Sự kiện

Tiết kiệm điện phải khởi nguồn từ ý thức

Thứ ba, 9/11/2010 | 09:10 GMT+7

Làm thế nào để việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện không còn là lý thuyết hay sự hưởng ứng có phong trào, mà thực sự đi vào ý thức người dân và đời sống của mỗi hộ gia đình. Sự vào cuộc tích cực của các tổ chức xã hội, giáo dục trong thời gian qua đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, trong việc sử dụng điện một cách tiết kiệm và hiệu quả. Một trong những giải pháp đơn giản và hữu hiệu nhất, đó chính là: phải bắt đầu từ ý thức.

Ông Lê Thành Công, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bến Tre: “Mỗi năm tiết kiệm 10% năng lượng tiêu thụ”

Cùng với sự phát triển của nhà trường thì nhu cầu sử dụng năng lượng điện cũng ngày một tăng cao. Hằng tháng, trường tiêu thụ trung bình khoảng 10.138 kWh, chi phí cho lượng điện tiêu thụ này là rất lớn. Từ đầu năm 2009, hưởng ứng phong trào tiết kiệm điện, Trường Cao đẳng Bến Tre đã thay thế các thiết bị tiêu thụ điện chính của nhà trường như: Sử dụng các bóng đèn huỳnh quang tiết kiệm 28W ở khu vực phòng học, văn phòng, phòng chức năng. Sử dụng hợp lý hệ thống thiết bị văn phòng: Cài đặt chế độ energy save (TKĐ) cho các máy photocoy, chế độ standby cho các máy vi tính, thay dần các máy vi tính màn hình CRT bằng các máy vi tính màn hình LCD. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đang thay dần các máy lạnh cũ thường xuyên hư hỏng bằng các máy lạnh hai cục mới có hiệu suất cao hơn. Ngoài ra, nhà trường cũng thành lập tổ quản lý năng lượng bao gồm các bộ phận liên quan có trách nhiệm theo dõi, quản lý năng lượng tiêu thụ, hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí. Với sự nỗ lực của toàn thể CB, CNV–GV, sinh viên, hàng năm nhà trường tiết kiệm được 10% tổng năng lượng tiêu thụ so với các năm trước đây khi nhà trường chưa cải tạo. Mỗi năm nhà trường tiết kiệm được hơn 11,6 triệu đồng tiền điện.

Bà Lê Thị Tám - Chủ tịch Hội phụ nữ Nghệ An: Đèn compact đã thông dụng

Thời gian qua, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An có nhiều nội dung truyên truyền về TKĐ thông qua việc lồng ghép các chương trình. Ví dụ: Phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ngoài ra, thông qua Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ VN, Công ty Điện lực Nghệ An, Hội cũng nhận hàng vạn tờ rơi có nội dung hướng dẫn sử dụng những loại bóng đèn, thiết bị tiết kiệm điện an toàn, hiệu quả. Trong những kỳ họp, tập huấn bồi dưỡng về công tác của Hội, Hội chuyển những tờ rơi này đến các chi hội và đến tận tay các hộ gia đình.

Thực tế đến nay, đèn compact TKĐ đã khá thông dụng tại Nghệ An, nhiều hộ gia đình ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn cũng ưa chuộng loại bình năng lượng nước nóng mặt trời. Những cách làm của Hội phụ nữ Nghệ An sẽ góp phần chia sẻ với những khó khăn tạm thời của ngành Điện lực.

Bà Nguyễn Thị Phi Nga – Chuyên viên Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội, Đặc phái viên phụ trách vấn đề tiết kiệm năng lượng: “Tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức:

Theo kết quả điều tra ở Việt Nam, lượng điện tiêu thụ tại các hộ gia đình chiếm khoảng 35-40% tổng lượng điện tiêu thụ quốc gia. Trung bình mỗi hộ dân khu vực đô thị chi khoảng 6-8 triệu đồng/năm cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng, bao gồm: Chiếu sáng, nước nóng, đun nấu, quạt máy, điều hòa, máy vi tính, tivi… Chính vì thế, mỗi hành động tiết kiệm năng lượng của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình sẽ góp phần giảm mức tiêu thụ điện, tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm một phần lớn chi phí cho gia đình và quốc gia.

Từ năm 2007, thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,  Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội đã triển khai trong cơ quan và các đơn vị trực thuộc cùng 2 quận Gia Lâm và Thanh Xuân, thực hiện tiết kiệm điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm…chú trọng đến vấn đề “Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng”. Đặc biệt, hàng năm Hội tổ chức các cuộc thi cho các đội, các CLB tham gia tuyên truyền về ý thức sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.
Trong 2 tháng 6 và 7/2010, Hội cũng đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho các cộng tác viên, tuyên truyền viên về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn 10 quận nội thành Hà Nội. Nhằm đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, thúc đẩy các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, tập huấn kèm theo phiếu đăng ký cho các hộ. Từ những thành công có được, Hội đánh giá rất cao của hiệu quả của công tác tuyên truyền vận động, từ tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức. Nhận thức mà được nâng cao thì mọi người sẽ thay đổi được thói quen và có những hành vi tốt.

