Hệ thống điều hành SCADA chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ xa của PC Nghệ An.
Điều này đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Tính đến 30/01/2023, PC Nghệ An có 19/19 TBA không người trực. Do ứng dụng công nghệ hiện đại này nên hiện nay tại các TBA 110 kV không còn công nhân trực vận hành. Toàn bộ các thao tác đóng cắt, điều khiển thiết bị trạm được tiến hành tại Trung tâm Điều khiển xa, qua đó đã giải phóng toàn bộ kíp trực, loại bỏ việc ghi chép, nhập thủ công toàn bộ các thông số của các thiết bị trạm, loại bỏ việc thao tác trong trạm theo mệnh lệnh của cấp có quyền điều khiển thông qua điện thoại và các tình huống gây mất an toàn, rủi ro khi công nhân vận hành trực tiếp thao tác trên thiết bị.
Việc phát triển mô hình TBA không người trực nằm trong lộ trình xây dựng lưới điện thông minh để hướng tới mục tiêu hiện đại hóa, tự động hóa... Đối với TBA 110 kV xây dựng mới thì bắt buộc thiết kế theo tiêu chí không người trực nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện truyền tải. Cùng với đó là việc cải tạo, nâng cấp các TBA 110 kV thành các TBA không người trực có thiết bị điều khiển từ xa. Mô hình này đã và đang giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đổi mới và cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống điện.
Theo đó, các thao tác đối với hệ thống thiết bị, việc thu thập thông số kỹ thuật đều được thực hiện tự động. Mọi hoạt động đóng cắt, vận hành lưới, giám sát quá trình hoạt động, thu thập dữ liệu của trạm đều được điều khiển từ xa, giám sát qua hệ thống camera từ Trung tâm Điều khiển xa.
Ông Nguyễn Công Dũng – Phó Trung tâm Điều khiển xa PC Nghệ An cho biết: “Hệ thống SCADA thực hiện thu thập số liệu, giám sát, điểu khiển và vận hành đóng cắt thiết bị từ xa. Do vậy, các TBA 110 kV không người trực là giải pháp tối ưu cho việc điều khiển hệ thống điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, qua đánh giá thực tế, TBA không người trực đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: Giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị; Rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện... Từ đó đã giảm tối đa nhân lực vận hành, giảm khối lượng công việc mà nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi, ghi chép và báo cáo, nâng cao năng suất lao động.
Hơn nữa, trong điều kiện thời tiết xấu như mưa gió, bão lũ, việc sử dụng hệ thống SCADA để thao tác cắt điện các đường dây, TBA, thực hiện cấp điện trở lại cho khách hàng được tiến hành nhanh hơn, ngăn ngừa nguy cơ sự cố gây mất an toàn cho người và thiết bị.
Kiểm tra thông số kỹ thuật MBA 40 MVA-115/38,5/23kV trước khi đóng điện đưa vào vận hành TBA điều khiển xa.
Ngoài ra, khi theo dõi trực tiếp thông qua hệ thống máy tính, các nhân viên vận hành tại Trung tâm Điều khiển xa biết được tình hình vận hành tức thời trên lưới điện như điện áp, dòng điện, công suất… Điều này góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy để bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng được các yêu cầu sử dụng điện ngày càng cao trên địa bàn.
Trong năm 2023, dưới sự chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, PC Nghệ An dự kiến sẽ tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng… trạm biến áp số, sử dụng hiệu quả tối đa các bộ dữ liệu được thu thập để phục vụ giám sát, quản trị và dự báo trong công tác vận hành. Thông qua việc đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học trong công tác quản lý vận hành đã bảo đảm nhu cầu điện trong sản xuất, sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương, giúp người dân bảo đảm nhu cầu điện trong sản xuất, sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Link gốc