Công nhân Điện lực Nam Định tổ chức ứng trực thường xuyên tại các điểm cấp điện cho các trạm bơm .Ảnh: Ngọc Hà
Tình trạng thiếu hụt này không chỉ ảnh hưởng tới cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng khá nặng nề tới cung cấp điện mùa khô năm 2010, đặc biệt cho khu vực miền Bắc. Vì vậy, việc xả nước từ các hồ thủy điện miền Bắc vào điểm đáng ra phải tích nước phải được các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo để không gây lãng phí và có hiệu quả. Trong các ngày từ 6 đến 9-1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước khi tiến hành xả nước theo thỏa thuận giữa Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) với EVN.
. Thiếu nước nghiêm trọng trên diện rộng
Mùa lũ năm 2009, các sông suối ở Bắc bộ không xuất hiện lũ lớn, trên sông Hồng tại trạm đo Hà Nội mực nước cao nhất chỉ đạt 8,78m và từ tháng 9 đến cuối tháng 10-2009 liên tục suy giảm từ 4m xuống mức dưới 2m; từ đầu tháng 11-2009 đến nay chỉ dao động ở mức 1m-1,5m (cùng kỳ năm 2008 là 2,9m). Mực nước trên sông Thái Bình tại trạm đo Phả Lại, trongmùa lũ, mực nước cao nhất cũng chỉ đạt 3,81m; ngày 6- 12-2009 là 1,36m (cùng kỳ năm 2008 là 1,72m).
Các hồ chứa thủy lợi hầu hết tích không đầy nước, bình quân mới chứa được 78% mức thiết kế; một số hồ chứa khác như Đồng Mô, Yên Mỹ,…còn thấp hơn nhiều.
Các hồ chứa nước thủy điện cũng trong tình trạng tương tự, thấp hơn nhiều so với thiết kế và cùng kỳ giai đoạn 2005-2009. Mực nước tại hồ Hòa Bình thiếu hụt 178 triệu m3 so với thiết kế, hồ Thác Bà thiếu hụt 1340 triệu m3, hồ Tuyên Quang thiếu 1151 triệu m3.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vụ Đông Xuân 2009-2010, trong điều kiện tự nhiên, dòng chảy trên các sông ở Bắc bộ, có khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 20-30%, tập trung vào các tháng đầu và giữa vụ. Trong điều kiện điều tiết của các hồ thủy điện, dòng chảy toàn mùa ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng thấp hơn mức TBNN từ 30-50%, trong đó, các tháng 1 và 2-2010 thiếu hụt khoảng 35% và các tháng 3 và 4-2010 thiếu hụt khoảng 40-50%.
Trên sông Hồng tại Hà Nội, lưu lượng trung bình mùa cạn (từ tháng 12-2009 đến tháng 4-2010) ở mức 650-800m3/s, mực nước thấp nhất của Hà Nội có khả năng xuống 0,7m xuất hiện trong tháng 2 và 3-2010.
Theo kế hoạch của các địa phương, diện tích tưới vụ Đông Xuân 2009-2010 khoảng 627.089 ha, trong đó, Trung du 85.273 ha; đồng bằng sông Hồng 541.816 ha. Diện tích dự kiến thiếu nước là 79.981 ha và diện tích phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng là 5.714 ha (tập trung chủ yếu ở vùng tưới bằng hồ chứa của Phú Thọ và Bắc Giang).
. Tiết kiệm vẫn là quốc sách
Theo đánh giá của TTDBKTTVTW, hiện tượng EL NINO sẽ tiếp tục duy trì và ảnh hưởng mạnh đến dòng chảy trên các sông ở đồng bằng Bắc bộ dẫn đến tính trạng thiếu nước trầm trọng trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sản xuất điện.
Theo tính toán của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, nếu để thủy điện Thác Bà và Tuyên Quang tham gia phục vụ xả nước vụ Đông Xuân 2008-2009 thì hồ Thác Bà và Tuyên Quang có thể về mức nước chết vào ngay cuối tháng 1-2010. Như vậy, những tháng còn lại của mùa khô, Nhà máy thủy điện Thác Bà và Tuyên Quang sẽ chỉ chạy bằng nguồn nước về tự nhiên, điều này rất khó trong quá trình vận hành, vì lượng nước chỉ đủ chạy tối đa các tổ máy trong khoảng 2-3 giờ/ngày, trong khi đó vào các tháng mùa khô, hệ thống điện miền Bắc rất cần công suất để chống quá tải từ 4-6 giờ/ngày. Hơn nữa, mực nước hồ liên tục ở mức nước chết dẫn tới nguy hiểm cho hệ thống điện. Từ những yếu tố trên cho thấy, không thể dùng thủy điện Thác Bà và Tuyên Quang tham gia xả nước trong năm nay, mà chỉ dùng thủy điện Hòa Bình. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2010, các hồ Thác Bà và Tuyên Quang chỉ chạy theo điều kiện kỹ thuật.
