Ra mắt các TCT Điện lực

Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh: Đảm bảo điện cho thành phố phát triển

Thứ hai, 24/5/2010 | 10:20 GMT+7

Hòa cùng không khí cả nước chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) chính thức ra đời và đi vào hoạt động trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực TP.HCM theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 768/QĐ-BCT, ngày 5/2/2010 của Bộ trưởng


 
Lễ ra mắt Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh.


Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một chặng đường phát triển trong 35 năm qua; đặc biệt là trong hơn hai mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng; mở ra một giai đoạn phát triển mới của Tổng công ty Điện lực TP. HCM nói riêng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung trong những thập kỷ tới.

Xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển, Tổng công ty Điện lực TP.HCM luôn nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho nhân dân và đáp ứng yêu cầu tăng trưởng cao của kinh tế thành phố.

Nhớ lại, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Sở Quản lý và Phân phối Điện TP.HCM (đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực Miền Nam - nay là Tổng công ty Điện lực Miền Nam) tiếp nhận một hệ thống lưới điện cũ nát với tổng dung lượng chưa đến 600MVA, cung cấp cho khoảng 250.000 khách hàng, sản lượng điện thương phẩm cả năm là 645 triệu kWh; sản lượng điện bình quân đầu người/năm là 187kWh; công suất cực đại hệ thống chỉ đạt 143 MW và tỷ lệ tổn thất điện năng trên 22%.

Năm 1995, năng lực hệ thống điện đã được nâng cao với công suất cực đại và sản lượng điện thương phẩm tăng hơn 4 lần, sản lượng điện cả năm đạt 2 tỷ 815 triệu kWh, tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm, còn trên 17%. Đánh dấu bước trưởng thành đó, ngày 8/7/1995, Bộ Năng lượng đã có quyết định thành lập lại Công ty Điện lực TP.HCM - trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

Đến nay, ngành điện thành phố phát triển mạnh về chiều rộng và chiều sâu với hàng loạt các công trình qui mô, hiện đại ra đời; hệ thống phân phối điện của thành phố cơ bản được nâng cấp, hiện đại hóa; nhiều công nghệ mới được ứng dụng; một số lĩnh vực kinh doanh mới được mở ra… đã tạo lên sự thay đổi lớn về cơ cấu, phương thức và cung cách kinh doanh. Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã quản lý khối lượng lưới điện tăng đáng kể, sản lượng điện thương phẩm cũng tăng gần gấp 5 lần (đạt 13 tỷ 262 triệu kWh – chiếm 18% so với cả nước), gần 1,7 triệu khách hàng và sản lượng điện bình quân đầu người/năm gần 2.000kWh (cao hơn gấp đôi so với mức bình quân cả nước). Công suất cực đại tăng gấp 3,7 lần (2.245MW) và tỷ lệ tổn thất hiện nay chỉ còn xấp xỉ 6%. Đặc biệt, TP.HCM là đơn vị hoàn thành sớm nhất chương trình điện khí hóa (năm 1998), đồng thời khẳng định được tính ưu việt của mô hình ngành Điện trực tiếp quản lý bán điện ở khu vực nông thôn.

Đến năm 2009, sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty đạt 13 tỷ 262 triệu kWh, chiếm lỷ lệ 17,87% sản lượng điện thương phẩm của EVN. Sản lượng điện ngày cao nhất lên đến 44,57 triệu kWh, tương đương công suất đỉnh là 2.245,3MW. Doanh thu đạt 15.820,93 tỷ đồng; số khách hàng sử dụng điện trên địa bàn thành phố đến nay gần 1,7 triệu khách hàng.

Những năm qua, trung bình mỗi năm Tổng công ty đầu tư 700-800 tỷ đồng xây dựng đường dây, trạm biến áp, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của phụ tải; trong đó có các công trình chuyền tải phục vụ các khu vực sản xuất trọng điểm của thành phố như: các KCN Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc, Tân Tạo. Đến nay, lưới chuyền tải do Tổng công ty quản lý gồm gần 400 km đường dây 110kV, 33 trạm trung gian 110kV với dung lượng lắp đặt gần 3.000 MVA; 4.927 km đường dây trung thế; 9.415 km lưới hạ thế. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng ứng dụng hệ thống quản lý thông tin trên nền địa lý GIS trong quản lý, vận hành lưới điện…Kết quả là trong những năm qua, hệ thống lưới điện của thành phố hoạt động ổn định, hiệu quả, hầu hết các tuyến dây 15kV vận hành với độ dự phòng cao; suất sự cố lưới điện và trạm biến áp phân phối giảm hẳn, thấp hơn 20% so với chỉ tiêu tập đoàn giao. Suất sự cố lưới trung thế giảm 43% đối với suất sự cố vĩnh cửu; độ tin cậy được cải thiện đáng kể, năm 2009 số lần mất điện của hệ thống (SAIFI) giảm 28%; tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2009 chỉ còn 6,03%.

