Xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh: "Thực hiện từng bước, thận trọng ..."

Thứ năm, 15/7/2010 | 14:57 GMT+7

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại cuộc họp xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam với lãnh đạo của các bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, các tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí, Than - Khoáng sản Việt Nam.



Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa 

Bước khởi động

Sớm nhận định được yêu cầu cần thu hút vốn đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực điện lực, cũng như nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo phát triển ngành Điện bền vững, từ năm 2006, Chính phủ đã có quyết định 26/2006/ QĐ-TTG phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Theo đó, thị trường điện lực tại Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ là cấp độ 1 - Thị trường phát điện cạnh tranh (2005 - 2014); cấp độ 2 - Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015 - 2022); cấp độ 3 - Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (từ sau 2022). Mỗi cấp độ đều được thực hiện theo hai bước gồm bước thí điểm và bước hoàn chỉnh.

Ngày 10/5/2010, Bộ Công Thương ban hành thông tư số 18/2010/TT-BCT quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh (TTPĐCT). Theo đó, đơn vị mua buôn duy nhất; đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện; đơn vị truyền tải điện; đơn vị quản lý số liệu đo đếm điện năng; các nhà máy điện có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực phát điện, có công suất đặt lớn hơn 30 MW, ngoại trừ nhà máy điện BOT; nhà máy điện gió và nhà máy địa nhiệt; nhà máy điện thuộc khu công nhiệp chỉ bán một phần sản lượng lên hệ thống điện quốc gia đều phải tham gia TTPĐCT. Đây là bước khởi động cho TTPĐCT.

Cho nhiệm vụ chung

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương nhanh chóng ban hành các quy định cần thiết cho hoạt động TTPĐCT; chủ trì phối hợp với EVN hoàn thành xây dựng và ban hành quy trình chi tiết phục vụ vận hành thị trường điện; chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước rà soát và ban hành các quy định cần thiết về thanh toán trong TTPĐ. Đồng thời, tập huấn cho các đơn vị liên quan về hoạt động của TTPĐCT; ban hành các quy định cần thiết về chế độ giám sát, kiểm tra và báo cáo đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đơn vị truyền tải điện, kịp thời chỉ đạo và giải quyết các đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành và giám sát hoạt động thị trường điện.

Riêng với EVN, những yêu cầu đặt ra là nặng nề. Cụ thể, ưu tiên đầu tư cho phát triển lưới điện truyền tải và nâng cao năng lực của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; đảm bảo lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu huy động công suất của các nhà máy điện trong mọi chế độ. Bên cạnh đó là nhiệm vụ đảm bảo tiến độ thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành và giám sát hoạt động của thị trường điện.

Những điều kiện tiên quyết cho thị trường phát điện cạnh tranh:

Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực và đơn vị mua duy nhất trực thuộc EVN thành lập.

Các nhà máy điện thuộc EVN được tách thành các đơn vị phát điện độc lập dưới dạng các công ty nhà nước độc lập hoặc các công ty cổ phần.

Hệ thống quản lý vận hành (SCADA/EMS) và hệ thống đo đếm từ xa đã được thiết lập hoàn chỉnh tới các đơn vị phát điện thuộc EVN, tới các nút quan trọng trong lưới truyền tải, tới toàn bộ các nhà máy điện trong hệ thống điện, đáp ứng các hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Các hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành, giao dịch và giám sát thanh toán trên thị trường được trang bị phù hợp.
Dự phòng công suất nguồn của hệ thống phải được duy trì ở mức trên 20% công suất đặt của toàn hệ thống; tỷ lệ công suất đặt của một đơn vị phát điện không được vượt quá 25%  công suất đặt của toàn hệ thống.

Các hệ thống văn bản phục vụ cho việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh phải hoàn thiện…

TS Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội:
 
Hiện nay, ngoài EVN còn có Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than - Khoáng sản VN tham gia thị trường phát điện. Việc hình thành một thị trường cạnh tranh ở khâu phát điện theo quy luật cung - cầu là điều cần thiết. Nhiều nhà máy điện của các tập đoàn, đơn vị nước ngoài thuộc diện tham gia thị trường phát điện phải tính toán cách giảm giá thành, giảm chi phí, phát huy năng lực sản xuất, quản lý, tổ chức, nhằm tận dụng tối đa điều kiện, lợi thế sẵn có.

Gần đây, có một số ý kiến đề cập đến thị trường điện cạnh tranh ở khâu bán lẻ. Nhưng muốn làm được vậy, nước ta cần có nguồn dự phòng, hệ thống truyền tải, đo đếm tốt. Trong điều kiện hiện nay là chưa thể.

GS.TSKH Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam:
 
Việc phát triển ngành Điện theo xu thế thị trường cạnh tranh sẽ đảm bảo tốt lợi ích của ba đối tượng: Thứ nhất, Nhà nước sẽ giảm được gánh nặng đầu tư. Thứ hai, doanh nghiệp điện lực sẽ tăng tính tự chủ, phát huy khả năng sản xuất kinh doanh. Thứ ba, khách hàng sẽ được hưởng lợi từ cơ chế cạnh tranh. Tuy nhiên, việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh đòi hỏi phải có lộ trình nhất định và làm một cách cẩn trọng, chứ không phải là việc trong ngày một ngày hai.

“Thị trường điện cạnh tranh đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia thành công. Tuy nhiên, đã có một số quốc gia không thành công trong việc chuyển sang vận hành thị trường điện cạnh tranh. Do đó, trong quá trình phát triển thị trường điện tại Việt Nam, cần thực hiện từng bước một cách thận trọng với mục tiêu là đảm bảo cung cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, việc phát triển thị trường điện là phương tiện đạt mục tiêu trên.”

(Trích phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp xây dựng TTPĐCT)

Theo: TCĐL số 6/2010