Tin mới nhất

2009 - Một năm nỗ lực cùng Chính phủ chặn đà suy giảm kinh tế

Thứ năm, 14/1/2010 | 14:16 GMT+7

Năm 2009 đã khép lại. Giữa bộn bề lo toan kết thúc trọn vẹn những công việc năm cũ và chuẩn bị kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm mới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TGĐ EVN Phạm Lê Thanh về những kết quả nổi bật trong công tác sản xuất kinh doanh điện của năm 2009 cũng như những nhiệm vụ trọng tâm của năm cuối cùng trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.

PV: Ông có thể cho biết điểm nổi bật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2009 là gì?

TGĐ Phạm Lê Thanh: Nếu nhìn vào biểu đồ tăng trưởng của năm 2009 sẽ thấy rằng kinh tế Việt Nam trong năm qua có những diễn biến khác giữa 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm. Những tháng đầu năm 2009, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và suy giảm kinh tế trong nước, nên nhu cầu sử dụng điện tăng chậm (điện thương phẩm chỉ tăng khoảng 8% trong 6 tháng đầu năm, tương ứng với tốc độ tăng trưởng GDP là 3,9%). Đến nửa cuối của năm 2009, cùng với những tác động tích cực từ các gói kích cầu của Chính phủ, nền kinh tế có nhiều dấu hiệu phục hồi, nhất là các ngành sản xuất công nghiệp, kéo theo sự tăng trưởng nhanh hơn của nhu cầu điện.

Năm 2009, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu của nền kinh tế và xã hội. Trong năm, với nhiều nỗ lực, Tập đoàn đã đưa vào vận hành 13 tổ máy phát điện mới với tổng công suất 1.856 MW, đồng thời đóng điện và đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện quan trọng như các ĐD 220 kV: Quảng Ninh - Hoành Bồ, Cà Mau - Bạc Liêu, Quảng Ninh - Cẩm Phả; lưới điện đồng bộ TĐ Sông Ba Hạ, Buôn Kuốp, Plei Krông, Sê San 4… Năm 2009, ước tính điện thương phẩm đạt 74,3 tỷ kWh, tăng 12,7% với năm 2008. Điện sản xuất và mua ngoài đạt 84,54 tỷ kWh, tăng 13,9% so với năm 2008 (trong đó điện sản xuất của Tập đoàn là 57 tỷ kWh).

Nhờ những nỗ lực vượt bậc, năm 2009 Tập đoàn đã thu xếp đủ nguồn vốn đầu tư với tổng giá trị đầu tư toàn Tập đoàn trên 47.700 tỷ đồng (cao nhất từ trước tới nay). Kết quả này có được từ sự chủ động của EVN trong việc đẩy mạnh phát hành trái phiếu, triển khai bán bớt vốn cổ phần, tích cực làm việc với các ngân hàng thương mại để huy động vốn cho các dự án nguồn và lưới điện, tạo điều kiện cho EVN có thể đảm bảo tiến độ các dự án nguồn, lưới điện theo Quy hoạch điện VI và các dự án cấp điện nông thôn như Dự án Năng lượng nông thôn GĐ 2 (REE 2), Dự án cấp điện thôn buôn 5 tỉnh Tây Nguyên, Dự án cấp điện cho đồng bào Khơ me ở Sóc Trăng và Trà Vinh.

Trong năm 2009, Tập đoàn đã hoàn thành kế hoạch tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn tại hơn 2.900 xã trên toàn quốc. Chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với người dân nông thôn, người dân được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ, lưới điện hạ thế từng bước được củng cố, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định hơn.

Một điều đáng mừng là năm 2009 chúng ta đã đảm bảo cung cấp điện trong tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, có thể là do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong đó cần nhắc đến 2 điểm nổi bật là tình hình sụt giảm đáng kể lượng nước về trong và sau mùa lũ ở các hồ thủy điện miền Bắc so với mọi năm (gây ảnh hưởng đến sản lượng khai thác thủy điện và tích nước cho mùa khô 2010) và mưa, bão, lũ đặc biệt phức tạp xảy ra ở miền Trung và Tây Nguyên trong các tháng 9, 10 và 11 vừa qua. Trong mưa, bão, lũ khắc nghiệt, các đơn vị thuộc Tập đoàn đã tuân thủ chặt chẽ qui trình được các cơ quan chức năng phê duyệt, góp phần giảm nhẹ hậu quả đối với hạ du, đảm bảo an toàn công trình, đồng thời khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm khôi phục cung cấp điện để góp phần ổn định đời sống nhân dân những vùng bị ảnh hưởng.

PV: Thưa ông, được biết hiện vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ trong công tác đảm bảo tiến độ thi công các công trình điện, nhất là tiến độ các công trình đường dây và trạm biến áp?

Năm 2009: 

- EVN đã nỗ lực tiết kiệm hơn 1% điện thương phẩm

- Hoàn thành quảng bá 2 triệu bóng đèn compact và 1.000 bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời.

Chỉ tiêu kế hoạch năm 2010:

* Điện thương phẩm: 81,98 tỷ kWh.

* Điện sản xuất và mua ngoài: 93,83 tỷ kWh.

* Hoàn thành chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên toàn quốc.

* Đầu tư xây dựng:

      +  Đưa vào vận hành 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 2.130 MW.
      +  Khởi công 4 dự án nguồn điện mới với tổng công suất 2.216 MW.
      +  Khởi công 2 dự án và đưa vào vận hành 10 dự án lưới điện 500 kV.

*Tổng nhu cầu vốn đầu tư 58.500 tỷ đồng.