Song song đó, Tổng công ty cũng thực hiện nhiều công trình thiết thực về an sinh xã hội, chung tay cùng thành phố xây dựng hình ảnh thành phố văn minh như: ngầm hóa lưới điện; chỉnh trang dây thông tin treo trên trụ điện; kết hợp cùng với các dự án lớn đầu tư đồng bộ hệ thống điện, gây ấn tượng tốt với du khách và bạn bè quốc tế như dự án đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, cầu Thủ Thiêm, cầu đường Nguyễn Văn Cừ, Đại lộ Đông Tây…

Thực hiện chương trình tiết kiệm điện, Tổng công ty đã có nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, và là đơn vị đi đầu trong EVN hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu. Từ năm 2006-2009, toàn thành phố tiết kiệm 525,4 triệu kWh, chiếm 19,4% sản lượng tiết kiệm toàn tập đoàn. Công tác kinh doanh viễn thông cũng có bước phát triển mạnh mẽ, số thuê bao mới và thuê bao tích lũy đều đạt chỉ tiêu đề ra.

Đặc biệt trong những năm qua, Tổng công ty tập trung mạnh mẽ khâu cải cách hành chính, áp dụng chương trình dịch vụ một cửa tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng. Hiện nay, ngoài việc thu tiền điện tại các điểm thu của 15 điện lực trực thuộc, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã liên kết, mở rộng việc thanh toán tại 340 điểm thu có thông báo “Điểm thu tiền điện” của các ngân hàng liên kết với Tổng công ty trên địa bàn TP.HCM  và thanh toán tại hơn 186 điểm bưu cục trực thuộc Bưu điện TP. HCM.

Song song đó, khách hàng có thể thanh toán qua các các kênh thanh toán điện tử ATM Internet banking/Mobile phone/SMS; thanh toán tiền điện qua hệ thống ATM với hơn 1.080 máy của các ngân hàng: Ngoại thương Việt Nam, Công thương Việt Nam, TMCP Đông Á;  TMCP Sài Gòn Thương Tín; TMCP Á Châu.   Khách hàng còn có thể thanh toán tiền điện qua Internet, tin nhắn SMS tại các ngân hàng: TMCP Đông Á, TMCP Á Châu, TMCP Kỹ thương Việt Nam.

Bên cạnh đó, đối với khách hàng là các doanh nghiệp, Tổng công ty có hình thức thanh toán bằng Ủy nhiệm thu, Ủy nhiệm chi tại các ngân hàng: Đông Á, BIDV, An Bình, Á Châu, SACOMBANK, Việt Á, TECHCOMBANK.

Khảo sát ý kiến khách hàng gần đây cho thấy, có 96,7% khách hàng hài lòng với các dịch vụ của Tổng công ty, EVN cũng đã cho số điểm tuyệt đối 100/100 về công tác dịch vụ khách hàng. Điều này cho thấy, mỗi CBCNV của Tổng công ty đã nhận thức được rằng: ngành điện trước hết là một ngành dịch vụ, phục vụ khách hàng theo phương châm “Lương tâm, trách nhiệm, hiệu quả”. Mọi hoạt động phải hướng đến việc nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng cho khách hàng, theo đúng văn hóa của EVN “khách hàng chính là sự tồn tại của chúng tôi”.

Bên cạnh việc có hơn 800.000 công nhân, sinh viên, người lao động thuê nhà trả tiền điện theo đúng giá qui định. Tổng công ty đã tiến hành gắn 30.000 điện kế cho các hộ nghèo, hẻm sâu, vùng xa; tạo thuận lợi tối đa cho 327 khách hàng - là các doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn - ổn định sản xuất

Hoạt động theo mô hình mới, Tổng công ty Điện lực TP.HCM càng thấy hơn trách nhiệm lớn lao mà Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tin tưởng giao phó. Sự phát triển nhanh chống của thành phố cũng như yêu cầu của thực tế đặt ra đòi hỏi Tổng công ty Địên lực TP. HCM phải nâng tầm để đáp ứng được những yêu cầu của những nhiệm vụ to lớn đó.

Theo đó, để đáp ứng chỉ tiêu tăng GDP bình quân 10-11% của thành phố giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến 2020, Tổng công ty Điện lực TP.HCM phấn đấu đạt mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân 8%/năm, trong đó năm 2010 đạt 14,3 tỷ kWh. Đến năm 2015 đạt 23 tỷ kWh, công suất cực đại đạt 3.500 MW và năm 2020 đạt sản lượng 35 tỷ kWh và công suất cực đại 6.000MW.

Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Tổng công ty tập trung vào một số giải pháp cơ bản: Một là, tăng cường đầu tư, thực hiện đúng tiến độ các công trình điện đáp ứng nhu cầu phụ tải; kết hợp đầu tư và cải tạo hệ thống phân phối hiện đại nhằm tăng tính an toàn hiệu quả của hệ thống phân phối, giảm thất thoát. Hai là, không ngừng nâng cao công tác quản lý, kinh doanh, áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ, thỏa mãn những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ba là, hoàn thiện cơ cấu bộ máy, tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Với mô hình hoạt động mới, kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, Tổng công ty Điện lực TP.HCM phấn đấu trở thành nhà kinh doanh bán lẻ và cung ứng các sản phẩm dịch vụ về điện một cách chuyên nghiệp, hiệu quả; hoàn thành nhiệm vụ cung ứng điện một cách tốt nhất cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy tăng trưởng GDP của thành phố. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực; mở rộng lĩnh vực kinh doanh, chuẩn bị mọi điều kiện để đón đầu thị trường điện lực cạnh tranh.

Theo: CôngThương