Viễn thông

Trung tâm Viễn thông Điện lực Cao Bằng- Với việc kinh doanh và phát triển viễn thông điện lực

Thứ năm, 27/12/2007 | 10:38 GMT+7

Trung tâm Viễn thông Điện lực Cao Bằng (TTVTĐLCB) được thành lập theo Quyết địnb Số 2697/CLĐ-ĐL1-P3, ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Công ty Điện lực 1 (PCI), với chức năng nhiệm vụ chủ yếu là kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ viễn thông công cộng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; trực tiếp khai thác kinh doanh cung cấp các sản  phẩm dịch vụ viễn thông công cộng, quản lý thuê bao, phát triển hỗ trợ và chăm sóc khách hàng trên địa bàn được giao quản lý; thực hiện thi công, lắp đặt các đường truyền và  kết nối nội hạt; quản lý vận hành hệ thống cáp quang truyền dẫn nội hạt; quản lý thống kê phân phối các đại lý phổ thông; thực hiện các nhiệm vụ có liên quan khác do Điện lực Cao Bằng giao.

Cao Bằng là tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc, có diện tích tự nhiên hơn 6.720 km2, đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 311 km, có một cửa khẩu chính, 2 cửa khẩu phụ. Dân số Cao Bằng có 52 vạn người, với 8 dân tộc chính là Tày. Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Kinh, Hoa, dân số thành thị chiếm 13%, nông thôn 87%; lao động nông - lâm nghiệp 79%, lao động công nghiệp - thương mại - dịch vụ 21%. Cao Bằng có 12 huyện và 1 thị xã với 194 xã, phường, thị trấn, 2.460 xóm, trong đó có 110 xã đặc biệt  khó khăn, 44 xã biên giới. Cao Bằng xa các trung tâm kinh tế của đất nước, địa hình chia cắt, diện tích đất nông nghiệp ít (khoảng 12%) lại phân tán, trong đó đất có khả năng lâm nghiệp chiếm 76% nhưng độ dốc lớn, không thuận lợi cho sản xuất hàng hoá tập trung; dân cư phân bố rải rác; kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, nhất là hệ thống giao thông; tỷ lệ hộ nghèo còn 41,68% (đến hết năm 2006 theo tiêu chí mới)... Bởi vậy, trong khi kinh doanh và phát triển viễn thông điện lực ở Cao Bằng lại phải cạnh tranh gay gắt với các hãng đã có thương hiệu quen thuộc từ lâu nay, như Vina fone, S-fone, Viettel, Mobifone, HaNoi Telecom là những khó khăn có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh và phát triển viễn thông Điện lực ở Cao Bằng, dẫn tới kết quả đạt được không cao. Song, được sự quan tâm và giúp đỡ, chỉ đạo của các cơ quan từ Trung ương tới địa phương (nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, PC1,,..). sự ủng hộ và hưởng ứng nhiệt tình của các sở, ban, ngành, đơn vị cùng nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, sự chỉ đạo và quản lý sát sao của lãnh đạo Điện lực Cao Bằng, sự đoàn kết và nỗ lực cố gắng, phấn đấu hết mình của đội ngũ cán bộ công nhân viên những người trực tiếp tham gia vào công tác kinh doanh và phát triển viễn thông điện lực; đặc biệt là trong kinh doanh và phát triển viễn thông điện lực, trưởng các chi nhánh điện đã làm tốt công tác thông tin và tuyên truyền thường xuyên trên các đài truyền thanh của huyện, xã, thị trấn, thôn, bản,... về sử dụng dịch vụ viễn thông điện lực; mặt khác, đội ngũ thu ngân đã phát tờ rơi đến từng hộ gia đình;... Qua đó đã khích lệ được mọi người lựa chọn và sử dụng dịch vụ viễn thông điện lực nên công tác kinh doanh và phát triển viễn thông điện lực đã đạt được những kết quả đáng mừng. Tính đến quý III năm 2007 này, TTVTĐLCB đã kinh doanh và phát triển được 10.393  thuê bao, doanh thu đạt gần 7 tỷ đồng; đặc biệt phát triển được 15 cửa hàng kinh doanh viễn thông;...

Có thể nói, tiếp tục bước vào kinh doanh và phát triển viễn thông điện lực trên địa bàn tỉnh Cao Bằng với điều kiện thuận lợi và thách thức cùng đan xen. Song, với các biện pháp nghiệp vụ và cách thức đã thực hiện trong kinh doanh của năm trước cũng như sự chỉ đạo, ủng hộ của các cấp các ngành cùng nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, nhất định năm 2008 này, TTVTĐLCB sẽ phấn đấu đạt 17.000 thuê bao, doanh thu đạt hơn 12 tỷ đồng,... đảm bảo thực hiện đúng là kế hoạch, góp phần không nhỏ vào thành tích chung của PC1 về công tác kinh doanh và phát triển viễn thông điện lực. 

Theo TChí ĐVN T11+12/2007