TGĐ Phạm Lê Thanh: Trong năm 2009, mặc dù EVN đã hết sức nỗ lực nhưng một số dự án, nhất là các dự án đường dây và trạm biến áp gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ, gây sức ép lớn lên vận hành. Điển hình là các đường dây 500 kV Quảng Ninh - Thường Tín, 500 kV Ô Môn – Nhà Bè (đoạn Cai Lậy – Nhà Bè), 220 kV Nhơn Trạch - Nhà Bè, 220 kV Nhơn Trạch - Cát Lái, 220 kV Hàm Thuận - Phan Thiết, 220 kV Đồng Hới - Huế, v.v... Nguyên nhân chính là công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án rất khó khăn, các vấn đề phát sinh chậm được giải quyết. Ở nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn, những nơi có mật độ công nghiệp hóa cao, việc triển khai các công trình đường dây và trạm ngày càng khó do thiếu hành lang tuyến, qui hoạch sử dụng đất chưa ổn định hoặc hay thay đổi. Đây cũng là lý do chính khiến nhiều công trình quan trọng cấp điện cho Thủ đô Hà Nội thực hiện chậm so với quy hoạch được duyệt. Vừa qua, Tập đoàn đã phải báo cáo Thường trực UBND Thành phố để tháo gỡ, đồng thời báo cáo Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ xin phép triển khai gấp một số công trình cấp bách nhằm đảm bảo cấp điện cho Hà Nội giai đoạn 2010-2011 như bổ sung 3 máy biến áp 250 MVA tại các trạm 220 kV Chèm, Hà Đông, Mai Động, cải tạo thay dây dẫn một số tuyến đường dây 110 kV,... Hiện nay, Lãnh đạo Tập đoàn đang tập trung chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Công ty Điện lực TP.Hà Nội khẩn trương thực hiện các công trình cấp bách này. Tuy nhiên, về lâu dài cần có những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai các công trình đường dây và trạm biến áp thì mới đảm bảo an toàn hệ thống điện và kịp thời đáp ứng tốc độ tăng trưởng của phụ tải trong những năm tới.

Với các dự án nguồn điện, do qui mô các dự án đều lớn, thủ tục phức tạp (nhất là các dự án vay vốn ODA) khiến thời gian chuẩn bị một số dự án bị kéo dài.

PV: Năm 2010 - năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 đã “gõ cửa”, ông có thể cho biết Tập đoàn đã có kế hoạch và giải pháp gì nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định để tiếp tục chung tay cùng Chính phủ phục hồi kinh tế?

TGĐ Phạm Lê Thanh: Năm 2010, mục tiêu chính của Tập đoàn là tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh đầu tư, đảm bảo tiến độ các công trình nguồn và lưới điện được giao trong Quy hoạch điện VI.

Để hoàn thành mục tiêu này, Tập đoàn sẽ triển khai nhiều giải pháp lớn. Đó là: Đảm bảo điện cho sản xuất và nhu cầu thiết yếu của nhân dân, trước mắt là những tháng mùa khô năm 2010, khai thác tối ưu các nguồn điện kể cả BOT, IPP và nhập khẩu, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống truyền tải 220-500 kV, đặc biệt là đường dây 500 kV Bắc - Nam; Tập trung thực hiện chương trình giảm tổn thất điện năng bằng nhiều biện pháp đồng bộ trong quản lý kỹ thuật, vận hành, kinh doanh, xây dựng mới và cải tạo lưới điện; Đẩy mạnh triển khai các chương trình tiết kiệm điện; Hoàn thành chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp để bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn trên toàn quốc; Năm 2010 Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng năng suất lao động từ 7-10% so với năm 2009, tiết kiệm chi phí 5% so với định mức được duyệt.

Trong đầu tư xây dựng, năm 2010 sẽ tiếp tục có khối lượng đầu tư lớn về nguồn và lưới điện. Tập đoàn sẽ phấn đấu huy động đủ vốn, giải quyết khẩn trương các thủ tục trong chuẩn bị đầu tư, trong nghiệm thu, giải ngân vốn, chỉ đạo các ban quản lý dự án đôn đốc nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ cam kết. Năm tới, Tập đoàn sẽ đưa một số công trình quan trọng vào vận hành chính thức như nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng, Thủy điện Bản Vẽ, tổ máy đầu tiên của Thủy điện Sơn La,... đồng thời khẩn trương triển khai các dự án mới như Mông Dương 1 (đang đấu thầu EPC), Vĩnh Tân 2 (đã ký HĐ EPC năm 2009), Duyên Hải 1 (đang đàm phán HĐ EPC), Thủy điện Lai Châu, các nhà máy trong cụm Ô Môn, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận,... Cùng với việc đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện, trong năm 2010, sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ các công trình đường dây và trạm biến áp, coi đây là một trọng tâm trong công tác đầu tư xây dựng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương để tháo gỡ các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tôi tin rằng, với quyết tâm của toàn thể CBCNV Tập đoàn, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành và các cơ quan hữu quan, trong năm 2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế và xã hội, cùng với cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006-2010.

PV: Xin cảm ơn ông!

EVN đề nghị Bộ Công Thương:

- Chỉ đạo các chủ đầu tư ngoài EVN đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện theo kế hoạch đã đăng ký;

- Tiếp tục có ý kiến với địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án điện, nhất là các dự án truyền tải;

- Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc trong việc triển khai phương án giá điện năm 2010 ngay từ đầu năm.

EVN đề nghị Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:

- Bố trí vốn ngân sách năm 2010

- Ưu tiên bố trí các nguồn vốn ODA cho các dự án điện do EVN làm chủ đầu tư.

Theo: Tạp chí Điện lực