Sự kiện

Hài hòa quyền lợi nhà đầu tư và người dân sử dụng điện

Thứ năm, 22/11/2007 | 09:41 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho rằng, khi kinh tế tăng trưởng cao (8,5 – 9%), thì năng lượng phải đi trước một bước. Nếu không đảm bảo được mục tiêu này, thì không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao…

Hiện nay hầu hết các công trình xây dựng nhà máy điện đều chậm tiến độ, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Các nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ là năng lực nhà thầu kém, công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm…. Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương về vấn đề này: 

PV: Thưa Thứ trưởng, xin ông phân tích rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ các công trình xây dựng điện hiện nay?

Ông Đỗ Hữu Hào: Các công trình xây dựng cơ bản nói chung, trong đó có các công trình ngành điện, về cơ bản đều chậm tiến độ. Điều này do nhiều yếu tố. Trước hết là yếu tố con người. Thực sự là trình độ của chúng ta có hạn, khả năng chuẩn bị chưa tốt nên nhiều khi chúng ta khởi công sớm nhưng điều kiện chưa đủ: điều kiện về vốn, khoa học kỹ thuật, con người… Ngoài ra còn có những yếu tố khách quan khác tác động đến. Trước hết là việc đền bù giải phóng mặt bằng chậm. Đây cũng là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới sự chậm của các công trình. Bởi trong lĩnh vực điện, như thuỷ điện thì việc di dân tái định cư rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước quan tâm, là ưu tiên hàng đầu và chi phí lớn. Quan điểm của Đảng và Nhà nước là khi người dân di dời đến nơi mới phải có cuộc sống, điều kiện sống tốt hơn nơi cũ. Khó khăn thứ hai trong việc di dời dân tái định cư là liên quan tới đất sử dụng. Bởi hiện nay nguồn quỹ đất để di dời rất thiếu, kể cả các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. Nguyên nhân nữa là vấn đề thiết kế: thiết kế kỹ thuật và thiết kế cụ thể không đi kịp quá trình triển khai. Nguyên nhân tiếp nữa là liên quan đến cung cấp và đặt hàng, bởi có nhiều trang thiết bị đối với ngành điện không phải nhà cung cấp nào cũng đáp ứng được. Nhiều khi mình đặt hàng, do họ có nhiều đơn hàng nên tiến độ cấp hàng chậm. Còn một nguyên nhân nữa là đấu thầu thì trong quá trình chuẩn bị đấu thầu, xét thầu rất phức tạp. Có những lúc công trình không đủ số người tham gia thầu nên phải tăng thời gian xem xét lên và đàm phán không đạt yêu cầu. Nguyên nhân cuối cùng là do giá cả vật tư xây dựng tăng nên các công trình xây dựng bị kéo dài thời gian, tối thiểu là 2 – 3 năm so với khi duyệt dự toán, nên phải có sự điều chỉnh giá. Mỗi lần đợi được điều chỉnh mất thời gian nên ảnh hưởng tới tiến độ.

PV: Từ thực tế như vậy, chúng ta có những biện pháp gì để khắc phục tình trạng chậm trễ này, thưa Thứ trưởng?

Ông Đỗ Hữu Hào: Trước hết đối với các công trình trọng điểm thì chúng tôi thường xuyên theo dõi để đảm bảo tiến độ thi công. Đối với tổng sơ đồ năm đã được thực hiện thì phải thúc đẩy thực hiện đúng tiến độ. Riêng về Tổng sơ đồ điện 6 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Thủ tướng đã cho phép thành lập Ban Chỉ đạo tổng sơ đồ này và Ban chỉ đạo sẽ làm việc tích cực để đưa các công trình theo đúng tiến độ đã đề ra và phải khắc phục được những yếu kém vừa nêu ảnh hưởng tới quá trình triển khai.

PV: Thưa Thứ trưởng, liên quan tới Tổng sơ đồ điện 6 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều ý kiến lo ngại chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu mà tổng sơ đồ này đề ra? Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Ông Đỗ Hữu Hào: Đúng là mục tiêu đặt ra là rất cao, tốc độ tăng trưởng điện thấp nhất là 17%, trung bình ở mức cao là 20%, thậm chí là 22%/năm. Với mức tăng trưởng cao như vậy thì khó khăn là đương nhiên nhưng vẫn phải thực hiện. Hiện nay chúng ta đã mở rộng cho mọi thành phần kinh tế tham gia vào phát triển nguồn điện chứ không chỉ EVN, EVN chỉ chiếm hơn 45%.Với quyết tâm cao thì chúng ta sẽ hoàn thành, còn nói khó thì tất nhiên cái gì cũng khó, không phải chỉ riêng các nhà máy điện mà hầu hết các công trìnhh xây dựng cơ bản, vấn đề là chúng ta phải cương quyết để đạt được mục tiêu, Không còn cách nào khác, khi kinh tế tăng trưởng cao, GDP có thể lên tới 8,5 – 9% thì năng lượng phải đi trước một bước và phải đảm bảo được mục tiêu này. Nếu không làm được thì không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.

