Sự kiện

Đánh giá về ảnh hưởng của điện từ trường cần khách quan hơn

Thứ hai, 19/11/2007 | 10:23 GMT+7

Thời gian qua, một số hộ dân ở khu vực có đường dây truyền tải điện 220 kV, 500 kV đi qua đã liên tiếp gửi đơn thư khiếu kiện đến các cơ quan chức năng về hiện tượng bất bình thường trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày do ảnh hưởng của lưới truyền tải điện gây ra. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã vào cuộc và có nhiều bài viết phản ánh từ nhiều góc độ khác nhau về hiện tượng này. Tuy nhiên, để giúp công chúng hiểu rõ hơn và đánh giá một cách khách quan, đầy đủ về điện từ trường, ảnh hưởng của điện từ trường đối với môi trường và sức khoẻ con người... phóng viên Tạp chí Điện lực đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ  Quang Vinh, Cục trưởng cục KTAT Bộ Công Thương xoay quanh những vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết khái quát về điện từ trường và cơ chế tiếp xúc giữa con người với điện từ trường?

Ông Đỗ Quang Vinh: Điện từ trường là một dạng vật chất tồn tại trong không gian xung quanh các vật mang điện. Điện từ trường gồm hai thành phần luôn vuông góc với nhau là điện trường và từ trường. Điện trường tồn tại giữa hai điểm có điện thế khác nhau, biến thiên hình sin quanh phương truyền sóng theo thời gian với tần số f. Từ trường cũng biến thiên hình sin theo không gian và thời gian, vuông góc với điện trường. Tần số điện từ trường được phân làm nhiềuloại: Loại ELF - tần số cực thấp, 50 Hz (thường có ở đường dây tải điện, các thiết bị điện gia dụng, công nghiệp...); loại LF - tần số thấp (sóng radio); loại HF - tần số cao (sóng radio); loại VHF - tần số rất cao (sóng radio, tivi, rađa); loại SHF - siêu cao tần (rađa, điện thoại di động, lò vi sóng...). Trong đó, loại SHF có thể ảnh hưởng đến các phân tử vật chất, tức là có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khoẻ con người. Như vậy, đối với sóng điện từ ở tần số 50 Hz của lưới truyền tải điện, sẽ có rất ít hoặc không có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người khi ở trong ngưỡng giới hạn nào đó.

Những nghiên cứu hiện nay cho thấy, con người tiếp xúc với nhiều nguồn điện từ trường khác nhau. Nguồn tự nhiên như từ trường của trái đất do khối điện tích plasma trong lòng trái đất tạo nênđạt 25 mT ở xích đạo và 60 mT ở địa cực; điện trường của tầng điện ly so với mặt đất vào khoảng 130 V/m. Nguồn nhân tạo được sinh ra từ quá trình sản xuất, truyền tải và sử dụng điện hay do kỹ thuật điện tử và viễn thông tạo nên như các máy phát điện, các máy biến áp, các đường dây truyền tải, các thiết bị vô tuyến điện, các đồ điện gia dụng... Trường của các nguồn nhân tạo lớn hơn trường tự nhiên nhiều lần, ví dụ đối với các đồ điện gia dụng như lò vi sóng, điện thoại di động, máy sấy tóc, máy cạo râu, đèn huỳnh quang, lò sưởi điện... cường độ điện trường dao động từ 10 đến 250 V/m và cường độ từ trường 30 đến 1000 mT, tuỳ từng loại thiết bị và khoảng cách với chúng.

Đối với đường dây truyền tải điện, tần số 50 Hz, cường độ điện trường xung quanh đường dây tải điện có đặc điểm là giảm rất nhanh và tỷ lệ nghịch với khoảng cách, đạt giá trị lớn nhất tại sát đường dây. Cường độ điện trường dưới đường dây cao áp  phụ thuộc vào điện áp và khoảng cách đường dây so với mặt đất, khoảng cách đường dây với mặt đất càng lớn thì cường độ điện trường đo trên mặt đất càng nhỏ. Còn cường độ từ trường phụ thuộc vào cường độ dòng điện chạy trong dây dẫn và giảm tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách. Do đó ngoài khoảng cách an toàn theo quy định thì ảnh hưởng của điện trường và từ trường không đáng kể.

PV: Thưa ông, việc tiếp xúc với vùng ảnh hưởng của điện từ trường sẽ tác động thế nào đến con người?

