Sự kiện

Thị trường không hoàn hảo

Thứ sáu, 23/11/2007 | 09:48 GMT+7

Theo cách diễn đạt của các học thuyết kinh tế Âu Mỹ về thị trường tự do, chẳng ai nói thị trường mua bán điện tại Việt Nam hiện nay là một thị trường tự do hoàn hảo. Trong nền kinh tế thị trường, so với các doanh nghiệp vẫn phải cạnh tranh chan chát với nhau, chẳng ai bán sản phẩm của mình lạ lùng như cách mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện nay vẫn làm: mua càng nhiều, giá phải trả càng cao.

Mỗi người, mỗi gia đình phải xài điện theo định mức. Giá cứ tăng lên theo mỗi kWh điện sử dụng. Không có ưu đãi cho khách hàng thân thiết, hay giảm giá cho người mua sỉ. Thậm chí, EVN còn khuyến khích, còn chỉ vẽ, kêu gọi người dân tiết kiệm điện. Hàng loạt chương trình, hàng loạt loại hình cổ động, với những chi phí hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng được đổ ra, chỉ nhằm mục đích chỉ cho người dân cách sử dụng điện sao cho… đỡ tốn, cho hiệu quả, cho tiết kiệm.

Nếu mà là một doanh nghiệp hoạt động trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo, ông chủ của EVN hẳn sẽ ngửa mặt lên trời mà kêu rằng: làm chi mà cực vậy? Buôn bán chi mà… khờ vậy?

Tất nhiên, các ông chủ của EVN hiện nay không ai phải ngửa mặt lên trời mà than thở như vậy. Vốn dĩ, thị trường điện Việt Nam không phải là một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, không phải là một thị trường cạnh tranh tự do với sự điều tiết của quy luật thị trường là chính. Điện, là năng lượng, là cội nguồn của nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch… Vì thế, điện ảnh hưởng đến cả tình hình kinh tế chính trị của quốc gia.

Một cơn bão làm mất điện miền Trung là ảnh hưởng sản xuất của cả khu vực, thiệt hại cả nền kinh tế, chứ không phải là chuyện mua bán làm ăn của riêng gì EVN. Bởi thế, trong thị trường không hoàn hảo này, sự can thiệp từ phía Chính phủ là rất cần thiết. Năng lượng rất cần trong nhiều hoạt động của quốc gia.

Bên cạnh nghĩa vụ sản xuất kinh doanh, EVN có nghĩa vụ duy trì, đảm bảo cung cấp điện năng cho các tổ chức, cá nhân sử dụng. Ngành điện, vì thế, được rất nhiều ưu đãi trong chính sách. Người dân mua điện, vì thế, được mua điện sử dụng với mức giá thấp hơn mức giá mà EVN cho rằng họ cần phải bán. Sử dụng nhiều quá, họ mới bị giảm mức ưu đãi xuống, và giá điện cao lên.

Những người khó tính có thể hỏi tiếp rằng: sao không làm nhiều ra mà bán? Đáng tiếc, câu hỏi rất dễ dàng đó, lại đụng ngay phải một vấn đề nan giải của cả thế giới, chứ chẳng riêng gì của Việt Nam. Điện nói riêng, các loại năng lượng nói chung, không phải cứ muốn làm ra nhiều là làm được.

Điện ở Việt Nam hiện nay chủ yếu lấy từ hai nguồn chính là thủy điện và nhiệt điện. Thủy điện thì chịu ảnh hưởng của thời tiết, và việc xây dựng các nhà máy thủy điện phải tính đến tác động của nó đối với dòng chảy, môi trường sống ở hạ nguồn. Làm ẩu là thiệt hại khó lường.

Còn nhiệt điện, nguồn than đá không phải là vô tận. Dự báo của các chuyên gia cho rằng khoảng 120 năm nữa là Việt Nam hết than đá. Mà như thế thì không thể cứ đào lên mà dùng ầm ầm được. Còn điện nguyên tử? Chúng ta chưa phát triển mạnh loại hình này, nhưng nguyên liệu để làm điện nguyên tử cũng có giới hạn. Nhìn đi nhìn lại, bài toán làm cho nhiều để bán có thể áp dụng với rất nhiều lĩnh vực, nhưng với điện thì không.

Và trong bối cảnh đó, bên cạnh việc tìm ra những cách làm điện mới, việc sử dụng điện cho hiệu quả trở thành bắt buộc, trở thành một việc ích nước lợi nhà. Trong bối cảnh đó, việc tuyên truyền, sử dụng điện hiệu quả, có lẽ không nên chỉ chất lên vai EVN. Vấn đề không chỉ là tìm cách mua điện sao cho rẻ, mà còn là làm sao để sử dụng điện cho hiệu quả.

Bên cạnh lợi ích riêng của việc tiết kiệm điện, còn có lợi ích chung của việc duy trì lâu hơn, dồi dào hơn của loại năng lượng huyết mạch quốc gia. Có lẽ, mỗi người, mỗi nhà nên nhìn xa hơn một chút, rộng hơn một chút cho việc sử dụng điện của mình, để cùng giải bài toán năng lượng cho đất nước. Bài toán đó, lớn hơn những quy luật của một thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

Theo SGGP