PV: Thưa Thứ trưởng, để phát triển ngành điện mỗi năm chúng ta cần tới 4,5 – 5 tỷ USD. Đây là một con số lớn. Vậy vấn đề là làm sao xã hội hoá ngành điện, thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư tham gia?

Ông Đỗ Hữu Hào: Riêng đối với ngành điện thì hiện nay tình hình đã thay đổi. Rất nhiều nhà đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài mong muốn được đầu tư vào ngành điện, thậm chí có một công trình có tới 4 – 5 nhà đầu tư muốn tham gia. Có nhiều lý do: thứ nhất là môi trường đầu tư tốt hơn, thứ hai là các nhà đầu tư nhìn thấy nền kinh tế Việt Nam phát triển, thứ 3 là Nhà nước có lộ trình điều chỉnh tăng dần giá điện thì cũng đã hấp dẫn các nhà đầu tư. Tôi khẳng định là thu hút đầu tư không có gì lo ngại.

PV: Thưa Thứ trưởng, làm sao hài hoà giữa mục tiêu là giá điện thành phẩm tới người dân ở mức hợp lý nhất trong khi vẫn đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư để thu hút?

Ông Đỗ Hữu Hào: Hiện nay chúng ta đang từng bước chuyển sang thị trường hoá giá điện, tức là sẽ mở dần, còn hiện tại nhà nước vẫn quản lý giá. Trong tương lai thì sẽ tiến tới xây dựng thị trường điện. Trước mắt là xây dựng thị trường cạnh tranh cho việc mua bán buôn điện. Để cải thiện điều này thì song song với lộ trình tăng giá điện đã được Thủ tướng phê duyệt thì còn nhiều việc khác phải làm như giảm bù chéo. Trước chúng ta vẫn phải lấy điện sản xuất giá cao để bù cho giá sinh hoạt nhưng tiến tới sẽ không có bù chéo, không có ưu tiên cho một số lĩnh vực ngành nghề. Trước đây một số lĩnh vực như sản xuất phân bón, thép thì vẫn bán giá điện ưu tiên hơn, tiến tới sẽ chỉ có một mặt bằng giá. Chúng ta cũng phải giải quyết vấn đề là tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả để giảm tiêu hao năng lượng không cần thiết. Chúng ta cũng có những biện pháp cứng rắn đối với các đối tượng có những hành vi lấy cắp điện, phá hoại đường dây điện… Trên thực tế ăn cắp điện vẫn đang diễn ra phổ biến và gây thiệt hại. Hiện nay chúng ta có Luật Điện lực thì phải tuyên truyền để toàn dân cùng tham gia xây dựng lĩnh vực này và làm thị trường điện lành mạnh, có cạnh tranh và hiệu quả.

PV: Thưa Thứ trưởng, hướng sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên và đặc biệt là năng lượng hạt nhân đang được Chính phủ đề ra như thế nào?

Ông Đỗ Hữu Hào: Trong Tổng sơ đồ 6 đã đề cập. Song song với phát triển các nguồn thuỷ điện, thì chúng ta sẽ chuyển mạnh sang nguồn nhiệt điện từ than bởi nguồn than trong nước còn khá dồi dào và chúng ta có thể nhập khẩu than từ các nước nữa. Sau năm 2020 thì chúng ta cũng sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hoặc có thể sớm hơn. Trước mắt sẽ xây dựng các nhà máy có công suất khoảng 2000 MW sau đó có thể nâng cao hơn và sẽ chuyển dần chủ yếu từ thuỷ điện sang nhiệt điện và hạt nhân. Trong chương trình cũng đặt ra mục tiêu trước mắt là đạt 8% tổng công suất tư nguồn năng lượng mới tái tạo, trước mắt tập trung vào thuỷ điện nhỏ, giao cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển. Thứ hai là tập trung vào điện mặt trời và sản xuất các thiết bị dùng điện mặt trời để không chỉ đun nước mà sử dụng phát điện, đưa lên lưới điện, tập trung vào điện gió nữa. Theo khảo sát thì khu vực miền Trung của nước ta là nơi có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn. Trước hết là có thể dùng cho hải đảo, vùng sâu vùng xa – nơi lưới điện quốc gia chưa đến được, rồi tiến tới xây dựng nhà máy lớn hơn. Tiếp nữa là nguồn địa nhiệt… 

Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

Theo: VOV