn và cho rằng các tổ chức này đang hoạt động ổn định, có hiệu quả, mang lại lợi nhuận. Một số HTX kinh doanh điện nông thôn, công ty cổ phần… đang kinh doanh có lãi cương quyết không bàn giao lưới điện mặc dù đã có chủ trương của lãnh đạo tỉnh, huyện; hoặc nếu có đồng thuận bàn giao thì đưa ra các điều kiện khắt khe như đòi hỏi phải hoàn vốn theo giá thị trường.

Một thực tế đang làm khó cho các đơn vị là địa phương hay tổ chức bán lẻ điện nông thôn yêu cầu ngành Ðiện khi tiếp nhận lưới điện phải tiếp nhận cả nhân lực, trong khi đa số nhân lực làm việc ở các tổ chức này chưa đủ trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ. Việc tiếp nhận toàn bộ số lao động sẽ đi ngược lại chủ trương tinh giảm lao động của EVN.  

Những vấn đề liên quan đến tồn tại sau khi tiếp nhận cũng là những lo lắng của các đơn vị. Nguồn chênh lệch giá bán điện sau khi tiếp nhận để lại cho đơn vị trong 3 năm đầu tiên không “thấm tháp” vào đâu so với chi phí cho công tác đầu tư cải tạo lưới điện. Theo tính toán của Công ty Ðiện lực 1, với mức sử dụng bình quân chỉ khoảng 60 kWh/hộ/tháng tính chung các xã đã tiếp nhận (khu vực miền núi chỉ khoảng 21 kWh/tháng/hộ), với mức giá bán lẻ bình quân đạt 648 đồng/kWh, tỷ lệ tổn thất điện năng bình quân 25,8% thì với việc tiếp nhận được gần 600 xã (kể từ khi chương trình tiếp nhận bắt đầu), chênh lệch doanh thu đến nay chỉ vẻn vẹn có trên 3 tỷ đồng.

An toàn điện, chất lượng điện và tỷ lệ tổn thất điện năng sau tiếp nhận cũng là vấn đề nan giải  đòi hỏi phải đầu tư nhiều tiền bạc và công sức, nhưng trong bối cảnh định biên lao động không được tăng thêm đã tạo nên áp lực lớn cho đơn vị triển khai. Ở góc độ chủ quan, một số công ty điện lực, điện lực còn tỏ ra lúng túng trong việc điều động, bố trí nguồn nhân lực quản lý điện tại địa bàn tiếp nhận, đặc biệt là tổ chức lực lượng làm dịch vụ bán lẻ điện năng.

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Mạnh Hùng cương quyết: Năm 2009, kế hoạch toàn ngành sẽ phải tiếp nhận 2.930 xã, song 2 tháng đầu năm mới tiếp nhận được 153 xã với hơn 156 nghìn hộ. Dó đó, công việc của các tháng còn lại rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của tất các các công ty điện lực cũng như các phòng ban chức năng liên quan của Tập đoàn. Các đơn vị cần chủ động sáng tạo trong triển khai, không thể vì lý do trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn lưới điện sau tiếp nhận hay e ngại tỷ lệ tổn thất điện năng tăng cao mà chần chừ trong công tác này.

Ông Hùng yêu cầu các đơn vị: Khi đã tiếp nhận, phải chú trọng cải tạo lưới điện để đảm bảo cung cấp điện an toàn và hiệu quả hơn, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, đảm bảo chất lượng dịch vụ, công tác giao tiếp khách hàng. Riêng với vấn đề lao động, các đơn vị cần chủ động sắp xếp bố trí nhân lực để có thể đảm bảo yêu cầu quản lý vận hành, trong đó chú trọng vào lao động kỹ thuật, quản lý vận hành, nhưng cũng cần cân nhắc vấn đề tiết kiệm lao động, nâng cao năng suất lao động và tính toán chặt chẽ về chi phí, mức lương sao cho hiệu quả đúng quy định. Ðội ngũ đại lý điện nông thôn cần được sử dụng hiệu quả. Ðể đảm bảo công tác an toàn vận hành lưới điện sau tiếp nhận, các công ty, điện lực cần trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ cho đội ngũ vận hành, sửa chữa, đồng thời tích cực tuyên truyền cho nhân dân hiểu về công tác an toàn sử dụng điện để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Theo TCĐL số 4/2009