Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành chủ trì cuộc họp. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đó là một con sông mang số phận “truân chuyên” khi chỉ cách biển Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên không xa, mà phải chảy ngược qua đất Cam-pu- chia trước khi hòa mình vào biển lớn. Phần thượng lưu của Sê San nằm trong vùng đồi núi thấp, độ dốc địa hình trung bình, nhưng phần hạ lưu lại có những thung lũng sông nằm trong các hẻm sâu của các dãy núi cao, độ dốc địa hình khá lớn. Đây là điểm vô cùng thuận lợi cho việc phát triển hệ thống các nhà máy thủy điện bậc thang.
Công trình Nhà máy Thủy điện Yaly mở rộng là Nhà máy thứ 7 được xây dựng và khai thác trên dòng sông Sê San.
Đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công hầm vận hành 2. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Ngày 7-9-2022, Đoàn công tác do Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực Cao Xuân Thành; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành làm trưởng đoàn và các Nhà thầu đã kiểm tra hình hình thực hiện Dự án Nhà máy Thủy điện Yaly mở rộng. Mặc dù bắt đầu triển khai thi công công trình vào thời điểm dịch COVID -19 đang diễn ra phức tạp và căng thẳng (tháng 6-2021), song đến thời điểm hiện nay, tiến độ công trình đang được kiểm soát theo đúng tiến độ.
Sông Sê San được đánh giá là con sông đứng thứ ba trong các con sông của Việt Nam về tiềm năng thủy điện, sau sông Đà và sông Đồng Nai. Với chiều dài hơn 273km, dòng sông mang trên mình 7 công trình thủy điện lớn nhỏ, gồm: Thủy điện YaLy, Sê San 3, Plei Krông, Sê San 3A, Sê San 4, thủy điện Thượng Kon Tum và hiện nay đang thi công Thủy điện Yaly mở rộng. Với tổng công suất hiện hữu của 7 Nhà máy Thủy điện hàng năm, các nhà máy thủy điện trên sông Sê San cung cấp cho thị trường bình quân khoảng10 tỷ kWh điện. Đây là con số không nhỏ góp phần đóng góp vào hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt cũng như góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Ban Quản lý Dự án Điện 2 báo cáo tiến độ thi công công trình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Trong số các thủy điện đã và đang xây dựng trên dòng Sê San, thì công trình thủy điện YaLy là công trình được khởi công đầu tiên và cũng là thủy điện có công suất lớn nhất trong hệ thống thủy điện bậc thang Sê San. Ngày 4-11-1993, công trình thủy điện Ia Ly được khởi công xây dựng. Đến 12-5-2000, tổ máy số 1 chính thức phát điện, hòa vào lưới quốc gia. Công suất thiết kế của thủy điện IaLy là 720 MW, sản lượng điện bình quân theo thiết kế là 3,68 tỷ kWh/năm. Đây là công trình có phần lớn các hạng mục được xây dựng ngầm trong lòng núi, là công trình duy nhất ở Việt Nam có hệ thống cáp dầu 500 KV.
Ngoài thủy điện YaLy, trên dòng Sê San còn 2 thủy điện khác thuộc Công ty Thủy điện YaLy: Sê San 3 (Công suất thiết kế 260 MW, sản lượng điện bình quân thiết kế là 1,22 tỷ kWh/năm) và Nhà máy Thủy điện Plei Krông (công suất 100 MW, sản lượng điện bình quân 417 triệu kWh/năm). Trong đó, thủy điện Plei Krông là công trình có ý nghĩa rất quan trọng trong hệ thống thủy điện bậc thang sông Sê San bởi nhiệm vụ phát điện và điều tiết lượng nước lũ về hồ chứa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xả nước thừa vào mùa mưa, nâng cao hiệu ích cho các nhà máy phía hạ du công trình. Ngoài ra, còn có các thủy điện khác là: Sê San 3A, Sê San 4, thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty cổ phần Sông Đà và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý, khai thác.
Đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công hầm vận hành 2. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Các công trình thủy điện được xây dựng trên dòng sông Sê San đã đem đến rất nhiều công trình phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng, từ đường giao thông, trường học… Từ năm 2010, Công ty Thủy điện YaLy đã khai thác dịch vụ tham quan du lịch. Điểm thu hút nhất khách đến với YaLy chính là hệ thống nhà máy ngầm trong lòng núi, đập dâng, đập tràn xả lũ, hồ nước rộng lớn...
Khi điện mặt trời đã đạt trên 20.000 MW, thì việc mở rộng Nhà máy Thủy điện Ialy là vấn đề cấp thiết. Mặt khác, làm tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải trong mùa khô, đặc biệt là trong các giờ cao điểm, góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống, giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, cũng như tăng công suất phản kháng chạy bù cho hệ thống khi có yêu cầu...
