Sự kiện

“Chiếu sáng” cho chiến dịch tiết kiệm điện : Giải pháp rẻ nhưng mang lại hiệu quả nhanh nhất

Thứ ba, 27/11/2007 | 10:45 GMT+7

Bắt đầu từ 22/11, một chiến dịch truyền thông sẽ được khởi động rầm rộ trên quy mô toàn quốc, nhằm mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng tiết kiệm năng lượng điện trong chiếu sáng đô thị – một trong những lĩnh vực vốn vẫn tồn tại nhiều lãng phí nhất, có khả năng tiết kiệm nhanh nhất nhưng chỉ cần chi phí thấp nhất...

Trong buổi họp báo về chiến dịch, sau khi đưa ra những con số dự báo về khả năng thiếu điện trầm trọng vào các năm từ 2008 – 2010, tiến sĩ Trần Đình Bắc, Trưởng ban KHCN và ĐT, Hội Chiếu sáng đô thị VN khẳng định: “Nếu cứ sử dụng điện như hiện nay và dùng những phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng điện hiệu suất thấp, kém hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam trong tương lai”.

Đưa tiềm năng vào quy hoạch

Hiện nay, với khoảng 80 triệu bóng đèn huỳnh quang (trong đó có khoảng 10 triệu bóng compact), 60 triệu bóng đèn tròn (đèn sợi đốt), lượng điện năng dùng trong chiếu sáng chiếm khoảng 35% tổng điện năng tiêu thụ của cả nước. Theo tính toán của ông Bắc, chỉ cần giảm được 10% lượng tiêu thụ điện của hệ thống chiếu sáng đô thị  Hà Nội thì đã tiết kiệm được khoảng 3 tỷ đồng/năm. Còn theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nếu thay thế 20 triệu bóng đèn sợi đốt 60W bằng đèn Compact loại 11W thì sẽ giảm được công suất của hệ thống điện quốc gia tới 783 MW- bằng lượng điện tiêu thụ của 10 – 12 tỉnh miền Bắc hiện nay, đồng thời tiết kiệm được 550.000 tấn than, giảm lượng khí thải 120.000 tấn CO2, 15.400 tấn Sox, 5.500 tấn Nox, 176 tấn bụi, tương đương với số tiền tiết kiệm hơn 15.300 tỷ đồng.

“Nếu thay toàn bộ đèn huỳnh quang T10 và chấn lưu sắt từ tổn hao cao bằng đèn huỳnh quang T8 kết hợp chấn lưu tổn hao thấp thì sẽ giảm công suất tiêu thụ điện 1.040 MW. Thay 50 triệu đèn sợi đốt 60W bằng đèn compact 11 W thì sẽ tiết kiệm được 2.450 MW. Cộng hai khoản tiết kiệm này sẽ có được con số lớn hơn cả công suất tiêu thụ của miền Bắc hiện nay”, ông Bắc cho biết.

Tiềm năng tiết kiệm điện trong khâu chiếu sáng, đặc biệt là chiếu sáng đô thị (bao gồm chiếu sáng sinh hoạt, sản xuất, chiếu sáng công cộng) rất lớn, nhưng vì sao tình trạng lãng phí vẫn còn phổ biến. Các chuyên gia kinh tế năng lượng cho rằng, không những là do hiểu biết và ý thức tiết kiệm của người dân chưa cao (kết quả khảo sát đầu năm 2007 cho thấy có tới 89% người được hỏi không quan tâm đến việc tiết kiệm điện trong chiếu sáng vì cho rằng chiếu sáng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số điện năng tiêu thụ tại gia đình, văn phòng và nhà xưởng); mà còn là vì thiếu các cơ chế khuyến khích, bắt buộc. “Hầu như chưa có cơ chế chính sách cụ thể ở tất cả các khâu sản xuất – kinh doanh, xuất – nhập khẩu, sử dụng, quản lý, tổ chức, điều hành cho đến quy hoạch, đầu tư kinh phí. Các tiểu chuẩn sản phẩm chiếu sáng của Việt Nam hiện hành hầu hết được ban hành trong những năm 80 – 90 của thế kỷ trước nên không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Phần lớn các tiêu chuẩn chưa đề cập đến yêu cầu về hiệu suất năng lượng, nếu có thì chỉ ở mức thấp so với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và khả năng thực tế của các DN. Các tiêu chuẩn chiếu sáng thiếu đồng bộ, không thống nhất về các chỉ tiêu độ rọi, độ chói và chất lượng ánh sáng; chưa có các quy định cụ thể về giải pháp tiết kiệm năng lượng…”, một chuyên gia cho biết.