Ông Đỗ Quang Vinh: Khi nghiên cứu tác động của điện từ trường đến con người, các báo cáo khoa học chỉ ra rằng, điện trường tạo nên các điện tích trên bề mặt cơ thể và ít thâm nhập vào cơ thể, từ trường sinh ra dòng điện cảm ứng chạy trong cơ thể. Khi con người đứng trong trường điện từ sẽ có  dòng điện cảm ứng chạy qua người và có thể gây ra cảm giác tê chân tay, khó thở, co giật... vì thế cần quy định ngưỡng an toàn với ảnh hưởng của điện từ trường. Có hiện tượng này là do cơ thể con người được cấu tạo từ các tế bào. Khoảng giữa các tế bào là dung dịch với các chất dinh dưỡng, các i - ôn và các chất mang thông tin. Cơ thể bao gồm 70% là nước, trong đó có các muối khoáng tạo nên khả năng dẫn điện của cơ thể. Khi cơ thể đứng trong trường điện sẽ hình thành dòng điện chuyển dịch qua điện dung. Còn khi đứng trong trường từ sẽ hình thành dòng điện cảm ứng. Hai hiện tượng này hình thành dòng điện cảm ứng trong cơ thể.  Cường độ dòng điện cảm ứng này phụ thuộc vào điện trường, hình dạng cơ thể. Khi một người đứng thẳng trong điện trường và tiếp xúc trực tiếp với đất sẽ chịu một dòng điện cảm ứng 0,016 mA cho mỗi 1 kV/m. Nếu cường độ điện trường lớn nhất ở dưới đường dây cao áp là 10 kV/m thì dòng điện cảm ứng lớn nhất là 0,16 mA là mức dưới ngưỡng cảm nhận. Theo  qui định trong tiêu chuẩn IEC 479: 1994, khi trị số  dòng điện cảm ứng nhỏ hơn 0,5 mA thì chưa gây ra cảm giác có dòng điện chạy qua người, trị số này không gây ra ảnh hưởng đối với sức khoẻ con người

          

PTC2 tổ chức đo và giải thích cho người dân hiểu về điện từ trường

Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, vấn đề ảnh hưởng của điện từ trường đến sức khoẻ con người đã được các nhà khoa học ở nhiều quốc gia khác nhau và các tổ chức quốc tế quan tâm nghiên cứu. Cho đến nay trên thế giới đã có hàng ngàn báo cáo khoa học về điện từ trường được công bố. Chỉ riêng chuyên khảo mới xuất bản năm 2007 của WHO cũng sử dụng tới hơn 1000 tài liệu tham khảo của 683 tác giả, tổ chức độc lập ở các quốc gia khác nhau, chủ yếu từ năm 1990 đến năm 2007, song cũng chưa đưa ra được kết luận rõ ràng nào về tác động tiêu cực của điện từ trường đến sức khoẻ con người nếu như cường độ điện trường nằm trong giới hạn cho phép. Các nghiên cứu trên động vật và trên người cho thấy trường điện từ tần số cực thấp không gây bất kỳ phản ứng bệnh lý hay sinh lý ở phạm vi tế bào. Vấn đề bệnh ung thư cũng được các chuyên gia quan tâm nhưng không có kết luận nào về ảnh hưởng của trường điện từ trong ngưỡng an toàn đối với cơ thể sống. Tổ chức y tế thế giới WHO trong báo cáo công bố năm 2001 về nguy cơ gây ung thư đã sắp xếp theo thứ tư: Amian, thuốc lá, khí thải ô tô, xe máy, tia cực tím, cà fê, điện từ trường.