Thi công hạng mục nhà máy thủy điện Ialy mở rộng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Năm 2021, EVN và Liên danh các Nhà thầu đã triển khai xây dựng Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng với 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy là 180 MW và dự kiến, năm 2024, hoàn thành việc xây dựng mở rộng, nâng tổng công suất nhà máy đạt 1.080MW.
Giá trị của việc mở rộng thủy điện không đơn thuần là phần điện năng tăng thêm do mở rộng công suất mà là giá trị về công suất khả dụng, khả năng tham gia phủ đỉnh, hoặc hỗ trợ hệ thống với thời gian nhanh nhất. Hiệu quả kinh tế thể hiện qua lượng điện năng mà phần mở rộng chuyển đổi được từ giờ thấp điểm sang giờ cao điểm. Khi mở rộng để tăng công suất đặt, các nhà máy thủy điện cũng cung cấp thêm một phần năng lượng đáng kể và nâng cao chất lượng điện cho hệ thống điện. Chính vì thế, trong cơ cấu nguồn điện tương lai, vai trò của các nhà máy thủy điện được xác định lại theo hướng đảm nhận vai trò phủ đỉnh biểu đồ phụ tải và dự phòng công suất sự cố (cho các nguồn điện mặt trời và gió) để phát huy tối đa ưu thế của thủy điện. Mặt khác, dự án còn giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của các thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án điện 2 (thuộc EVN), khối lượng đào đất đá hở đạt 64,4%; đắp đất đá đạt 34,1%; đào đất đá ngầm đạt 64,3%; bê tông hở đạt 13,2%; bê tông ngầm đạt 1,6%. Trong đó, theo kế hoạch, kênh dẫn vào và cửa lấy nước giai đoạn 1 và 2 hoàn thành ngày 30-11-2022, nhưng đến tháng 8-2022 đã hoàn thành 100%, sớm hơn 3 tháng so với tiến độ đã được phê duyệt.
Các hạng mục đã hoàn thành đúng tiến độ, gồm: Ngầm tràn, hầm phụ 1-2-2A-2B-3-3A, ngách thi công, đê quây cửa lấy nước, hầm vận hành VH2, đào và gia cố buồng trên, buồng dưới tháp điều áp, tường dẫn dòng T1, đào và gia cố hố móng Nhà máy, kênh dẫn dòng (phạm vi không vướng rừng tự nhiên), tường chắn TC2, hố móng kênh dẫn vào và cửa lấy nước giai đoạn 1 và 2. Các hạng mục quan trọng khác cũng đều đáp ứng được tiến độ đã phê duyệt, như: Kênh xả nhà máy giai đoạn 1 (đạt 100%); Bê tông nhà máy bản đáy đến cao độ 286m (đạt 100%); Giếng đứng tháp điều áp (đạt 47%); Đường ống áp lực (đạt 81%); đào và gia cố hầm dẫn nước (đạt 54%).
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành thăm cán bộ công nhân viên vận hành nhà máy thủy điện Ialy. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Để đáp ứng tiến độ chung của công trình, Ban QLDA điện 2 đã sử dụng phần mềm (Microsoft Project) để quản lý tiến độ của các gói thầu và tiến độ tổng thể của dự án, kiểm soát chặt chẽ công việc trên đường găng; nhật ký thi công và nghiệm thu điện tử được Ban QLDA điện 2 phối hợp với Tư vấn thiết kế, Tư vấn thẩm tra và EVNICT ứng dụng phê duyệt thiết kế online; thực hiện giảm sát, đôn đốc thi công thông qua hệ thống camera giám sát và kiểm soát an ninh của Nhà thầu lắp đặt tại công trường, các hình ảnh thu được truyền về màn hình giám sát của ban điều hành dự án, điện thoại của cán bộ các bên liên quan; báo cáo tình hình thi công hàng ngày được ứng dụng phần mềm quản lý đầu tư xây dựng và giám sát xây dựng của EVN.