Để giải quyết tình trạng này, khi  phê duyệt Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006 – 2010 Thủ tướng Chính phủ đã có những yêu cầu hết sực cụ thể trong lĩnh vực chiếu sáng: “Trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ, sản xuất công nghiệp: khuyến khích sử dụng các nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng như bóng huỳnh quang T8 và T5, bóng compact, chấn lưu hiệu suất cao. Trong công sở, trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp: tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng, thiết kế lắp đặt hệ thống chiếu sáng nhân tạo một cách hợp lý, chỉ sử dụng bóng đèn huỳnh quang T8, T5 và bóng compact để thay thế cho bóng đèn huỳnh quang T10 và đèn tròn đã cháy; từ năm 2006, chỉ sử dụng bóng đèn huỳnh quang hiệu suất cao T8 (36W, 32W, 18W), T5 để thay thế cho bóng huỳnh quang thông thường hiệu suất thấp (40W, 20W) đã cháy, đèn compact thay đèn nung sáng (đèn tròn) tại các vị trí thích hợp để đảm bảo trong thời gian ngắn chỉ còn sử dụng nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng (bao gồm cả chấn lưu) tiết kiệm năng lượng. Khi thay thế các thiết bị sử dụng điện, khuyến khích trang bị những thiết bị sử dụng điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng.

Khuyến khích DN “làm” đèn

Được triển khai từ năm 2006, Dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao (do Quỹ môi trường toàn cầu và UNDP tài trợ 3 triệu USD cộng với hơn 12,3 triệu USD do các cơ quan, tổ chức nhà nước, chính quyền địa phương và các DN, công ty đồng tài trợ) đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Tính toán cho thấy, sau hơn một năm thực hiện, chỉ tính riêng số lượng các sản phẩm chiếu sáng công cộng hiệu suất cao (CSCCHSC) đã sản xuất và tiêu thụ (đèn huỳnh quang T8 của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và Công ty Điện Quang, các bộ đèn của Công ty HAPULICO và Công ty Vietnam Schreder) cộng với kết quả trình diễn các hệ thống CSCCHSC tại 3 thành phố HN, TP.HCM và Quy Nhơn đã có được lượng điện tiết kiệm lên tới 2,7 GWh.

Tiến sĩ Phan Hồng Khôi, Giám đốc điều hành DA cho biết mục tiêu của DA là tháo gỡ những rào cản trong áp dụng công nghệ chiếu sáng hiệu suất cao trong khu vực chiếu sáng công cộng (đường phố, bệnh viện, trường học…), khuyến khích và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi thị trường chiếu sáng hiệu suất cao ở Việt Nam, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu tiết kiệm năng lượng của nhà nước và chương trình bảo vệ môi trường toàn cầu.

Có được nguồn vốn tài trợ, nhận được cơ chế chính sách khuyến khích, nhiều DN sản xuất trong nước đã mạnh dạn đầu tư vốn, công nghệ và thực hiện các chương trình quảng bá sản phẩm mạnh trên quy mô toàn quốc. Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã phối hợp với Sở CN Hà Nội thay thế toàn bộ đèn huỳnh quang T10 và chấn lưu cũ bằng đèn huỳnh quang T8 và ballat tổn hao thấp tại trụ sở Sở CN, giảm điện năng tiêu thụ 23% nhưng tăng 38% độ rọi trung bình tại các phòng làm việc; phối hợp với Công ty Dệt may HN thay thế 14.000 bộ đèn huỳnh quang cũ bằng bộ đèn T8 và ballat tổn hao thấp, giảm 17% điện tiêu thụ, tiết kiệm 720.000 kWh điện/năm – tương đương số tiền 800 triệu đ, nhưng tăng 20% độ rọi trên bàn máy; phối hợp với Khách sạn New World (TP.HCM) thay thế 4.700 bóng dây tóc 40W bằng đèn compact, mỗi năm giảm được 333 triệu đ tiền điện; thực hiện mô hình sử dụng đèn compact có phổ thích hợp trong trồng hoa cúc ở Đà Lạt, tiết kiệm được trên 24 triệu đồng cho một vụ hoa 3,5 tháng trên diện tích 7 sào, mô hình trồng thanh long trái vụ ở 3 hộ miền Trung (tiết kiệm 21.780 kWh điện), thực hiện chương trình thay thế đèn dây tóc 200W, 300W và các đèn thủy ngân cao áp 125W, 250W…. chiếu sáng ngõ xóm ở 12 thành phố, đô thị các cấp bằng đèn compact hiệu suất cao 30W, 40W, 75W…

EVN cho biết, để nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong chiếu sáng, trong những tháng cuối năm 2007, hàng loạt chương trình quảng bá đèn hiệu suất cao sẽ được thực hiện: chương trình đèn tuýp gầy và chấn lưu điện tử; chương trình 5 triệu đèn compact giai đoạn 2007 – 2010… sẽ được EVN phối hợp cùng với các DN sản xuất thiết bị và các địa phương thực hiện.

Minh Đức