Sự kiện

Tổng công ty Điện lực miền Nam : Trăn trở điện nông thôn

Thứ tư, 16/6/2010 | 10:25 GMT+7

Tổng công ty Điện lực miền Nam đã tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến 100% hộ dân tại 12/20 tỉnh thành. Kế hoạch đến mốc thời gian tháng 6/2010 sẽ cơ bản hoàn thành, tuy nhiên…


 
Kiểm tra lưới điện hạ thế, chống thất thoát và giảm tỷ lệ tổn thất điện năng    

Tuyên truyền tốt, hiệu quả cao

Nhằm đạt kết quả cao trong công tác tiếp nhận, Tổng công ty (TCT)và các công ty điện lực tích cực, tranh thủ mọi diễn đàn để tuyên truyền về công tác bàn giao, tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, như: Hội nghị giao lưu giữa Tổng công ty Điện lực miền Nam với các tỉnh thành phía Nam, gặp mặt chúc Tết địa phương nhân dịp năm mới, họp tiếp xúc cử tri, họp Hội đồng Nhân dân… Tại đây, Tổng công ty đã phân tích cho cán bộ, nhân dân địa phương nhận ra được những ưu việt khi ngành Điện quản lý, bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn. Đó là, người dân được hưởng giá bán điện sinh hoạt bậc thang của Nhà nước; lưới điện đảm bảo vận hành an toàn; chất lượng điện năng và dịch vụ điện được tốt hơn; lưới điện được nâng cấp, cải tạo sửa chữa kịp thời, người dân không phải mất tiền, không phải chịu chi phí đầu tư đường dây nhánh đến công tơ,…

Thực hiện “mưa dầm thấm lâu”, tất cả các công ty điện lực trực thuộc cũng triển khai tuyên truyền kiên trì, sâu, rộng tới từng thôn xóm, tổ đội  thuộc cấp xã trở lên. Đồng thời, với những địa phương vừa tiếp nhận, TCT đã chú trọng cải tạo lưới điện, nâng chất lượng điện áp, chất lượng phục vụ… nên đã xây dựng được niềm tin của khách hàng, tạo ra hiệu ứng “tiếng lành đồn xa” đến các xã, huyện, tỉnh lân cận. Cũng từ công tác tuyên truyền, lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã của nhiều địa phương rất ủng hộ, phối hợp rất tốt trong việc thực  hiện chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện. Đặc biệt là các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước… Chỉ trong thời gian chưa đầy một năm từ khi ngành Điện triển khai công tác tiếp nhận, các tỉnh này đã đạt 100% số xã bàn giao cho ngành Điện quản lý, bán điện trực tiếp tới hộ dân.

Và những trăn trở

Việc tiếp nhận, bán lẻ điện đến hộ dân nông thôn đã làm gia tăng khối lượng quản lý về lưới điện và khách hàng. Để giải quyết áp lực tăng nhân sự, Tổng công ty Điện lực miền Nam áp dụng mô hình dịch vụ bán lẻ điện năng (DVBLĐN) tham gia ghi chỉ số công tơ và thu tiền điện. Các công ty điện lực ưu tiên tuyển những người của các tổ chức ĐNT đã tiếp nhận, người địa phương thông thạo địa bàn… nhưng phải đáp ứng các quy định trong quy chế về tổ chức và hoạt động và tổ chức dịch vụ bán lẻ điện của EVN. Các cá nhân làm dịch vụ đều được công ty điện lực đào tạo, bồi huấn nghiệp vụ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ ghi chỉ số công tơ và thu tiền. Ngoài ra, họ còn đảm nhiệm thêm các công tác khác như: Báo cáo khách hàng sử dụng điện sai mục đích, khách hàng vi phạm sử dụng điện, gửi tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện, gửi khách hàng ký hợp đồng mua bán điện sinh hoạt, báo cáo các trường hợp khiếm khuyết lưới điện... theo các thỏa thuận trong hợp đồng.

Một trở ngại lớn trong việc tiếp nhận là lưới điện hạ áp sau công tơ tổng tại một số khu vực đã quá cũ nát, bán kính cấp điện quá xa, có nơi dài hơn 2 km, nhiều nơi lưới điện treo trên cây cối, không trụ… Do đó, để bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng điện tại các khu vực này, phải tổ chức sửa chữa lớn hoặc phải đầu tư xây dựng lưới điện mới. Hơn nữa, hầu hết lưới điện không đồng bộ nên khâu khảo sát, định giá trị tài sản rất phức tạp, nhất là tài sản tiếp nhận thuộc sở hữu của tập thể với số lượng chủ tài sản rất lớn (trên địa bàn Tổng công ty hiện còn gần 2.000 công ty, HTX, tổ điện chưa bàn giao cho ngành Điện) nên công tác vận động gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, tại các tỉnh chưa đạt 100% số xã bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn như Tiền Giang, cũng chỉ còn 2 xã với số hộ dân chưa được ngành Điện bán điện trực tiếp là 4.667 hộ dân. Hay tỉnh Đồng Tháp, còn 3 xã với 6.588 hộ sử dụng điện. Tỉnh Ninh Thuận, còn 3 xã, với 6.350 hộ sử dụng điện… Hiện, tỉnh An Giang và Bình Thuận là 2 tỉnh có tỉ lệ hộ dân mua điện từ các HTX nhiều nhất (An Giang là gần100% số xã, thị trấn với 243.229 hộ, Bình Thuận 66 xã, thị trấn với 99.670 hộ). Đây là “bài toán” còn rất nan giải trong công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại Tổng công ty Điện lực miền Nam.

Ông Trần Ngọc Lâm - Trưởng ban Quan hệ cộng đồng, Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết: Việc mở rộng địa bàn bán điện, từng bước chiếm lĩnh thị phần khu vực nông thôn là một trong những mục tiêu trọng tâm của lãnh đạo và toàn thể CBCNV Tổng công ty. Bằng nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ, đến nay, Tổng công ty đã cơ bản hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn theo kế hoạch Tập đoàn giao. Tuy nhiên, việc tiếp nhận lưới điện từ các tổ chức ĐNT đang hoạt động, trong đó có những tổ chức quy mô lớn như Công ty Điện nước An Giang, các công ty cổ phần điện ở nhiều huyện… còn có những khó khăn.

Số xã, phường đã có điện lưới quốc gia là 2.273/2.293 số xã phường trên địa bàn Tổng công ty (đạt 99,13%)

- Tổng công ty đã bán điện đến  4.940.981/5.589.535 hộ dân có điện lưới quốc gia.

Theo: TCĐL số 5/2010