Công ty Thủy điện Yaly kiểm soát tải trọng, tốc độ phương tiện vận chuyển, người ra vào công trình theo yêu cầu nhiệm vụ và an ninh tại khu vực công trình thông qua hệ thống nhận diện khuôn mặt, hệ thống nhận diện điện tử nâng hạ barie tự động, hệ thống camera giám sát tốc độ trên tuyến đập, kiểm soát trọng tải bằng hệ thống trạm cân điện tử… Các số liệu này được truyền về nhà trực bảo vệ của Công ty Thủy điện Yaly để điều hành. Lực lượng tư vấn giám sát (TVGS) thường xuyên có mặt tại hiện trường nhằm phát hiện, cảnh báo để nhà thầu khắc phục các vấn đề liên quan đến chất lượng công trình, an toàn, môi trường…
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành thăm cán bộ công nhân viên vận hành nhà máy thủy điện Ialy. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Để đảm bảo tiến độ công tác bê tông nhà máy, đường vận hành 1, giếng đứng đường ống áp lực, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn tăng cường nhân lực để tổ chức thi công 3 ca liên tục; Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô đẩy nhanh tiến độ thi công, chuẩn bị các bộ cốp pha, vật tư, nhân lực để thi công bê tông hầm dẫn nước; Công ty Thủy điện Yaly tiếp tục hỗ trợ vận hành hồ chứa thủy điện Yaly hiện hữu để hạn chế tối đa việc xả lũ để công trường thi công bê tông nhà máy; EVN chỉ đạo Trung tâm Điệu độ Hệ thống điện quốc gia điều tiết vận hành tối đa các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Yaly hiện hữu nhằm tạo dung tích phòng lũ, hạn chế thấp nhất việc xả tràn để tạo điều kiện thi công bê tông nhà máy.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Nga- Ukraine làm cho giá cả vật liệu tăng cao so với thời điểm dự thầu (xăng dầu tăng 100%, thép tăng 30%...), vì vậy, để đạt được kết quả trên, Liên danh các Nhà thầu đã thực sự nỗ lực trong công tác điều hành, thi công trên công trường. Trong xây dựng công trình thủy điện, phần xây dựng chiếm 70% và thiết bị chiếm 30%, như vậy, phần xây dựng gần như quyết định đến hoàn thành tiến độ dự án. Ở Dự án thủy điện Yaly mở rộng, các nhà thầu thi công trong 15 tháng tức mới chỉ 1/3 thời gian kế hoạch nhưng phần xây dựng đã đạt 64%. Tuy vậy, khó khăn vẫn còn ở phía trước khi mùa lũ đang đến. Đối mặt với thiên tai là khó khăn khôn lường nên Ban QLDA điện 2 và các Nhà thầu luôn xác định nhiệm vụ chống lũ và không lơ là, không chủ quan.
Thi công cửa nhận nước. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Theo Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành, khi Hệ thống điện (HTĐ) tích hợp tỷ trọng của nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) ngày càng tăng, với ưu điểm rất linh hoạt trong vận hành, vài trò của thủy điện trong việc phủ đỉnh phụ tải chính là thế mạnh vượt trội so với các nguồn điện khác. HTĐ nước ta tuy đã có thay đổi nhiều về cơ cấu nguồn và đa dạng hóa các nguồn cung nhưng nguồn thủy điện vẫn hết sức quan trọng trong việc cung cấp điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song, các Nhà máy thủy điện (NMTĐ) vẫn đóng vai trò quan trọng trong ổn định hệ thống, điều tiết lũ, đảm bảo an ninh nguồn nước, môi trường sinh thái. Khi nguồn HTĐ tích hợp nguồn NLTT ngày càng tăng thì vai trò của nguồn thủy điện lại càng trở nên quan trọng hơn, giúp cho HTĐ vận hành ổn định, tin cậy và an toàn. Đồng thời góp phần thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, giảm thiểu các nguồn điện phát thải CO2 và thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Đập tràn công trình thủy điện Ialy. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Phát triển thủy điện và NLTT chính là phát huy và tận dụng tiềm năng sẵn có của đất nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, nhất là khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra từ ngày 24-2-2022 đã đẩy giá dầu và khí lên cao. Vì vậy, thời gian tới, hàng loạt dự án Nhà máy thủy điện mở rộng sẽ được triển khai, điều này đặt ra yêu cầu về công tác thi công của các nhà thầu phải ngày càng tốt hơn, công tác quản lý vận hành phải ngày càng tối ưu, ứng dụng khoa học công nghệ và đặc biệt phải thực hiện số hóa theo chủ trương của EVN.
Nhà máy Thủy điện Yaly mở rộng được xây dựng trên địa bàn xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum và xã Ia Mơ Nông, Ia Kreng, thị trấn Yaly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai; thiết kế xây dựng tuyến năng lượng và nhà máy mới bên trái tuyến hiện hữu, độc lập với các hạng mục của Nhà máy Thủy điện Yaly hiện hữu, gồm các hạng mục chính: Kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, tháp điều áp, đường ống áp lực, nhà máy, kênh xả hạ lưu nhà máy và hệ thống đấu nối nhà máy với hệ thống điện quốc gia.
Mực nước dâng bình thường: 515,0m;
Mực nước chết: 490,0m;
Công suất lắp máy: 360MW;
Điện lượng trung bình: 233,2 triệu kWh
Khởi công công trình: 6-2021
Dự kiến phát điện Tổ máy 1: 30-6-2024
Dự kiến phát điện Tổ máy 2: 30-9-2024
Dự kiến hoàn thành công trình: 30-12-2024
Tổng mức đầu tư dự án: 6.389 tỉ đồng
|