Đứng trước tình hình trên, ngay từ tháng 12-2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc triển khai một số một biện pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong những tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, ngành đánh giá, kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có trên địa bàn, chống rò rỉ, thất thóat nước từ các hồ chứa, các công trình thủy lợi, có biện pháp quản lý phân phối nước hợp lý và hiệu quả; lên kế hoạch bảo đảm nguồn nước để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân; chỉ đạo các Công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi chủ động tu bổ các trạm bơm và công trình đầu mối lấy nước, sẵn sàng cho việc cấp nước phục vụ sản xuất. Triển khai lực lượng thực hiện nạo vét, khai thông các kênh trục chính, các cửa lấy nước, huy động nhân dân địa phương tham gia làm thủy lợi, nạo kênh mương nội đồng bảo vệ và sử dụng nước hiệu quả.
. Đã có sự chủ động
Trưởng trạm quản lý công trình Xuân Quang- Hưng Yên (thuộc Công ty Khai thác công trình Bắc Hưng Hải) cho biết, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2009-2010 ở các tỉnh Bắc bộ, Công ty đã thành lập Ban chống hạn để kiểm tra, sửa chữa máy móc thiết bị, nạo vét cửa sông, thu các vật cản trên dòng chảy; đồng thời, có kế hoạch điều tiết nước luân phiên cho từng khu vực, thông báo về các địa phương để người dân trực lấy nước. Hiện nay, một số trạm tận dụng nước thủy triều đã bơm trữ nước vào kênh cấp 2.
Mặc dù theo kế hoạch đến 24-1, Nhà máy thủy điện Hòa Bình bắt đầu xả và 26-1 mới lấy nước vào đồng, nhưng hiện nay, một số trạm bơm đã tận dụng nước thủy triều để bơm nước vào kênh cấp 2.
Để cấp điện an tòan, ổn định phục vụ bơm nước vụ Đông Xuân và Tết Nguyên đán, Điện lực Hưng Yên đã đầu tư 18 tỷ đồng sửa chữa các đường dây trung thế và đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách ưu tiên trong trường hợp thiếu điện, trong đó, đặc biệt ưu tiên cho chống hạn và chống úng.
Trưởng trạm bơm Cổ Đam- Nam Định (thuộc Công ty Khai thác thủy lợi Bắc Nam Hà) cho biết, toàn tỉnh Nam Định có 77.700 ha diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân, trong đó khoảng 33.900 ha phải bơm điện để lấy nước đổ ải, tập trung chủ yếu ở khu vực các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh.
Nhận thức, 2010 là năm đặc biệt khó khăn về nước nên ngay từ tháng 11-2009, tỉnh Nam Định đã tập trung các giải pháp để lấy nước có hiệu quả đồng loạt ra quân nạo vét cửa cống, bể hút trạm bơm, kênh dẫn nước; sửa chữa công trình đầu mối… Không chờ khi xả mới lấy nước, các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng đã tranh thủ nước dâng của thủy triều đã tiến hành bơm nước từ ngày 1 đến 5-1.
Hệ thống kênh mương trên đại bàn tỉnh Nam Định đã hoàn thành việc nâng cấp, nạo vét. .Ảnh: Ngọc Hà
Ngoài việc tiến hành đại tu lưới điện để sẵn sàng cung cấp điện phục vụ đổ ải, Điện lực Nam Định đã chuẩn bị những hộp công tơ điện đáp ứng những trạm bơm dã chiến.
Tại trạm bơm Yên Lệnh- Hà Nam, bể hút của trạm không có nước, Điện lực đã phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Duy Tiên lắp 4 máy bơm dã chiến giáp sông Hồng để lấy nước vào bể xả và từ đó bơm vào các kênh nội đồng. Để cấp điện cho 4 trạm bơm dã chiến, Điện lực Hà Nam đã phải đầu tư nâng công suất trạm từ 50kVA lên 320kVA. Như vậy cho thấy, chính quyền và nhân dân các địa phương đã thực sự chủ động trong việc tận dụng nước hết sức tiết kiệm và có hiệu quả./