PV: ở Việt Nam, việc nghiên cứu về ảnh hưởng của điện từ trường đã được triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Đỗ Quang Vinh: Ở Việt Nam, ngay khi có đường dây 500kV đầu tiên, mặc còn gặp nhiều khó khăn song chúng ta cũng đã quan tâm đến vấn đề điện từ trường và đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do GSTS Nguyễn Mạnh Liên chủ trì đã được tiến hành từ năm1994 - 1997. nhằm bước đầu nghiên cứu ảnh hưởng của trường điện từ hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc-Nam đến sức khoẻ nghười lao động và dân cư trong khu vực. Đề tài đã đưa ra kết luận: Trong các trạm biến áp, cường độ điện trường trung bình dao động từ 5-25 kV/m, cao nhất ở khu vực tụ bù  bằng 45 kV/m, cường độ từ trường trung bình từ 1-5mT, cao nhất 14mT ở thanh cái hạ áp có dòng điện lớn; Dưới đường dây: Tại các điểm võng thấp cắt qua đường giao thông, điện trường có thể đạt đến 20- 25 kV/m, từ trường 3-18mT; Bên trong các nhà của các hộ dân cách đường dây 10-30 m, điện trường không vượt quá 0,5 kV/m, còn ngoài sân từ 0.7-3 kV/m.. Về sức khoẻ của công nhân trạm biến áp , công nhân đường dây và nhân dân sống gần đường dây 500 kV sau 3 năm tiếp xúc cũng như tthí nghiệm trên động vật thực nghiệm chưa phát hiện thấy các biến đổi các chỉ tiêu y sinh học; chưa phát hiện biểu hiện về u não hoặc khối u  do trường điện từ

PV: Vậy ngưỡng an toàn đối với cường độ điện trường được quy định cụ thể ra sao, thưa ông?

Ông Đỗ Quang Vinh: Hiện nay, trên thế giới chưa có một quy định thống nhất về ngưỡng giới hạn của cường độ điện trường. Tuỳ theo đặc điểm kinh tế - xã hội và điều kiện kỹ thuật, các nước tự đưa ra quy định hoặc hướng dẫn riêng về giới hạn an toàn của cường độ điện trường và ngưỡng giới hạn này nằm trong dải từ 1kV/m đến 20kV/m tuỳ theo đặc điểm vùng đông dân cư hay ít dân cư, hoặc vùng rừng núi khó qua lại.

Ngưỡng giới hạn mà Chính phủ Việt Nam quy định hiện nay nhỏ hơn hoặc bằng 5kV/m ngoài nhà và nhỏ hơn hoặc bằng 1kV/m trong nhà là đảm bảo an toàn và tương đương với quy định của một số nước trên thế giới. Ngưỡng giới hạn này cũng phù hợp với khuyến cáo của WHO và một số Tổ chức Quốc tế khác.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn điện, Cục KTAT có khuyến nghị gì, thưa ông?

Ông Đỗ Quang Vinh: Như trên đã nói, cho đến nay, mặc dù trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của điện từ trường tới sức khoẻ con người, song cũng chưa đưa ra được kết luận nào về tác động tiêu cực của nó đến sức khoẻ nếu cường độ điện trường nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm, tác động trực tiếp đến suy nghĩ, hành động của đông đảo người dân nên theo suy nghĩ của cá nhân tôi, rất cần các Bộ như Y Tế, Bộ KH&CN, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu đánh giá toàn diện về tác động của điện từ trường đến sức khoẻ để có kết luận khách quan, tạo sự yên tâm trong nhân dân và thuận lợi cho các cơ quan quản lý xây dựng cơ chế chính sách phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề trên cần phải có thời gian. Do vậy, trước mắt nhằm giảm thiểu tác động của điện từ trường tới sức khỏe và môi trường cần xem lại các yếu tố kỹ thuật như tiêu chuẩn thiết kế để nâng chiều cao cột, giảm khoảng cách khoảng cột, thay đổi cách bố trí pha để cường độ điện từ trường nhỏ nhất, hoặc bố trí nhiều mạch trên một cột... Một biện pháp đơn giản song rất có hiệu quả là nối đất các công trình, nhà cửa, các kết cấu bằng kim loại trong khu vực ảnh hưởng của điện từ trưòng. Biện pháp này đã được quy định bắt buộc thực hiện, song kiểm tra thực tế cho thấy biện pháp này thực hiện chưa đầy đủ và nghiêm túc, nhiều nơi còn coi nhẹ và bỏ qua.

Ngoài các biện pháp kỹ thuật trên, cũng cần xem lại chính sách đền bù thiệt hại khi xây dựng các đường dây tải điện, đặc biệt trong trường hợp Nhà nước không thu hồi đất trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện... Hiện nay vấn đề này còn nhiều bất cập, chưa hợp lý và chưa đủ để bù đắp được các bất tiện do đường dây điện gây ra.

PV: Xin cảm ơn ông! 

Theo TC Điện lực số 10 - 2007