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC): “Tiết kiệm năng lượng hộ gia đình: Hiệu quả, thiết thực”

Hiện nay, bên cạnh việc kêu gọi tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà, khu công nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp,… thì việc tiết kiệm năng lượng ngay tại hộ gia đình được xem là một hoạt động rất có ý nghĩa. Điện năng tiêu thụ của các hộ gia đình Việt Nam chiếm 35-75% tổng lượng điện năng trong đó tại TP.HCM là 36%. Các hộ gia đình sử dụng điện không bị ràng buộc bởi các văn bản, quy chuẩn pháp luật như đối với điện dùng trong sản xuất, điện công nghiệp, do đó kêu gọi tiết kiệm điện hộ gia đình trên tinh thần vận động sự tự nguyện. Tiền điện các hộ gia đình ở TP.HCM phải trả là 5.200 tỷ đồng/năm, nên nếu mỗi hộ tiết kiệm 10% tiền điện thì số tiền sẽ rất lớn. Do đó, thành phố đã kêu gọi người dân, hộ gia đình thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Ngày 27/03, Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM kêu gọi 100.000 hộ gia đình thực hành tiết kiệm điện diễn ra song hành với giờ trái đất năm 2010. Đây là lần đầu tiên chương trình thực hiện cấp thành phố theo diện rộng. Đến nay, với việc tổ chức tích cực của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố từ tổ hội, chi hội phụ nữ ở 24 quận, huyện, trên thực tế đã có 87.000 hộ đăng ký với mức kêu gọi giảm 9% tiền điện trong năm 2010. Trong cuộc vận động này chúng tôi hướng đến phụ nữ vì đây là đối tượng tiềm năng, người nắm “tay hòm chìa khóa”, đồng thời là người đóng vai trò lớn trong giáo dục con cái và cũng là người sử dụng điện thường xuyên nhất các đồ điện trong gia đình.

Ngoài ra, tại một số quận trên địa bàn TP.HCM cũng triển khai các mô hình sử dụng điện năng từ năng lượng mặt trời trong nhiều năm nay. Với hệ thống tấm Soler Panel, hệ thống Soler energy trong hộ gia đình đã biến đổi năng lượng mặt trời thành các dạng năng lượng khác như nhiệt năng và điện năng dùng cho sinh hoạt trong gia đình. Hiện chính quyền TP.HCM đã hỗ trợ 1 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình ứng dụng phương thức này.

Bằng những việc làm cụ thể, việc tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình đã không còn là lý thuyết hay sự hưởng ứng có phong trào nữa, mà đã thực sự đi vào ý thức và đời sống của mỗi hộ gia đình. Chính hành động này đã góp phần rất lớn trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Chiểu - Chủ tịch Hội nông dân Thừa Thiên – Huế: Ý thức tiết kiệm điện đã tăng lên

Qua những hội nghị tập huấn, công tác hội, Hội nông dân Thừa Thiên - Huế khuyến khích bà con nông dân mua và sử dụng đèn compact vì những lợi ích mà nó đem lại. Tuy nhiên, tại một số vùng sâu, vùng xa của tỉnh, vì giá bán bóng đèn còn cao, nên nhiều hộ nông dân dù đã ý thức được tính năng tiết kiệm điện của đèn compact, nhưng do điều kiện kinh tế, nên họ vẫn chưa thay thế được ngay một lúc các bóng đèn sợi đốt bằng compact.

Với những gia đình dùng nhiều bóng đèn, họ sẽ mua thay thế vài bóng đèn compact trước, sử dụng song song với đèn sợi đốt. Khi có điều kiện họ sẽ chuyển sang dùng toàn bộ compact. Điều đó cho thấy tiết kiệm điện từ trong ý thức của hội viên đã tăng lên đáng kể.

Thừa Thiên - Huế có 70% là nông dân, tổ chức Hội nông dân gắn trực tiếp với quyền lợi và nguyện vọng của người nông dân. Qua đây, tôi đề nghị EVN tiếp tục phối hợp với hội nông dân tại các địa phương để triển khai các chương trình truyền thông về tiết kiệm điện cho người dân. Tôi tin hiệu quả của công tác tuyên truyền sẽ ngày được nâng cao.

Theo: TCĐL số 9/2010