Sự kiện

Sống chung với điện cao áp: đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp xử phạt nghiêm minh

Thứ tư, 21/11/2007 | 10:27 GMT+7

Từ khi đường dây 500 kV Bắc Nam mạch 1 được đưa vào vận hành (năm 1994), một số nhà dân sinh sống gần hành lang tuyến phàn nàn về hiện tượng sờ vào vật kim loại trong nhà thì bị giật, khi trời mưa thì bị tê... Đến khi mạch 2 vào hoạt động (cuối năm 2005), vấn đề này càng trở nên căng thẳng vì đường dây đi qua khu vực đông dân cư. Nhiều đơn thư kêu cứu đã tạo ra sự cảnh giác của người dân ở các khu vực khác, đến mức ngay cả đường dây 220 kV, thậm chí là 110 kV cũng bị coi là thủ phạm gây nhiễm điện.

               

Hướng tới quy trình an toàn

Theo quy định của Nhà nước, từ năm 1999 về trước, nhà ở không được phép tồn tại dưới đường dây cao áp. Nhưng đến Nghị định 54/1999/NĐ-CP, lần đầu tiên cho phép nhà ở được tồn tại dưới đường dây cao áp 220 kV trở xuống. Đối với đường dây 500 kV thì chỉ được ở sát hành lang bảo vệ an toàn. Luật Điện lực (năm 2004) quy định không cho phép tồn tại nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống và làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây 500 kV trở lên, trừ những công trình chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện đó.

Sau đó, đến Nghị định 106/2005/NĐ-CP, quy định cụ thể các điều kiện để nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đến 220 kV. Để đảm bảo an toàn, Quy phạm đường dây 500 kV còn quy định rất chi tiết: Hành lang bảo vệ của ĐDK 500 kV là diện tích giới hạn bởi hai mặt phẳng đứng song song với đường dây có khoảng cách tới dây dẫn ngoài cùng là 7 mét khi dây dẫn không bị lệch và không nhỏ hơn 2 m khi tính đến dây dẫn bị lệch nhiều nhất, được xác định trong thiết kế (Điều 24); Khoảng cách nhỏ nhất từ dây dẫn ĐDK 500 kV đến mặt đất ở khu vực đông dân cư không được nhỏ hơn 14 m, vùng ít dân cư 10 m, vùng khó qua lại là 8 m, những nơi người đi bộ rất khó đến (mỏm đá, tảng đá, dốc núi) là 6 m.

Theo các chuyên gia của ngành năng lượng, do hệ thống điện của Việt Nam phát triển sau nhiều nước trong khu vực và thế giới, nên đã thừa hưởng được kinh nghiệm trong thiết kế, xây dựng và tiêu chuẩn hóa ngành điện. Các tiêu chuẩn áp dụng trong ngành điện của Việt Nam đều dựa theo tiêu chuẩn và quy định của các tổ chức quốc tế và các nước tiên tiến, phù hợp với tình hình thực tế của đời sống kinh tế xã hội.

Ông Đặng Hữu Ngọ, Trưởng ban Kỹ thuật An toàn (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết: Từ khi có các đường dây ở cấp điện áp 220 kV và nhất là từ khi có đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1, rồi mạch 2, thống kê cho thấy chưa có trường hợp nào bị bệnh tật hoặc bị chết do điện trường gây nên. Như vậy, về nguyên tắc, Việt Nam đã đảm bảo được các tiêu chuẩn của quốc tế, đặc biệt là của Tổ chức Y tế thế giới.

Với các quy định về an toàn ngày càng được hoàn thiện và bổ sung phù hợp với thực tế, chỉ số ngưỡng an toàn đối với cường độ điện trường E (kV/m) và cường độ từ cảm B của Việt Nam quy định ngang bằng hoặc thấp hơn với nhiều nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Đức, úc, Nga, Malaysia, Singapore và chỉ cao hơn của Nhật một chút (5 kV/m so với 3 kV/m).

Tuyên truyền để nhân dân hiểu

Mức độ an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế như vậy, vì sao người dân vẫn phản ứng về hiện tượng nhiễm điện do các đường dây cao áp, siêu áp gây nên?  Mới đây nhất, tuyến đường dây 220 kV từ Tuyên Quang về Thái Nguyên được đưa vào sử dụng, 37 hộ dân (phần nhiều là ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã có đơn thư khiếu kiện với nội dung sức khỏe bị giảm sút, hay đau đầu chóng mặt, lo sợ bị nhiễm bệnh, mất an toàn khi phải sống dưới đường dây, kiến nghị được đền bù để di dời ra khỏi hành lang an toàn...

“Trước đây, khi người dân cần điện thì ngành điện, thợ điện được trọng vọng, gắn liền với câu nói cầu dao, cầu thớt đi liền, được địa phương, người dân ủng hộ hết mình khi thi công các đường dây tải điện. Nhưng giờ đây, khi cung cấp điện là yêu cầu bắt buộc, được Luật hóa thì tình thế của ngành Điện đã khác hẳn” - ông Ngọ nói. Điển hình nhất là khi bàn giao lưới điện trung áp từ địa phương sang ngành điện quản lý thì có nhiều trường hợp người dân bắt ngành điện phải đền bù, đòi được di chuyển (trong khi trước đó khi địa phương quản lý, thì không thấy phản ứng gì). Hậu quả của phản ứng này, như ví dụ mà Kỹ sư Trần Phùng Thạch (Cục KTATCN - Bộ Công Thương) đưa ra là “nhiều đường dây cao áp ở Quảng Bình bị chết tắc không thể đóng điện được, cho dù chỉ còn vài ba ki lô mét nữa là kéo dây xong”. Còn trên quy mô cả nước, với nhu cầu điện năng tăng khoảng 17%/năm của giai đoạn 2006 - 2015 (Quy hoạch điện VI), thì hàng trăm đường dây cao áp, siêu cao áp có nguy cơ bị chậm tiến độ, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Ông Ngọ đề nghị: “Nếu không có sự chung sức, chung lòng của các cấp các ngành và sự ủng hộ của người dân thì không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển điện của đất nước. Điều cần thiết là cần phải tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu bản chất của điện trường, không nhầm lẫn giữa hiện tượng cảm ứng điện với hiện tượng nhiễm điện. Bên cạnh đó, cũng cần phải có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm hành lang an toàn, vi phạm quy phạm sử dụng điện an toàn”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mặc dù rất quan tâm đến vấn đề môi trường và sức khỏe của con người, nhưng cũng đã đưa ra khuyến cáo các nước phát triển đường điện nói chung và đường dây cao áp, siêu cao áp nói riêng với giải pháp rẻ nhất trên cơ sở đạt ngưỡng an toàn. Trong điều kiện tăng trưởng nhu cầu phụ tải liên tục ở mức cao trong nhiều năm tới, hàng loạt các đường dây tải điện cần được xây dựng gấp rút. Không thể đảm bảo an toàn tới mức xây dựng đường dây cách xa dân cư (vì khi đó giá thành điện, theo tính toán có thể lên tới 20.000 đ/kWh). Vấn đề đặt ra với các cơ quan chuyên môn là phải tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu, cụ thể hơn về ảnh hưởng của điện trường, kể cả ảnh hưởng của trường điện từ có cường độ yếu đến sức khỏe của con người trong điều kiện khí hậu và kinh tế xã hội hiện tại cũng như cách giảm thiểu, khắc phục; thường xuyên công bố, thông tin để người dân hiểu. 

Theo TC Điện lực số 10 - 2007